Ở tạm, học nhờ giữa lòng hồ thủy điện

GD&TĐ - Theo bố mẹ quay trở về sinh sống ở bản làng cũ thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An), nhiều đứa trẻ phải chịu cảnh học nhờ vất vả. Các em không được hưởng những chế độ, chính sách hỗ trợ vùng khó do hộ khẩu của các em theo gia đình đã được chuyển về nơi tái định cư.

Các em tự túc sinh hoạt, ăn uống sau giờ học
Các em tự túc sinh hoạt, ăn uống sau giờ học

Dựng lều nuôi chữ

Hữu Khuông là xã lòng hồ duy nhất của huyện Tương Dương cho đến nay vẫn không có đường bộ đi. Từ ngoài vào xã, tất cả đều di chuyển bằng thuyền. Trường Tiểu học Hữu Khuông nằm gần bến thuyền. Cạnh đó, rải rác có những gian lán tạm dựng lên. Đó là của bà con dựng lên cho con ở tạm đi học.

Em Chương Thị Điệp đang học lớp 4. Mỗi ngày tan học về, Điệp cùng chị gái học THCS xách nước, nấu cơm ăn. Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn ở, giặt giũ, nấu nướng, học hành đều là hai chị em bảo ban nhau. Cuối tuần, bố mẹ lại đi thuyền đến đón, hoặc các em thuê thuyền về nhà. Lấy gạo, muối, thức ăn dự trữ cho các tuần tiếp theo. Mỗi tháng, bố mẹ cho thêm 50 - 100.000 để tiêu.

Gia đình Điệp là một trong những hộ dân thuộc các xã Hữu Dương, Kim Đa, Kim Tiến cũ (huyện Tương Dương), năm 2006 đã di dời để nhường chỗ cho công trình thủy điện Bản Vẽ xây dựng.

Tuy nhiên, sau đó, nhiều bà con lại rời bỏ nơi ở mới, kéo nhau về bản cũ, nay đã ngập chìm dưới nước hồ thủy điện Bản Vẽ, trong đó có bố mẹ Điệp. Để mưu sinh, bà con dựng lán tạm ven bờ, rồi lại phát rẫy, đánh bắt cá, chăn nuôi… và xin cho con em học tại xã Hữu Khuông. Nhưng vì không thể ngày nào cũng chạy thuyền hàng giờ đồng hồ đưa đón con đi học, nên những phụ huynh này dựng thêm cho các em một gian nhà bằng tre nứa gần trường, để các em đi học.

Thầy Bùi Văn Hảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hữu Khuông - thông tin: “Toàn trường có 31 em học sinh trong vùng lòng hồ theo học, trong đó có 27 em bố mẹ đến dựng lều cho con ở xung quanh.

Một số em có mẹ ở cùng, còn phần lớn là được bố mẹ gửi cho người quen, hoặc nếu có anh chị lớn thì tự ở cùng nhau. Trong khi các cháu đang nhỏ, ăn uống, sinh hoạt không đảm bảo, vất vả lắm!

Thỉnh thoảng có xảy ra trường hợp các em về nghỉ cuối tuần, nhưng sau đó bố mẹ bận chưa đưa các em xuống lại lều tạm được, thì các em nghỉ học cả tuần. Ảnh hưởng đến việc học của các em.

Thầy Nguyễn Tất Thi - Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hữu Khuông cũng nói: “Nhà trường rất tạo điều kiện, động viên, quan tâm đến các em trong học tập và sinh hoạt. Nhưng do hộ khẩu các em không ở đây nữa, mà ở nơi tái định cư, nên các chế độ chính sách như bảo hiểm y tế, chế độ hộ nghèo, bán trú... khó được giải quyết. Đó là điều thiệt thòi rất lớn đối với các em”!

Không để trẻ thất học

Lán tạm của học sinh ở quanh trường
Lán tạm của học sinh ở quanh trường

Ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông - cho biết: Có một số hộ dân vùng lòng hồ không di dời về nơi ở mới. Nguyên nhân chủ yếu là do theo quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cho phép mỗi hộ ngoài nhà cửa, chỉ được đưa theo 3m3 gỗ ra khỏi vùng lòng hồ về nơi tái định cư. Trong khi nguyện vọng của họ muốn đem toàn bộ gỗ tích trữ được đi theo.

Còn đại đa số bà con đều đồng ý về nơi tái định cư ở huyện Thanh Chương. Tuy nhiên, sau đó, nhiều hộ quay trở về lòng hồ Bản Vẽ vì không quen với cách thức canh tác, sản xuất tại nơi ở mới. Thời gian gần đây, số lượng các hộ di cư ngược này đã giảm dần. Vì chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ về vấn đề cư trú, khoanh diện tích bảo vệ rừng. Mặt khác, ở vùng tái định cư tại Thanh Chương, nhiều hộ tiếp cận được với các mô hình kinh tế, sản xuất, trở thành hộ giàu, khá, tạo động lực cho họ quay về.

Hiện vẫn còn khoảng gần 200 hộ sinh sống tạm tại lòng hồ, cùng với đó là gần 80 cháu tập trung chủ yếu ở bản Kim Hồng. Hầu hết các cháu đều đi học đầy đủ. Chỉ có một số cháu chủ yếu là tầm 2 – 3 tuổi, quá bé nên bố mẹ để ở nhà. Số khác do bố mẹ không ở cố định một nơi, đi đi về về giữa Thanh Chương và Tương Dương, và gửi con học tại Thanh Chương.

Bà Vy Thị Bích Thủy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết: Năm học này, Phòng GD&ĐT cùng với các giáo viên của 3 trường thuộc xã Hữu Khuông cũng đã tổ chức đi vận động từng nhà ở vùng lòng hồ để phụ huynh cho các cháu đến trường. Dù thực sự các em cũng không thuộc đối tượng vận động. Kết quả, có 61 em đang được đi học tại 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS ở Hữu Khuông. Đây cũng là con số cao nhất từ trước đến nay.

“Tuy nhiên, Phòng GD&ĐT cũng như trường cũng không thể nào thống kê, nắm bắt hàng ngày số trẻ là con em của các hộ mới di dời về hoặc đi đi về về. Để đảm bảo quyền lợi của các em, phụ huynh nên chủ động gặp nhà trường thông báo; nhà trường sẽ bố trí để cháu vào nhập học. Nếu có khó khăn gì có thể liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Phòng để được giúp đỡ” - bà Vy Thị Bích Thủy khẳng định.

Về phía chính quyền huyện Tương Dương cũng luôn tạo điều kiện để con em của những hộ dân này được đầy đủ, không để các cháu thất học. Ông Nguyễn Văn Hải – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - nói: “Thực tế, những hộ quay về lòng hồ mưu sinh và dựng nhà, lán tạm không đăng ký tạm trú với địa phương là cư trú trái quy định, dẫn đến nhiều hệ lụy trong đó có việc ảnh hưởng đến học tập của con em. Nhưng trẻ em không có lỗi, và những năm qua, em nào được bố mẹ đưa đến báo cáo với nhà trường thì đều được bố trí đi học đầy đủ”.

Bên cạnh đó, UBND huyện Tương Dương cũng đã phê duyệt kế hoạch xây dựng nhà lắp ghép, làm ký túc xá dành riêng cho các cháu là con em hộ dân tái định cư quay lại lòng hồ Bản Vẽ, huy động nguồn lực của địa phương từ các nhà hảo tâm. Huyện cũng phối hợp chặt chẽ với huyện Thanh Chương để vận động bà con quay về vùng tái định cư.

Hiện trên địa bàn huyện Tương Dương có 122 em học sinh là con em bà con quay trở lại vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ sinh sống. Trong đó, bậc mầm non có 13 em, tiểu học 31 em, THCS 17 em và THPT 61 em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.