Không khuất phục trước khó khăn
Cô Loan sinh ra và lớn lên ở Nghệ An. Cô học sư phạm ở Yên Bái rồi gắn bó luôn với mảnh đất này.
Năm 2011, cô giáo Nguyễn Thị Loan được phân về dạy ở xã xa nhất của huyện Mù Cang Chải là Nậm Có, 2 năm sau cô được phân công về xã Kim Nọi. Đã 6 năm trôi qua kể từ khi cô giáo trẻ bước chân vào nghề gieo chữ đầy gian nan.
Từ tháng 9/2016, cô Loan mới được điều động về thị trấn, khi 2 trường THCS Võ Thị Sáu và Tiểu học Kim Đồng sáp nhập thành Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải. Về đây, được phân ở nhà công vụ của trường, nên cô cũng thoát được cảnh phải đi thuê nhà. Nhưng niềm vui mới vỏn vẹn một năm thì cơn lũ quét đầu tháng 8 vừa qua đã cuốn luôn chỗ ở và toàn bộ tài sản của cô.
Gần như tay không sau lũ, cô Loan buồn bã nhớ lại: “Hôm lũ càn quét, toàn bộ tài sản thì mất hết, từ xe máy cho đến các đồ dùng, vật dụng và cả những hồ sơ, giấy tờ quan trọng. Thời điểm đó, tôi không mang gì theo cả vì đang đi học lên đại học ở Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên. Quần áo cũng chỉ mang theo mấy bộ mùa hè, đồ ấm mùa đông cũng bị cuốn sạch hết”.
Không khuất phục khó khăn, cô giáo trẻ nhanh chóng lấy lại tinh thần nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, từ việc nhỏ nhất là xin từng cuốn sách giáo khoa cho năm học mới.
“Để cho ngày khai giảng, tôi mượn áo dài của đồng nghiệp cũ cùng dạy trên Trường THCS Kim Nọi. Trước khai giảng mấy hôm, có một chị bạn đồng nghiệp nói có 2 đôi giày nhưng một đôi đi không vừa và ngỏ ý cho tôi, và may sao tôi lại vừa chân. Thế là tạm đủ” - cô Loan cười tươi.
Với bộ áo dài mượn của người khác và đôi giày được cho, cô giáo Loan vẫn kịp chuẩn bị và tự tin cùng đồng nghiệp biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho học sinh trong ngày khai giảng năm học mới.
Cô giáo Nguyễn Thị Loan (ngoài cùng bên phải) thể hiện tiết mục văn nghệ trong bộ áo dài đi mượn và đôi giày được cho kịp ngày khai giảng năm học mới. |
Sau lũ quét, tất cả học sinh của Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải cũng được dồn hết về học tại điểm chính đóng tại Trường Tiểu học Kim Đồng trước đây.
Tuy nhiên, nơi đây lại không có nhà công vụ cho giáo viên, vì thế cô Loan phải đi ở nhờ. “Thấy tôi không nhà cửa, ban giám hiệu nhà trường cũng ngỏ ý nếu muốn sẽ thu xếp cho một phòng nào đó trong trường làm chỗ ở. Nhưng các phòng hiện cũng chưa sắp xếp được nên tôi vẫn đang ở nhờ nhà người chị họ. Nếu ra ngoài sẽ mất tiền thuê trọ, nhưng tới đây chắc cũng không thể ở nhờ mãi được mà sẽ phải tính đến chuyện đó” - cô Loan chia sẻ.
Vui nhất thấy học sinh đến lớp mỗi ngày
Cô Loan là người thiệt hại nặng nề nhất trong số 3 giáo viên của trường chịu ảnh hưởng từ lũ. Nhưng dù bản thân không chuẩn bị được nhiều, song cô Loan vẫn rất vui vẻ khi nói với chúng tôi về kế hoạch và công việc cho năm học mới.
“Trên này bây giờ vẫn chưa lạnh, nên tôi tận dụng mặc đồ mùa hè được, mùa đông thì tính sau. Tài liệu, sách vở nghiên cứu thêm như sách nâng cao, tài liệu tham khảo… trôi hết rồi, nhưng tôi đang nhờ người mua lại giúp”.
Cô Loan cũng chia sẻ một điều bất ngờ mà ngay đầu năm học cô đã nhận được.
“Hôm khai giảng, tôi đặc biệt vui hơn khi gần cuối giờ nghe nhà trường gọi lên để trao tặng quà từ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đó là một chiếc xe máy giúp tôi đi lại hàng ngày đến trường. Khi đến thăm trường sau đợt lũ lụt vừa qua, Bộ trưởng đã ân cần hỏi thăm giáo viên chúng tôi. Khi biết tất cả các tài sản ít ỏi của tôi đều bị lũ cuốn đi hết, Bộ trưởng đã rất chia sẻ và quyết định tặng cho tôi một chiếc xe máy để thuận tiện cho việc đến trường hàng ngày. Được Bộ trưởng quan tâm, tôi rất cảm kích và xúc động”.
Cô Loan cũng mong muốn, năm học mới, các cấp quan tâm, giúp đỡ hơn nữa để phần nào giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên vùng cao.
Lễ khai giảng nhiều thiếu thốn, giản dị nhưng vẫn đầy niềm vui của học sinh Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. |
Với những giáo viên như cô giáo Loan, vận động học sinh đến lớp là chuyện bình thường mỗi ngày, nên điều mong mỏi nhất là học sinh đi học đầy đủ.
“Bây giờ về đây đỡ hơn, chứ 4 năm trước tôi ở xã Nậm Có và Kim Nọi thì sáng đi dạy, tối đi vận động học sinh. Có nhiều em ở các xã đến trường rồi nhưng xin nghỉ nhiều hôm không thấy xuống nữa lại phải đi gọi. Em xa nhất là 30 km, gặp trường hợp gia đình học sinh không có điện thoại thì phải đến từng nhà”.
Là giáo viên dạy Hóa và Sinh, theo cô Loan thiếu thốn rõ rệt nhất là đến nay, các dụng cụ, vật dụng làm thí nghiệm thực hành của nhà trường chẳng còn gì nữa. “Tôi chỉ dạy chay hoặc chiếu các thí nghiệm cho học sinh quan sát trên máy. Tôi mong sẽ có vật dụng, dụng cụ thực hành cho các em được trải nghiệm nhiều hơn”.
Cô Loan cũng lo ngại khi áp dụng chương trình phổ thông mới sẽ gặp khó khăn. “Khi xem qua chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, được biết sẽ phù hợp cho các đối tượng học sinh, tôi có an tâm hơn nhưng không biết khi áp dụng thực tế sẽ như thế nào” - cô Loan trăn trở.
Nhưng trên tất cả, cô giáo vùng cao chia sẻ, bản thân sẽ cố gắng hết mình khi chương trình mới được đưa vào triển khai, để vì mục tiêu quan trọng nhất là tạo sự thích thú với việc học và mở ra tương lai tươi sáng hơn cho trẻ em vùng cao.