Ước mơ xây dựng một bảo tàng tư nhân về người Tà Ôi
Thầy Trần Nguyễn Khánh Phong sinh năm 1976, là con của một gia đình nông dân ở huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tốt nghiệp cử nhân khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học Huế năm 2000, học thêm nghiệp vụ sư phạm rồi lên huyện miền núi A Lưới (thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế) để nhận nhiệm sở. Tháng 4 năm 2001, anh chính thức đứng trên bục giảng của Trường THPT A Lưới.
Nhà cách xa trường gần 100 cây số, điều kiện đi lại, sinh hoạt thiếu thốn, khó khăn. Nhưng có lẽ với những người khát khao theo đuổi đam mê như Phong thì khó khăn chỉ là chuyện nhỏ. Những ngày đầu đặt chân lên A Lưới để gieo chữ cho các em vùng cao, Khánh Phong đã nhận ra đây chính là “vùng đất hứa” đối với mình.
Sau những buổi lên lớp, sau những giờ “rút ruột nhả tơ” vào trong từng bài giảng Văn, cưỡi chiếc xe đạp cọc cạch gắn bó thời còn sinh viên, Khánh Phong rong ruổi khắp 100 bản làng của huyện A Lưới để tìm hiểu văn hóa đặc trưng của người Tà Ôi.
Càng đi càng thấy hấp dẫn bởi nơi vùng cao này có cả một gia tài văn hóa cần được nghiên cứu bài bản và cần được nâng niu, trân trọng. Vậy là rời bục giảng, anh lại đi đến từng nhà, từng bản, vượt đèo, lội suối để gặp gỡ người dân bản địa rồi nói chuyện, tìm hiểu, quan sát, sưu tầm, ghi chép…
Tiền lương hằng tháng, rồi tiền nhuận bút từ việc viết báo… có bao nhiêu Phong dồn vào công việc nghiên cứu văn hóa người Tà Ôi. Nơi nào có người Tà Ôi, nơi đó có bước chân của thầy giáo trẻ Khánh Phong. Đến nay sau 16 năm miệt mài, anh đã có trong tay bộ sưu tập gồm hơn 500 hiện vật của người Tà Ôi.
Nói về kho hiện vật đồ sộ đang có trong tay, Phong tâm sự: “Không phải một sớm một chiều mà có được. Kì công lắm, mình phải thực hiện ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng trao đổi thông tin với bà con nơi đây. Có vật dụng mình xin, có thứ mình mua, có thứ mình đổi”.
Thầy Khánh Phong với trẻ em dân tộc Tà Ôi |
Những hiện vật Phong sưu tầm là những vật dụng của bà con Tà Ôi trong lao động và sinh hoạt đời thường. Từ các nông cụ như liềm gặt lúa, cối chày giã gạo, vợt, lờ đánh bắt cá cho đến các sản phẩm gắn liền sinh hoạt và tín ngưỡng văn hóa của dân tộc như tấm áo Zèng, lễ vật cưới hỏi của người Tà Ôi… bị bỏ rơi.
Lặn lội ngày này qua ngày khác, thầy Khánh Phong quyết tâm sở hữu nó cho bằng được. Có những thứ nằm lăn lóc ở góc vườn nhưng không dễ xin được. Để có được nó, anh phải giải thích, năn nỉ mãi chủ nhân mới chịu đưa cho.
Tất nhiên khi đã hiểu ra tấm lòng và ý nghĩa công việc của thầy giáo Phong, nhiều bà con Tà Ôi sẵn sàng mang biếu không. Mỗi hiện vật là một khía cạnh của dáng dấp chân dung người Tà Ôi.
Thầy Phong bảo: “Dấu tích văn hóa nằm trong hình hài của từng vật dụng. Trước nhịp sống hiện đại, nếu mình không sưu tầm, gìn giữ thì nguy cơ nó dễ bị lãng quên đối với các thế hệ con cháu của người Tà Ôi mai sau”. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc anh phải dày công tìm kiếm.
Chẳng hạn để có được cái căn chit (chiếc lược chải đầu làm bằng tre của đồng bào Tà Ôi), Phong phải mất 2 năm; hay như cái cơrlô ông tì rỉa (cái mõ cột vào cổ con trâu để dễ tìm giữa núi rừng), Phong phải qua biết bao nhiêu bản, hỏi biết bao nhiêu làng mới tìm được nó.
Niềm đam mê viết và sưu tầm sách
Ngoài đam mê sưu tầm các hiện vật, thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong còn say mê viết báo, viết sách và sưu tầm nhiều loại sách khác nhau, nhất là sách về văn hóa dân gian. Sau những buổi lên lớp, Phong lại đến nhà dân để chuyện trò, hỏi han rồi sưu tầm, ghi chép lại những câu chuyện kể.
Từng mẩu chuyện cổ, từng nét phong tục tập quán của người Tà Ôi qua những già làng đã được anh chép cẩn thận, ghi vào máy thu âm rồi đêm đêm trong căn phòng tập thể của trường, Phong lại âm thầm biên soạn, chú thích…Tính đến nay Phong đã viết được 200 bài báo, bài nghiên cứu đăng ở các báo, tạp chí Trung ương và địa phương; có gần 40 đầu sách với những cuốn có giá trị chứa đựng tâm huyết của tác giả như: Truyện cổ Tà Ôi; Truyện cổ Pa-cô; Văn hóa truyền thống và truyện cổ Pahi ở Thừa Thiên Huế; văn học dân gian Cơ-tu; Được mang họ Bác…
16 năm đứng trên bục giảng, gia tài quý nhất của thầy Phong chính là sự trưởng thành của học sinh vùng cao và kho tàng đồ sộ hiện vật, cũng như hàng trăm bài báo, hàng chục quyển sách về văn hóa Tà Ôi nói riêng, dân gian nói chung.
Ghi nhận những đóng góp của thầy giáo dạy Văn, năm 2006 anh được kết nạp vào Hội Văn nghệ dân gian Thừa Thiên - Huế, năm 2008, Phong vinh dự trở thành Hội viên Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.
Khi nào cũng thấy Phong tất bật. Khi thì trên bục giảng, khi lại có mặt trong buổi hội thảo văn hóa, văn học dân gian, khi thì ở nhà xuất bản… Bên cạnh dạy học, công việc nghiên cứu văn hóa dân gian đã trở thành cái nghiệp ăn sâu vào máu thịt của Phong. 12 năm gắn bó nặng sâu với đất và người vùng cao A Lưới, năm 2012, vì hoàn cảnh gia đình, anh phải chuyển công tác về dạy học tại Trường THPT Hương Thủy (cách thành phố Huế 8 cây số).
Về vùng xuôi, nhưng Phong vẫn đau đáu những tháng ngày nơi trường vùng cao A Lưới. Nghĩa là anh vẫn lặng lẽ vượt gần 100 cây số núi đồi quanh co vào những ngày nghỉ để tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu, nhằm hoàn thiện kho tư liệu, cái “bảo tàng tư nhân về người Tà Ôi”.
Lang thang trên từng con phố, say mê trong những thư viện lớn nhỏ để đồng hành cùng sách, đến nay trên giá tủ sách gia đình của thầy giáo Phong đã có trên 5000 đầu sách thuộc các lĩnh vực khác nhau phục vụ cho công tác nghiên cứu và giảng dạy.
Chưa dừng lại ở đó, ngọn lửa đam mê và tình yêu văn hóa của thầy giáo Trần Nguyễn Khánh Phong chắc chắn sẽ tiếp tục cháy sáng để góp phần không nhỏ vào sự nghiệp trồng người và khát vọng gìn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc.