Năm 2015, anh Nam vinh dự là một trong nhiều gương thanh niên được nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn trao tặng.
Khởi đầu từ chanh tứ thì và cây phật thủ
Nhớ lại ngày đầu lập nghiệp anh Khổng Văn Nam cho biết cơ duyên của mình với cây chanh tứ thì đã giúp anh thành công trên bước đường lập nghiệp đến tận hôm nay.
Anh Nam cho biết, lần đó tôi đi mua chanh thấy giá rất đắt, trong đầu suy nghĩ sao mình không lập nghiệp chính từ cây chanh. Qua tìm hiểu thị trường tôi nhận thấy nhu cầu tiêu thụ là rất lớn nên tốt quyết định chọn cây chanh để lập nghiệp”.
Anh Khổng Văn Nam (bên trái) giới thiệu về giống chanh tứ thì cho nhiều nước, nâng suất cao
Nói là làm, Nam đã về bàn với vợ và gia đình cho mình được thử sức lập nghiệp, lúc đầu ý tưởng của Nam gặp phải phản đối quyết liệt của gia đình, nhiều ý kiến cho rằng, anh chỉ tốt nghiệp khoa Thú y, trường Trung cấp Y tế Tuyên Quang không qua trường lớp về kinh tế, kinh nghiệm chưa có sẽ khó đạt được thành công.
Vừa vận động, thuyết phục gia đình từ những mô hình đã thành công từ cây chanh, cuối năm 2012, Nam bắt tay khởi nghiệp bằng việc bán con trâu của gia đình được 50 triệu đồng. Sẵn đất thuê lại của người dân trước đó không sử dụng, cùng với những thông tin nắm bắt được loại đất cát gio nghèo dinh dưỡng anh đã bỏ thêm nhiều ngày công lao động để cải tạo đất.
Chia sẻ với những bạn thanh niên sắp khởi nghiệp, anh Nam mong muốn ai đam mê cái gì thì phấn đấu cái đó, đeo đuổi nó và phấn đấu để đạt được thành công.
Có đất, có cây nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm, Nam lại mày mò tham khảo kỹ thuật trồng trọt trên bảng tin thanh niên của Đoàn Thanh niên xã Đội Cấn cũng như từ sách, báo và một số bạn bè làm nghề trước về vấn đề kỹ thuật trồng cây và cách chăm sóc cây phật thủ, cây chanh.
Từ số vốn ban đầu cộng với sự quyết tâm anh Nam đã đầu tư mua 150 cây giống phật thủ để trồng và vụ thu hoạch đầu tiên anh đã thu về 450 triệu đồng. Từ kết quả ban đầu, anh tiếp tục đầu tư mua 1.000 cây chanh tứ thì về trồng và giành nhiều thời gian chăm sóc số cây mà bấy lâu anh mơ ước từ những ngày đầu thai nghén ý tưởng khởi nghiệp mà gặp phải không ít chông gai.
Làm giàu không khó
Với doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng/năm, anh Nam đã tiếp tục đầu tư trồng thêm phật thủ, chanh, cam và thuê người làm chủ yếu là những lao động trẻ ngay tại địa phương.
Số cây chanh vừa mới được trồng của trang trại anh Khổng Văn Nam
Đến nay, trên quy mô 5ha đất, mô hình trang trại của anh Nam đã có 1.000 gốc phật thủ, 1.000 gốc cam đường, 1.000 gốc chanh tứ thì và trồng thêm mới 3.000 cây chanh tứ thì, đồng thời cung cấp chanh giống phục vụ nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, anh Nam còn chăn nuôi lợn, gà, bồ câu và thuê 6 lao động làm việc thường xuyên với mức lương ổn định từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, vào dịp cao điểm mô hình trang trại của anh có thêm từ 9 – 10 lao động mùa vụ với mức thu nhập 140.000 đồng/người/ngày.
Anh Nam cho biết, đầu ra cho sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh, ngoài ra sản phẩm còn được một số cơ sở ở Phú Thọ, Hải Phòng, Hà Nội tìm đến để thu mua sản phẩm cung cấp cho thị trường.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016 đã mang lại thu nhập 600 triệu đồng từ chanh, còn phật thủ phải đợi vào dịp Tết nguyên đán sắp tới. Theo anh Nam số Phật thủ này rất khả quan sẽ mang hiệu quả tốt (năm 2015, anh Nam đã thu được số tiền từ bán Phật Thủ lên đến 450 triệu đồng).
Phật thủ hứa hẹn được giá trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Trong thời gian tới, anh Nam sẽ tiếp tục chăm sóc, phát triển số cây của trang trại, đồng thời chăn nuôi thêm Gà ta để cung cấp cho thị trường vào dịp tết nguyên đán và theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Nói về mô hình của đoàn viên Khổng Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã Đội Cấn Đào Quang Hậu cho biết: “Tôi rất ấn tượng với đoàn viên Khổng Văn Nam, bởi Nam là người vừa có trí lực lại vừa có quyết tâm đi lên từ bàn tay trắng.
Với nghị lực của Nam và sự quyết tâm, từ mảnh vườn nhỏ cho đến nay đã có những thửa đất lớn, đây là mô hình rất tốt. Tôi rất khâm phục bởi sự quyết tâm, sự học hỏi, nhạy bén của đoàn viên Khổng Văn Nam đã mang lại hiệu quả lớn”.
Từ mô hình của đoàn viên Khổng Văn Nam, đến nay ở xã Đội Cấn đã có 7 đoàn viên thanh niên đến học, làm theo để trồng chanh tứ thì và đã có trên 10ha chanh tứ thì từ mô hình của Khổng Văn Nam phát triển ra trong xã.