Gặp Binh nhất áp giải Dương Văn Minh ra đầu hàng

Gặp Binh nhất áp giải Dương Văn Minh ra đầu hàng

Bức ảnh lịch sử xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí Paris Match của Pháp số ra ngày 7/5/1975, là một trong những tấm hình nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Ở tiền cảnh bên trái là ông - chiến sĩ thông tin Bàng Nguyên Thất, bên phải là Đại úy Phạm Xuân Thệ. Phía sau là hai nhân vật cao cấp nhất của chính quyền Việt Nam Cộng hòa: Tổng thống Dương Văn Minh cùng Thủ tướng Vũ Văn Mẫu trên đường ra Đài Phát thanh Sài Gòn đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Thượng Đức - trận “thử lửa” đầu tiên

Chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất nhân dịp kỷ niệm 45 năm Ngày thống nhất đất nước. Gia đình của người chiến sĩ thông tin năm xưa vẫn ở tại ngôi nhà nhỏ sâu trong ngõ 165, phố Chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Đây là nơi đã gắn bó với Bàng Nguyên Thất suốt những năm ấu thơ, những tháng ngày kháng chiến chống Mỹ ác liệt cho đến hòa bình thống nhất.

Hẹn trước nên khi chúng tôi đến đã thấy cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất quân phục chỉnh tề chờ đón. Trong căn phòng khách nhỏ ngăn nắp, trên tường treo trang trọng bức ảnh ông cùng đồng đội áp giải Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh ra Đài Phát thanh Sài Gòn để đọc tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng. Ngoài ra, còn có nhiều tấm hình về các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giao lưu, tri ân các đồng đội trong dịp kỷ niệm ngày 30/4 hàng năm...

Sinh năm 1954, mới 17 tuổi Bàng Nguyên Thất đã vào làm công nhân tại nhà máy ở Đống Đa. Tròn 18 tuổi anh có lệnh nhập ngũ. Giữa lúc Mỹ leo thang chiến tranh đưa máy bay ra đánh phá miền Bắc ác liệt, cha mẹ lại già yếu, lòng anh ngổn ngang nhiều nỗi. 

Thấy anh còn băn khoăn, hai cụ thân sinh khuyên cứ yên tâm đi chiến đấu, ở nhà đã có các chị, em, có bà con lối phố. Anh công nhân Bàng Nguyên Thất xếp lại chuyện gia đình, khoác ba lô cùng hàng nghìn chàng trai Hà Nội lên đường vào Nam chiến đấu. Nơi đó, người anh trai của Thất cũng đang cầm súng diệt giặc trên khắp các chiến trường từ 5 năm trước.

Ông Bàng Nguyên Thất kể: Khi tôi lên đường nhập ngũ (tháng 9/1972), cha mẹ tôi vẫn ở tại ngôi nhà ở phố Khâm Thiên. Bố mẹ tôi không chịu đi sơ tán. Các cụ bảo, giờ già rồi nếu chẳng may có điều gì xảy đến thì cũng chết ở nhà thôi. Trước khi đi, tôi đào cho bố mẹ một chiếc hầm tăng-xê để khi có báo động các cụ xuống trú ẩn. Trong đợt đánh phá Hà Nội dữ dội nhất suốt 12 ngày đêm của không quân Mỹ, chúng tôi đang được huấn luyện ở Lạc Sơn, Hòa Bình. Cứ mỗi một ngày qua đi, chưa nhận được tin nhà là lo lắng lắm, như có lửa đốt trong lòng. Sau nhận được thư nhà mới biết trong đợt đánh phá ấy gia đình tôi đi sơ tán ở làng Yên Bệ thuộc Hoài Đức, Hà Tây (cũ). Thật đau xót khi bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng của 6 người thân trong gia đình tôi (người chị dâu và 5 cháu nhỏ).

Khi hành quân đến gần địa phận tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được cấp trên báo tin Hiệp định Paris vừa được ký kết. Vậy là hòa bình đã lập lại ở miền Bắc. Nỗi lo bom đạn, mất mát người thân cũng vợi đi một phần. Tôi nghĩ, sắp đến Tết mình sẽ xin về phép để thăm, động viên bố mẹ, người thân nên mua sẵn một ít chè, mộc nhĩ để làm quà. Nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận được lệnh tiếp tục hành quân vào chiến trường B.

Cuộc “thử lửa” đầu tiên của anh lính trẻ Bàng Nguyên Thất là trận đánh chiếm căn cứ Thượng Đức. Nằm ở ngã ba sông Vu Gia và sông Thu Bồn, nơi này được mệnh danh là “cánh cửa thép” phía Tây bảo vệ Đà Nẵng. Chính vì thế, địch kiểm soát rất chặt chẽ, gây khó khăn trong việc vận chuyển đường sông, đường bộ của lực lượng ta. 

Sau nhiều trận “so găng” hết sức ác liệt giữa lực lượng thiện chiến nhất của ta và địch, ngày 7/8/1974, các đơn vị của Sư đoàn 304 đã làm chủ được Thượng Đức. Sau khi mất Thượng Đức, ngụy quyền cay cú huy động sư đoàn dù, lực lượng tinh nhuệ lúc bấy giờ, bay ra Thượng Đức hòng tái chiếm. Đồng thời, địch dùng máy bay A37 ném bom, dùng pháo dàn bắn cấp tập để hỗ trợ nhưng càng lún sâu, chúng càng thất bại. Những trận đánh sau đó hai bên giành giật nhau từng trận địa, từng điểm cao. Cho tới ngày 27/3/1975, địch buộc phải rút chạy khỏi đây và các cánh quân của ta tràn xuống giải phóng Đà Nẵng...

Gặp Binh nhất áp giải Dương Văn Minh ra đầu hàng ảnh 1
Cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất.

Sáu “anh em” trên chiếc xe lịch sử

Từ cuộc “thử lửa” đầu tiên ở Thượng Đức, những trận đánh ác liệt của anh tân binh Bàng Nguyên Thất cứ dài theo những bước quân hành, cho đến ngày 30/4 lịch sử... Rạng sáng 30/4/1975, từ căn cứ Nước Trong mới chiếm được của địch, Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 được lệnh tiến thẳng vào Sài Gòn theo hướng xa lộ Biên Hòa. 

Khi đến cầu Đồng Nai thì gặp một ổ đề kháng của địch. Thấy lực lượng của ta quá mạnh, địch chống trả yếu ớt rồi bỏ chạy. Quân ta tiến thẳng đến cầu Rạch Chiếc. Trước khí thế hừng hực của ta, quân địch ở đây cũng bỏ chạy. Khoảng 5 giờ 30 phút, quân ta tiến đến cầu Sài Gòn. 

Tại đây, địch dùng 2 xe tăng M48 dàn hàng ngang bắn thẳng vào đoàn xe tăng của ta. Dưới sông Sài Gòn tàu chiến của địch cũng bắn pháo lên hỗ trợ. Do địch chống cự ác liệt, quân ta phải dừng lại và tổ chức tác chiến. Tăng của ta và địch bắn nhau dữ dội. Lực lượng bộ binh cùng với sự hỗ trợ của đặc công và công binh dũng cảm tiến gần xe tăng địch, dùng B40, B41 bắn hạ 2 xe tăng địch, giải tỏa nút chặn. Đơn vị tiến vào ngã tư Hàng Xanh, rồi rẽ trái tiến vào cầu Thị Nghè. Tại đây, địch dùng bao cát và thùng phuy chặn một đầu cầu. Ta dùng tăng bắn thẳng áp chế khiến địch bỏ chạy. Thừa thắng, quân ta tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, lúc đó khoảng 9 giờ 30 phút.

Ông Thất kể: Sau khi chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, chiếc xe Jeep chở chúng tôi chạy vòng lên trước tiến vào cửa Dinh Độc Lập. Khi đó trên xe có Đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304 là chỉ huy tiền phương; Trung úy Nguyễn Khắc Nhu, Trợ lý tác chiến của Trung đoàn; Trung úy, Trợ lý cán bộ Phùng Bá Đan; Chiến sĩ lái xe Đào Ngọc Vân; Binh nhất Nguyễn Huy Hoàng, Chiến sĩ Thông tin truyền đạt và tôi - Binh nhất Bàng Nguyên Thất. 

Khi xe Jeep dừng trước cửa Dinh Độc Lập, chúng tôi tiến vào tiền sảnh. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá của Tổng thống Dương Văn Minh bước ra gặp đồng chí Phạm Xuân Thệ và nói: “Báo cáo cấp chỉ huy, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đang chờ các ông giải phóng trên lầu”...

Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đoàn lên lầu. Đến nơi, Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đã chờ sẵn trước cửa phòng họp. Ông Dương Văn Minh nói: “Báo cáo cấp chỉ huy tôi đang chờ Quân Giải phóng để bàn giao”. Đồng chí Phạm Xuân Thệ tuyên bố: “Các ông bị bắt làm tù binh. Không có gì phải bàn giao cả. Chúng tôi buộc các ông phải đầu hàng vô điều kiện”. Từ lúc ấy trở đi Tổng thống Dương Văn Minh luôn cúi mặt xuống. 

Đồng chí Thệ nói tiếp: “Yêu cầu các ông vào phòng họp để tuyên bố đầu hàng”. Đồng chí Thệ lệnh kết nối đường dây từ Dinh Độc Lập ra đài phát thanh để Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhưng do lực lượng thông tin của Việt Nam Cộng hòa đã bỏ chạy nên không thể kết nối được. Trước tình thế đó, chúng tôi xác định phải đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng càng nhanh càng tốt. Nhanh được giây phút nào quân ta bớt đổ máu trên chiến trường giây phút ấy.

Gặp Binh nhất áp giải Dương Văn Minh ra đầu hàng ảnh 2
Ông Bàng Nguyên Thất và vợ tại tư gia.

Đồng chí Thệ nói: “Các ông phải ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng”. Tuy nhiên, Tổng thống Dương Văn Minh lo ngại, khi ra ngoài sẽ không an toàn và xin phép được ở lại Dinh Độc Lập. Đại úy Phạm Xuân Thệ kiên quyết: “Các ông đi cùng chúng tôi, chúng tôi bảo đảm an toàn cho các ông”. Khi xuống đến tiền sảnh, Tổng thống Dương Văn Minh vẫn tỏ ra khá lo lắng và nói: “Mời các ông đi xe của tôi, xe của tôi là xe chống đạn”. Nhưng đồng chí Phạm Xuân Thệ không đồng ý và buộc Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu phải đi chiếc xe Jeep mà quân ta chiếm được của địch, tiến vào Dinh Độc Lập lúc trước. 

Đồng chí Thệ sắp xếp cho Tổng thống Dương Văn Minh ngồi ghế đầu, phía trong, ông ngồi phía ngoài để canh giữ và bảo vệ. Ghế sau gồm có Vũ Văn Mẫu ngồi giữa, ngồi hai bên là đồng chí Nguyễn Khắc Nhu và Phùng Bá Đan. Ngồi sau cùng là tôi (Bàng Nguyên Thất) bên trái và đồng chí Nguyễn Huy Hoàng bên phải. Đi sau chiếc xe Jeep của chúng tôi là hai xe ô tô chở 2 đại đội bộ binh bảo vệ.

Từ Dinh Độc Lập ra đài phát thanh khoảng 3km, do Dương Văn Minh chỉ đường. Khi đến nơi, được biết Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn Bộ binh 66 đã tiếp quản. Đồng chí Phạm Xuân Thệ thay mặt Trung đoàn biểu dương Tiểu đoàn 8 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, rồi lệnh cho đồng chí Hoàng Trọng Tình, Chính trị viên Tiểu đoàn, lên phương án bảo vệ và cử người đi tìm kỹ thuật viên đài phát thanh. 

Vào đến phòng bá âm, tôi và đồng chí Nguyễn Huy Hoàng có nhiệm vụ bảo vệ, chốt giữ cửa ra vào. Trong lúc chờ người đi tìm kỹ thuật viên, đồng chí Thệ cùng các cán bộ đã thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh. Tuy nhiên, do chữ của đồng chí Thệ xấu, nên ông Dương Văn Minh đề nghị đồng chí Thệ đọc để viết lại.

Khi thảo xong bản tuyên bố đầu hàng, đồng chí Đinh Thế Quang mang cassette ra ghi âm nhưng khi chuẩn bị phát lên hệ thống thì băng lại hỏng. Trước tình thế ấy, một nhà báo người Đức đề nghị mang máy ghi âm vào cho chúng tôi mượn. Ông Minh đọc lời chuẩn để phóng viên người Đức ghi âm. Ghi âm xong, phát lại cho đồng chí Thệ nghe và giao lại cho nhân viên phát trên sóng phát thanh. Lời đầu hàng đại ý rằng: Tôi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh, ra lệnh toàn bộ lực lượng sĩ quan và binh lính đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng... Lúc đó là 11 giờ 20 phút ngày 30/4/1975.

Khoảng 15 phút sau, Chính ủy Lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng đến. Sau khi nghe lời tuyên bố đầu hàng ông nói đã có lời tuyên bố đầu hàng thì phải có lời chấp nhận đầu hàng. Đồng chí Tùng là người Đà Nẵng, có giọng miền Nam, nên viết và đọc lời chấp nhận đầu hàng, đại ý rằng: Tôi đại diện cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam chấp nhận lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh và tuyên bố miền Nam hoàn toàn giải phóng… Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi lại áp giải ông ta và Vũ Văn Mẫu xuống xe Jeep trở về Dinh Độc lập. 

Đến nơi thì Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 đã vào. Ông Minh và toàn bộ nội các được giao lại cho Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2... Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi tiếp tục nhận lệnh tiếp quản tổng kho Long Bình. Niềm vui chiến thắng cộng với công việc nhiều khiến chúng tôi quên hết cả đói, mệt. Mãi đến khuya mọi người mới nhớ ra là suốt cả ngày chưa ai kịp ăn gì. Sau đó vài ngày chúng tôi được điều vào Lâm Đồng làm nhiệm vụ truy quét tàn quân Fulro. Đến tháng 2/1977, tôi chuyển ngành về công tác tại Cục Quản lý Công trình cộng cộng.

Sau ngày giải phóng, sáu người trên chiếc xe Jeep áp tải Tổng thống Dương Văn Minh ra đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng đã gặp lại nhau, hàn huyên chuyện cũ. “Anh Phạm Xuân Thệ, nguyên Trung tướng Tư lệnh Quân khu I đã đề nghị sáu người kết nghĩa làm anh em. Anh nói rằng, sáu người trên chiếc xe lịch sử ngày ấy đã cùng nhau vào sinh ra tử, chia ngọt sẻ bùi, tình thân khác nào anh em. Phạm Xuân Thệ là anh cả, Bàng Nguyên Thất là em út. Còn chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm ở sân bay Đà Nẵng, chở Tổng thống Dương Văn Minh và anh em chúng tôi ngày ấy, nay đang được trưng bày tại Dinh Độc Lập”, cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất bồi hồi nhớ lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.