Lựa chọn đội ngũ tâm huyết
Năm học 2022-2023, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) có 11 lớp 12 với 458 học sinh. Tỉ lệ học sinh dự thi các môn KHXH chiếm khoảng 60%. Kỳ thi TN THPT tới đây, nhà trường đặt ra chỉ tiêu là duy trì thứ hạng trường có chất lượng điểm các bài thi đứng thứ 2 toàn tỉnh (năm 2022, trường đứng thứ 2 sau Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc).
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, nhà giáo Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Viết Xuân cho biết: Để đạt kết quả theo chỉ tiêu đề ra, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập tổng thể. Kế hoạch này phải đảm bảo các quy định về thực hiện chương trình, mốc thời gian cho các giai đoạn ôn tập.
Bên cạnh đó, nhà trường tiến hành lựa chọn đội ngũ giáo viên tâm huyết, có năng lực tốt về chuyên môn nghiệp vụ. Đây là yếu tố quyết định cho chất lượng ôn thi đạt kết quả cao. Mỗi giáo viên tham gia dạy ôn tập phải xây dựng Kế hoạch dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Nội dung ôn tập cần bao quát chương trình, phù hợp với yêu cầu về mức độ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, giáo viên phải nắm bắt được tâm sinh lý, hoàn cảnh và năng lực học tập của từng học sinh, của từng lớp mình dạy để từ đó phân loại và đổi mới phương pháp dạy học thích hợp.
Việc chia tổ, nhóm giúp công tác ôn tập đạt hiệu quả |
Một giải pháp nữa, đó là, nhà trường định kỳ tổ chức khảo sát chất lượng thi TN THPT.
“Để kết quả giảng dạy đánh giá đúng chất lượng, nhà trường phân công ra đề một cách khách quan, bám sát đề thi minh họa, đề thi TN THPT các năm. Tổ chức coi, chấm kiểm tra nghiêm túc. Qua các lần khảo sát chất lượng, giáo viên giảng dạy cần rút kinh nghiệm giảng dạy, phụ đạo các em học sinh có học lực yếu kém.
Ngoài ra, tổ chuyên môn sẽ cùng nhà trường giúp giáo viên tự đánh giá, rút kinh nghiệm giảng dạy. Trên cơ sở đề thi, đề minh họa, tổ chuyên môn cần phân tích cấu trúc, xây dựng ma trận đề, từ đó điều chỉnh nội dung dạy học. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên cập nhật kết quả học tập của học sinh. Phối hợp tốt với cha mẹ học sinh trong công tác quản lý thời gian tự học ở nhà”, nhà giáo Phạm Thị Hòa cho biết thêm.
Cô và trò Trường THPT Nguyễn Viết Xuân trao đổi ôn tập trong giờ giải lao |
Quan tâm học sinh yếu kém
Năm học này, Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) có 8 lớp 12 với 326 học sinh. Trong đó, có 159 em đăng ký thi tốt nghiệp khối KHTN và 167 em khối KHXH. Hiện, công tác ôn tập cho học sinh đang được nhà trường triển khai đúng hướng, hiệu quả và đặt mục tiêu xếp thứ 20 toàn tỉnh về chất lượng điểm thi tốt nghiệp năm 2023.
Nhà giáo Lê Hồng Thái – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Để công tác ôn tập cho học sinh đạt kết quả tốt, nhà trường đã tổ chức hội nghị giáo viên. Trong đó, quán triệt việc ôn tập phải gắn với triển khai dạy đủ chương trình giáo dục phổ thông, không cắt bỏ chương trình dạy đối với những môn không thi tốt nghiệp.
Công tác ôn tập cho học sinh được giáo viên bộ môn nhắc nhở học sinh lưu tâm ngay từ khi học chính khóa. Khi lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được công bố, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường ôn tập vào 4 buổi chiều trong tuần và thêm 2 buổi phụ đạo cho những học sinh yếu kém. Qua đó, gia tăng sự tương tác đúng đối tượng để học sinh ôn tập đạt kết quả cao.
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng ôn tập tại Trường THPT Nguyễn Thái Học đó là chú trọng khảo sát chất lượng học sinh. Từ đó, gắn trách nhiệm của giáo viên bộ môn trong việc phụ đạo học sinh yếu kém.
Giờ ôn tập môn Toán tại Trường THPT Nguyễn Thái Học |
Theo nhà giáo Lê Hồng Thái, tháng 11/2022, nhà trường đã tổ chức khảo sát chất lượng học sinh. Đến đầu tháng 1/2023, tiếp tục khảo sát chất lượng theo đề của Sở và giữa tháng 3 này nhà trường sẽ khảo sát lần nữa để đánh giá việc ôn tập của học sinh. Cùng với đó, nhà trường dự kiến tổ chức sớm buổi họp phụ huynh đối với lớp 12 để làm công tác tư tưởng và qua đó kêu gọi sự đồng hành của phụ huynh trong việc quan tâm, dành thời gian nhiều hơn cho con trong giai đoạn ôn tập trước kỳ thi.
“Từ kết quả khảo sát ban đầu, nhà trường đã lọc danh sách học sinh yếu kém để yêu cầu giáo viên bộ môn phụ đạo cho các em. Nguyên tắc của việc phụ đạo này là không thu tiền của học sinh, không tạo áp lực kinh tế cho gia đình. Qua việc phân tích kết quả khảo sát của nhà trường, kết quả khảo sát theo đề của Sở, nhà trường nhận thấy đã có sự chuyển biến rõ ràng. Số điểm tích cực (điểm tăng của nhóm học sinh yếu kém) tăng trên 240 điểm. Đồng thời, khi học sinh nằm trong nhóm yếu kém cần phụ đạo, các em sẽ có ý thức vươn lên để thoát ra khỏi nhóm này. Đây là cơ sở để nhà trường quyết tâm đặt mục tiêu “thăng hạng” trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023”, nhà giáo Lê Hồng Thái cho biết thêm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân có chất lượng điểm các bài thi đứng thứ 2 toàn tỉnh (sau Chuyên Vĩnh Phúc). Theo Hiệu trưởng Phạm Thị Hòa để có đạt được kết quả cao thì các nhà trường cần tổ chức tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh ngay từ đầu năm học. Công tác tư vấn để học sinh lựa chọn được môn thi, khối thi phù hợp với năng lực của học sinh có vai trò hết sức quan trọng quyết định đến việc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Nhà trường cần giúp học sinh chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tham gia vào kỳ thi TN THPT.
Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch học tập và ôn tập, việc tổ chức dạy học của giáo viên bộ môn phải bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở, định hướng của các bộ đề minh họa... Đồng thời, cần phải truyền được nhiệt huyết tới giáo viên giảng dạy, truyền được cảm hứng học tập, truyền thống của nhà trường tới các em học sinh.