Gắn kinh tế với bảo tồn
Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Minh Thanh nguyên là một thầy giáo hiệu trưởng đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục tỉnh Yên Bái, được chỉ định về làm lãnh đạo xã, luôn tâm huyết trong việc phát triển kinh tế cho người dân, và đặc biệt chú ý đến việc khôi phục bảo tồn văn hóa bản sắc dân tộc cho địa phương nơi đây. Tinh thần đổi mới và sẵn sàng học hỏi những điều hay, nét đẹp để xây dựng quê hương đã được hiện thực bằng những giá trị văn hóa cốt lõi.
Những con đường bê tông dài hai bên đường là những rặng hoa là những minh chứng cho một cuộc sống mới văn minh, tiên tiến, hiện đại đang len lỏi vào từng đường làng, ngõ xóm và từng gia đình. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân cũng được đặc biệt quan tâm thông qua việc gìn giữ, khôi phục và lưu truyền những giá trị văn hóa, lịch sử, những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.
Ông Nguyễn Minh Thanh – Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, chia sẻ: Hiện nay xã Hưng Thịnh đang thành lập một câu lạc bộ Hát chèo của người Kinh và một câu lạc bộ hát then của người Tày, để tiếng hát chèo của người Kinh với điệu múa then của người Tày sẽ tạo lên một bản sắc hài hòa, thể hiện được tình cảm và mối đoàn kết của hai dân tộc. Chúng tôi chọn con đường phát triển bền vững là kinh tế xanh, lấy lợi thế của vùng sản xuất nông nghiệp xanh gắn với bảo tồn di sản.
Tạo sức hút từ lễ hội văn hóa
Giới thiệu về Lễ hội giã cốm hay còn gọi là Tăm Khảu, Bí thư Thanh cho biết: Đây là phong tục tập quán, nét văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Tày ở xã Hưng Thịnh. Cốm mang ý nghĩa tâm linh, bởi sau khi kết thúc mùa thu hoạch lúa người nông dân muốn có hạt cốm thơm để dâng lên tiên tổ, cầu mong trời đất luôn mưa thuận gió hòa, giúp người nông dân gặp nhiều may mắn trong lao động, sản xuất.
Cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, khi lúa nếp vừa chớm vào chắc, hạt lúa ngả màu vàng nhạt là thời điểm người dân tổ chức lễ hội giã cốm dâng lễ tổ tiên. Dịp cuối thu này, khi những bầu sữa nếp trên cánh đồng Hưng Thịnh vào độ đỏ đuôi mà tiếng Tày gọi là khảu pen rang thì cũng là lúc bắt đầu lễ Tăm Khảu Mảu. Giã cốm được tiến hành qua sáu bài theo những thể thức nhất định. Mỗi bài theo một nhịp, diễn tả nhiều ý nghĩa khác nhau, vừa mang màu sắc tâm linh vừa chứa đựng những ý niệm phồn thực.
Trong ngày lễ Tăm Khảu Mảu, con cháu bao giờ cũng dành những hạt cốm đầu tiên, bát cháo cốm múc ra trước nhất và gói xôi cốm vừa xơi ra từ chõ đồ còn nghi ngút khói hương mùa nếp mới, thành kính dâng lên Xó ma và bàn thờ Thổ công. Nghi thức này là để bày tỏ lòng biết ơn sâu nặng với đất trời, tổ tiên và cũng là tâm nguyện gìn giữ truyền thống văn hóa bao đời của dân tộc mình.
Lễ hội Tăm Khảu Mảu có thể kéo dài tới tận đêm khuya. Càng về đêm, tiếng đuống càng say sưa. Lễ hội Tăm Khảu Mảu là một hoạt động văn hóa dân gian, mang bản sắc riêng có của dân tộc Tày xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Một lần đến với lễ hội Tăm Khảu Mảu là để được hòa mình, được sống trong không khí lễ hội của làng, của bản, của những con người nhiệt tình và mến khách nơi đây.
"Để khôi phục bảo tồn tiếng nói chữ viết và các nét văn hóa bản sắc truyền thống của dân tộc Tày, xã đã tổ chức 1 lớp học. Khi đã phục dựng nhuần nhuyễn hàng năm sẽ tổ chức các lễ hội mang tính quy mô để quảng bá hình ảnh và những nét văn hóa cũng như các sản vật địa phương, lấy việc phát triển bản sắc văn hóa địa phương để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng, lấy du lịch để phát triển kinh cho nhân dân, góp phần xây dựng quê hương giầu đẹp, trong công tác xây dựng xã đạt xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu" - Bí thư Nguyễn Minh Thanh