Dự tọa đàm có lãnh đạo Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), lãnh đạo các các trường: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Đại học Vinh.
Hiệu quả kép
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP cho biết: Trong 4 năm qua, vận hành của Chương trình ETEP với sự tham gia của 7 trường Đại học Sư phạm và Học viện quản lý giáo dục đã có những tác động mạnh mẽ đến hoạt động bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong cả nước.
Các trường Đại học Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 31.390 giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán (gồm 27.461 giáo viên phổ thông cốt cán và 3.929 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tham gia bồi dưỡng 6 mô đun). Trong đó có 27. 039 giáo viên phổ thông cốt cán hoàn thành 6 mô đun (98,5% so với số tham gia) và 3.852 cán bộ quản lý giáo dục cốt cán đã hoàn thành 6 mô đun (98% so với số tham gia). Đây là các mô đun cốt lõi để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đội ngũ cốt cán này đã cùng với giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục hỗ trợ cho hơn 724.688 giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (gồm 519.540 giáo viên phổ thông và 39651 cán bộ quản lý cơ sỏ giáo dục phổ thông tham gia bồi dưỡng 5 mô đun). Trong đó, 430.643 giáo viên phổ thông cốt cán và 32.728 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán đã hoàn thành 5 mô đun cốt lõi trong bồi dưỡng thường xuyên các mô đun triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Mô hình bồi dưỡng mới chuyển từ bồi dưỡng tập trung sang tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại địa phương, nhà trường với có hỗ trợ của đội ngũ cốt cán, đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm và hệ thống học tập trực tuyến.
Lần đầu tiên, các trường Đại học Sư phạm, Học viện Quản lý giáo dục tham gia vào hoạt động bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông một cách hệ thống trong phạm vi toàn quốc với mô hình hiện đại, mới mẻ, theo xu hướng tiên tiến trên thế giới.
Hoạt động này đem lại hiệu quả kép cho sự phát triển nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cũng như tăng cường năng lực giảng viên sư phạm, giảng viên quản lý giáo dục.
Nhận định của ông Nguyễn Ngọc Dũng: Năng lực của các trường đại học tham gia Chương trình ETEP sau 4 năm đã có sự phát triển tích cực: Từ quản trị nhà trường; nghiên cứu khoa học và sáng tạo; phát triển chương trình đào tạo gắn với đổi mới giáo dục phổ thông; phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, cảnh quan môi trường sư phạm, cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ người học.
Sự thay đổi mô hình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cho thấy việc hỗ trợ giáo viên cần có sự gắn kết một cách bài bản, dài hạn giữa trường đại học sư phạm và các trường phổ thông, nói cách khác, trường đại học sư phạm phải thường xuyên đồng hành cùng trường phổ thông phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tăng cường năng lực trường sư phạm
PGS.TS Nguyễn Văn Hiền - Phó hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - khẳng định, thực hiện Chương trình ETEP đã làm thay đổi cơ bản các hoạt động của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo hướng tích cực; trước hết là sự bài bản trong việc lập kế hoạch cho các hoạt động hàng năm, 5 năm và dài hơn.
Chương trình đã thiết kế hoạt động và đánh giá năng lực của mỗi trường đào tạo sư phạm theo các khía cạnh từ quản trị hệ thống; đảm bảo chất lượng, chương trình đào tạo; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế, vùng, địa phương; chiến lược nhân lực, nguồn lực; cho đến hỗ trợ đội ngũ giảng viên, người học và cựu người học… đã tạo nên một tác động khá trọn vẹn.
Hằng năm, các cam kết của nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ngân hàng Thế giới được đánh giá khách quan và kiểm đếm độc lập… Các đánh giá này là cơ sở giúp nhà trường khắc phục các điểm yếu, hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch của Nhà trường.
Cũng trong giai đoạn này, năng lực Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được tăng cường thể hiện ở các mảng quản trị nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu đổi mới và phát triển nhà trường. Kết quả đánh giá, xếp hạng khách quan của các tổ chức đánh giá trong và ngoài nước cho thấy Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong 10 trường đại học được đánh giá tốt nhất Việt Nam.
Từ năm 2019-2021, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên đã đồng hành cùng hơn 3.200 giáo viên phổ thông cốt cán của 8 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La để thực hiện bồi dưỡng 6 mô đun (môn đun 1, 2, 3, 4, 5, 9), giúp cho các giáo viên phổ thông cốt cán có khả năng thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
PGS.TS. Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, cho biết: Cái được lớn nhất sau các đợt bồi dưỡng mà Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên thực hiện, đó là đã làm thay đổi suy nghĩ của hầu hết các giáo viên phổ thông trong việc tự học, tự bồi dưỡng. Giáo viên phổ thông cốt cán năng động hơn, sáng tạo, biết chia sẻ kiến thức cho đồng nghiệp, liên tục phát triển chuyên môn nghề nghiệp, đáp ứng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vì sự phát triển và phúc của học sinh.
Cùng với đó, Thông qua chương trình bồi dưỡng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên và các sở Giáo dục và Đào tạo hình thành nên các cộng đồng học tập, nơi các giáo viên phổ thông cốt cán, giáo viên phổ thông đại trà và các giảng viên sư phạm được trao đổi về chuyên môn (giảng dạy, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học) và trao đổi về học thuật.
Đặc biệt, Thông qua hoạt động hỗ trợ giáo viên phổ thông bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp thuộc Chương trình ETEP, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên đã có những thay đổi chuyển biến tích cực về quản trị nhà trường, công tác đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên nhà trường…
Với kết quả, tác động tích cực như trên, để duy trì những kết quả đạt được và những tác động của Chương trình, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các văn bản thống nhất để hỗ trợ cho hoạt động dạy học, giáo dục, công tác kiểm tra đánh giá và thi cử theo định hướng phát triển năng lực một cách đồng bộ để những kết quả bồi dưỡng được duy trì bền vững.
Bên cạnh đó, tiếp tục thúc đẩy mô hình bồi dưỡng giáo viên phổ thông thường xuyên, liên tục, tại chỗ theo mô hình của Chương trình ETEP; ban hành chính sách để tiếp tục gắn trách nhiệm của các trường sư phạm với các sở giáo dục và đào tạo trong công tác bồi dưỡng giáo viên.
Đồng thời, quan tâm, đầu tư nguồn lực có tính chất trọng điểm cho Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để Trường trở thành trường đại học thông minh, là một trung tâm dữ liệu số quan trọng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trên cả nước.