Điểm nổi bật và cũng là kinh nghiệm quý cho nhiều nước trong bồi dưỡng và phát triển năng lực nghề cho giáo viên của Singapore là hoạt động bồi dưỡng của giáo viên xuất phát từ nhu cầu nâng cao tay nghề, phát triển nghề nghiệp của giáo viên và gắn với hoạt động thực tiễn của giáo viên thông qua các hình thức hoạt động đa dạng:
Bồi dưỡng tại chỗ (tại trường phổ thông); bồi dưỡng thông qua nghiên cứu cải tạo thực tiễn, thông qua hoạt động nghiên cứu bài học và thông qua sinh hoạt chuyên môn của cộng đồng giáo viên, cũng như qua nhiều hình thức bồi dưỡng khác với mục tiêu phát triển năng lực giáo viên liên tục, bền vững.
Dưới đây là một vài điểm liên quan tới tổ chức hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở Singapore do PGS.TS Phan Trọng Ngọ (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ.
Mạng lưới học tập
Theo PGS.TS Phan Trọng Ngọ: Công việc bồi dưỡng nâng cao và phát triển năng lực giáo viên ở Singapore do các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng giáo viên đảm nhận. Cụ thể là do Viện Giáo dục Quốc gia, Học viện Giáo viên Singapore và các viện giáo dục khác cùng kết hợp với các cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.
Viện Giáo dục Quốc gia (NIE) là đơn vị chính tổ chức các khóa học và chương trình nhằm nâng cao năng lực giáo dục cho giáo viên trẻ, nâng cao năng lực lãnh đạo cho giáo viên nhiều kinh nghiệm, và nâng cao năng lực lãnh đạo cho các trưởng phòng, phó hiệu trưởng và hiệu trưởng.
Đây cũng là cơ sở duy nhất cung cấp các chương trình đào tạo giáo viên ở Singapore và là một trong những đơn vị phụ trách chính trong công tác phát triển chuyên môn cho giáo viên và các bên liên quan khác.
Viện Giáo dục Quốc gia tổ chức các khóa học ngắn và độc lập về phát triển chuyên môn cho giáo viên các môn học. Các khóa học chủ yếu tập trung vào nội dung môn học, phát triển chương trình giảng dạy, giáo dục học, đánh giá, và việc học tập của học sinh. Hầu hết các khóa học đều cấp chứng chỉ bồi dưỡng và hướng đến trình độ chuyên môn cao.
Ngoài ra, Viện Giáo dục Quốc gia là đơn vị phụ trách chính các chương trình đào tạo sau đại học về giáo dục (như Thạc sĩ giảng dạy, Thạc sĩ giáo dục, Tiến sĩ giáo dục), quản lý về giảng dạy.
Năm 2010, Bộ Giáo dục thành lập Học viện Giáo viên Singapore và giao trách nhiệm liên kết các giáo viên từ các trường khác nhau, hình thành mạng lưới học tập.
Ngoài Học viện Giáo viên, năm 2011, Singapore còn thành lập một số học viện (trung tâm) khác, có chức năng tương tự, như Học viện Giáo viên Giáo dục Thể chất giúp phát triển chuyên môn của giáo viên thể chất cũng như phát triển công tác giáo dục thể chất; Học viện Ngôn ngữ Anh Singapore nhằm mục đích phát triển và thúc đẩy việc dạy và học tiếng Anh tại các trường học của Singapore và cung cấp dịch vụ phát triển chuyên môn cho giáo viên tiếng Anh.
Ngoài ra còn có các trung tâm ngôn ngữ khác: tiếng Quan Thoại (Trung tâm ngôn ngữ Trung Hoa - Singapore); tiếng Malay (Trung tâm ngôn ngữ Malay Singapore) và Tamil (Trung tâm ngôn ngữ Tamil Umar Pulavar).
Việc học của giáo viên được hỗ trợ bởi “một cổng thông tin cho tất cả người học”, một diễn đàn trực tuyến với nhiều kho quản lý nội dung có chứa thông tin và tài liệu học tập hữu ích.
Các cách thức bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho giáo viên
PGS.TS Phan Trọng Ngọ cho biết: Hoạt động bồi dưỡng giáo viên tại Singapore được thực hiện theo nhiều hình thức phong phú: tăng cường hợp tác, tham gia các hội thảo và các khóa học; giới thiệu những người có khả năng làm việc tốt; nghỉ phép để học tập nâng cao trình độ; nghiên cứu và công bố các công trình; học tập hợp tác; nghiên cứu và quan sát, tìm tòi; chia sẻ thực tiễn kinh nghiệm; trở thành thành viên của các ban, các tổ chức, các nhóm công việc liên quan đến giáo dục.
Dưới đây là một số phương thức phổ biến được PGS Phan Trọng Ngọ chia sẻ:
Thứ nhất: Phát triển chuyên môn dựa vào nhà trường: Các cộng đồng học tập chuyên môn. Có thể nói đây là phương thức điển hình, hiệu quả và rất đáng được học tâp trong việc phát triển nghề nghiệp giáo viên ở Singapore.
Dưới sự điều hành của lãnh đạo nhà trường và sự hỗ trợ của các học viện, các cộng đồng học tập chuyên môn cung cấp cho giáo viên nguồn lực để tham gia vào các hoạt động phát triển chuyên môn khác nhau như nghiên cứu hoạt động, nghiên cứu bài học và một phạm vi lớn về các vòng tròn học tập tập trung vào các chủ đề khác nhau. Các nhóm đồng nghiệp học và cộng tác cùng nhau được gọi là “nhóm học tập”.
Những nhóm này thường hoàn thành công việc của họ trong các khoảng thời gian được bảo hộ gọi là “khoảng trắng”. Các trường thuộc Bộ Giáo dục được khuyến khích cung cấp ít nhất một giờ học mỗi tuần để giáo viên tích cực tham gia vào các cải cách phát triển chuyên môn dựa trên nhà trường.
Các nhóm học tập thường lên kế hoạch cho khoảng 8-10 buổi học, mỗi buổi kéo dài 2 giờ trong suốt cả năm học. Thời gian làm việc này được ghi nhận trong sự đánh giá của các giáo viên, đóng góp vào 100 giờ trong quyền được bồi dưỡng hàng năm.
Thứ 2: Câu lạc bộ/Nhóm phát triển chuyên môn. Ở cấp trường, giáo viên có cơ hội chia sẻ, cộng tác và cùng phát triển những cách thức giảng dạy tốt hơn. Ví dụ, giáo viên được tham gia vào các Câu lạc bộ/ nhóm phát triển chuyên môn để phát triển các mảng khác nhau như: lên kế hoạch bài học, chỉnh sửa tài liệu giảng dạy, các chiến lược giảng dạy và thực hiện đánh giá.
Các chuyên đề của Học viện Giáo viên Singapore hỗ trợ câu lạc bộ/ nhóm phát triển chuyên môn trong các trường học bằng cách cung cấp các nguồn tài liệu và các yếu tố chỉ đạo trong các môn học hay chuyên đề của họ. Họ cũng xác định và chia sẻ các phương pháp sư phạm tốt trong trường học.
Thứ 3: Các phương thức học tập nâng cao trình độ của giáo viên. Bên cạnh các phương thức bồi dưỡng và phát triển giáo viên có tính thường nhật và gắn với hoạt động thực của giáo viên như trên, giáo viên có thể tận dụng nhiều phương thức học tập khác nâng cao trình độ của mình như hội thảo, cố vấn, thực hiện dựa trên nghiên cứu, học tập thông qua mạng…