Đặc biệt, các trường THPT ngoài công lập dù vẫn hoạt động chuyên môn bình thường, giáo viên dạy học trực tuyến, ôn tập cho học sinh nhưng không có nguồn để chi trả lương.
Dạy học không lương
Thời gian qua, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy (GV Trường THPT Đinh Bạt Tụy, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn mang máy tính cá nhân lên lớp dạy học trực tuyến. Cô Thúy phụ trách môn Toán lớp 12, đây là giai đoạn quan trọng để ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia nên cả cô và trò đều lo lắng.
“Học sinh của trường hầu hết sinh sống ở nông thôn, kinh tế khó khăn, điều kiện thiết bị, máy tính phục vụ học trực tuyến còn hạn chế. Chưa kể tốc độ mạng Internet yếu, chập chờn, nên hiệu quả dạy học trực tuyến chưa đạt như mong đợi. Vì thế, cô trò phải nỗ lực rất nhiều, tận dụng mọi thời gian để kết nối với nhau. Ngoài việc dạy học trực tuyến, tôi còn ra bài, đề kiểm tra, thi thử chụp ảnh gửi Zalo, Facebook cho học sinh. Sau đó chấm kiểm tra năng lực, mức độ tiếp nhận kiến thức của các em”, cô Hồng Thúy nói.
Là trường ngoài công lập, nguồn thu chủ yếu từ học phí nhưng học sinh nghỉ học nên nhà trường không có kinh phí để chi trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Tất Đạo – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Bạt Tụy cho biết: Tất cả giáo viên vẫn hoạt động chuyên môn bình thường, thực hiện nhiệm vụ dạy học, ôn tập cho học sinh với nhiều hình thức, đáp ứng khung chương trình môn học. Đặc biệt tập trung cho học sinh cuối cấp ôn thi THPT quốc gia.
Cũng theo quy định của Sở GD&ĐT Nghệ An, nhà trường dạy học trực tuyến không được thu phí của học sinh, phụ huynh. Vì vậy, cán bộ, giáo viên các trường ngoài công lập, đặc biệt là bậc THPT đều đang dạy học không lương. Trường THPT Ngô Trí Hòa (huyện Diễn Châu, Nghệ An) hiện có 41 cán bộ, giáo viên. “Trước đó, mỗi tháng nhà trường chi gần 300 triệu, trong đó 60 triệu tiền đóng bảo hiểm xã hội và khoảng 240 triệu tiền lương. Nhưng hiện trường rơi vào cảnh nợ bảo hiểm và không có nguồn chi trả lương cho giáo viên. Dù biết thiệt thòi nhưng chúng tôi vẫn động viên cán bộ, giáo viên nhà trường cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bảo đảm duy trì việc dạy học, ôn tập xuyên suốt cho học sinh”, thầy Lê Văn Cúc – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Trí Hòa cho hay.
Đề xuất hỗ trợ
Thực tế, lương giáo viên các trường THPT ngoài công lập tại Nghệ An vốn bấp bênh, chủ yếu “dạy tiết nào trả tiết ấy”. Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Vinh, Nghệ An) có 15 giáo viên, lương trung bình từ 1 – 1,5 triệu đồng/người/tháng. Có những GV như cô Lê Thị Thu Hạnh (GV GD công dân), cô Hương (GV Sinh học)… mỗi tuần chỉ dạy 1 – 3 tiết, lương 540 nghìn đồng/tháng chưa đủ đóng bảo hiểm.
Trường THPT Đinh Bạt Tụy, một trong những trường tuyển sinh tương đối ổn định. Năm học này, trường có hơn 400 học sinh. Tuy nhiên, với mức lương 32 nghìn đồng/tiết, thu nhập của GV cao nhất từ 1,8 - 2 triệu đồng, còn đại đa số là từ 900 nghìn đồng - 1 triệu đồng/người/tháng.
“Xác định không có lương, chúng tôi vẫn thực hiện việc dạy học bình thường, không chỉ trong thời gian chính khóa mà cả buổi tối. Đặt biệt đối với giáo viên dạy lớp 12 như tôi luôn đặt chất lượng học sinh lên trước hết. Bảo đảm cho các em có kiến thức đạt chuẩn cấp học để tham dự Kỳ thi THPT quốc gia. Chúng tôi cũng mong muốn, chờ đợi Chính phủ có sự hỗ trợ nào đó cho giáo viên hệ ngoài công lập bớt khó khăn, vất vả trong giai đoạn này”, cô Nguyễn Thị Hồng Thúy – GV Trường THPT Đinh Bạt Tụy (huyện Hưng Nguyên) chia sẻ.
Nghệ An hiện có 82 trường học ngoài công lập từ bậc mầm non đến THPT với gần 2.500 cán bộ nhà giáo, người lao động đang làm việc. Qua tổng hợp của Công đoàn Giáo dục Nghệ An, từ tháng 1 – 4/2020, có hơn 2.200 cán bộ nhà giáo người lao động đang làm việc tại các trường ngoài công lập chưa được trả lương. Ngoài ra, có gần 3.000 nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non, tiểu học bán trú công lập cũng không có lương do không có việc làm.
Công đoàn ngành đã báo cáo với Công đoàn GD Việt Nam đề xuất Chính phủ đưa các cơ sở giáo dục ngoài công lập cùng với cán bộ nhà giáo người lao động trong các đơn vị; nhân viên nấu ăn tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học bán trú vào diện được hỗ trợ gói 62.000 tỷ của Chính phủ. Đồng thời đề xuất Bảo hiểm xã hội giãn nợ, hoãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, không tính lãi nộp chậm trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6. - Ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An.