Đây là mô-đun cuối cùng trong chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán. Nội dung của mô-đun này là “Ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác và sử dụng thiết bị công nghệ trong dạy học và giáo dục học sinh tiểu học, THCS/THPT”. Buổi khai mạc được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) - nhấn mạnh, mô-đun 9 rất quan trọng trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục, nhất là hiện nay toàn ngành giáo dục đang triển khai thực hiện dạy - học trực tuyến.
Theo đó, các giáo viên cốt cán sẽ được tập huấn, bồi dưỡng nhiều nội dung quan trọng như: Vai trò của công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh; Các phần mềm và thiết bị công nghệ hỗ trợ hoạt động dạy học và giáo dục học sinh; Ứng dụng công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong hoạt động dạy học và giáo dục học sinh.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc Ban quản lý Chương trình ETEP (Bộ GD&ĐT) – nhấn mạnh: yêu cầu quan trọng nhất đối với mô-đun 9 là, giúp giáo viên thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy-học, nâng cao kỹ năng dạy học trong môi trường số của giáo viên và năng lực tự học của học sinh như:
Khai thác kho học liệu trực tuyến, phát triển học liệu số, sử dụng thiết bị, công nghệ, các phần mềm dạy học môn học để thực hiện dạy học trực tiếp cũng như trực tuyến, đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá, quản lý học sinh trong môi trường số, đưa tương tác, trải nghiệm trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày, với mỗi người học và mỗi giáo viên…
Ghi nhận hoạt động bồi dưỡng giáo viên cốt cán của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) thuộc nhóm thực hiện tốt nhất; ông Nguyễn Ngọc Dũng viện dẫn: Tính đến ngày 5/12/2021, kết quả tập huấn, bồi dưỡng do Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) thực hiện là: 99,9% giáo viên phổ thông cốt cán hoàn thành mô-đun 4; 97,1% giáo viên cốt cán hoàn thành mô đun 5.
Về đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp trên TEMIS của các tỉnh do trường phụ trách, đã có 93,8% giáo viên đã tự đánh giá, trong đó có 86,6% giáo viên đã tải minh chứng lên hệ thống TEMIS; 40% giáo viên đã trả lời phiếu khảo sát, trong đó 73,2% hài lòng.
Cô giáo Phạm Mỹ Toàn, tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Những ngày đầu tập huấn còn nhiều khó khắn, bỡ ngỡ, lo lắng nhưng giảng viên cốt cán đã nhiệt tình tương tác, hướng dẫn nên chúng tôi đã cập nhật được những thông tin mới nhất, áp dụng hiệu quả vào công tác giảng dạy”.