Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế của Sùng Phài

GD&TĐ - Từ việc chuyển đổi sang trồng chè, nhiều hộ dân trong xã Sùng Phài đã thoát được nghèo, có của ăn, của để dành, lo cho con cái đi học đầy đủ.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Sùng Phài, thành phố Lai Châu là xã có điều kiện về tự nhiên, đất đai để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Toàn xã có tổng số 989 hộ, 4.540 nhân khẩu, sinh sống ở 13 bản. Thế nhưng trước đây, do thói quen canh tác lạc hậu, bà con vẫn sản xuất nông nghiệp theo hình thức manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu là tự cung, tự cấp nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của các phòng, ban, đoàn thể thành phố Lai Châu và cấp uỷ, chính quyền xã Sùng Phài, mấy năm gần đây, Nhân dân trên địa bàn xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá. Nhờ đó, kinh tế của xã Sùng Phài ngày càng phát triển; đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt.

Nhiều năm nay, cấp uỷ, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Trong đó, xác định cây chè là cây trồng chủ lực, giúp người dân thoát nghèo, xã vận động bà con tích cực tham gia trồng; tận dụng các nguồn lực, chính sách của tỉnh, thành phố Lai Châu để hỗ trợ các hộ dân về giống, phân bón; huy động lực lượng cán bộ, đoàn viên, hội viên trồng giúp.

Cây chè là cây trồng chủ lực hiện nay được bà con xã Sùng Phài chú trọng chăm sóc, phát triển.

Cây chè là cây trồng chủ lực hiện nay được bà con xã Sùng Phài chú trọng chăm sóc, phát triển.

Đến thời điểm này, toàn xã Sùng Phài có tổng diện tích chè trên 428 ha, bao gồm 405,3 ha chè kinh doanh, 23,5 ha chè kiến thiết cơ bản; sản lượng đạt gần 3.456 tấn. Riêng trong năm 2022, xã tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng mới được 10,5ha chè.

Từ việc chuyển đổi sang trồng chè, nhiều hộ dân trong xã Sùng Phài đã thoát được nghèo, có của ăn, của để dành, lo cho con cái đi học đầy đủ.

Chị Sùng Thị Sung - bản Lùng Thàng, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết, gia đình chị trồng 8 sào chè, gồm chè Shan và Kim tuyên. Năm nay là năm thứ 3 gia đình chị được thu hoạch chè, mỗi tháng thu hoạch được 8 tạ, bán cho nhà máy chè, do đó đời sống gia đình ổn định hơn.

Thu nhập bình quân 37 triệu đồng/người/năm

Cùng với cây chè, xã Sùng Phài tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất bằng cách luân phiên trồng cây rau màu. Đưa các loại giống lúa, ngô có năng suất, chất lượng vào gieo trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất. Đồng thời khai thác quỹ đất trống mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, các loại cây mới có tiềm năng về kinh tế, thị trường tiêu thụ như dong riềng, hoa.

Trong năm 2022, Nhân dân trong xã đã hoàn thành chỉ tiêu cấy 275,7 ha lúa mùa, trồng 671 ha ngô luân canh 4 vụ, trên 64 ha rau màu; chăm sóc trên 49 ha cây ăn quả, hoa. Đặc biệt, bà con các bản phát triển trồng được 70 ha dong riềng; hiện tại các hộ đang thu hoạch củ để bán cho các thương lái, công ty thu mua làm miến dong.

Các mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá thị trường dần xuất hiện trên địa bàn xã Sùng Phài nhiều hơn, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Các mô hình chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá thị trường dần xuất hiện trên địa bàn xã Sùng Phài nhiều hơn, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Nét nổi bật trong phát triển kinh tế ở xã Sùng Phài những năm trở lại đây đó là các hộ chăn nuôi đã chủ động đầu tư chuồng trại nuôi gia súc theo hướng hàng hoá với quy mô đàn ngày càng lớn. Điển hình trong đó, có hộ gia đình anh Chẻo A Vải, bản Lùng Thàng. Tận dụng quỹ đất rộng, gia đình anh đầu tư làm chuồng nuôi lợn thương phẩm với diện tích hơn 100 m2; mỗi năm, xuất bán ra thị trường hàng trăm con lợn, thu lãi gần 200 triệu đồng. Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Tả lợn Châu Phi, vợ chồng anh chuyển hướng sang nuôi trâu vỗ béo và sinh sản, hiện có 14 con. Ngoài ra, gia đình anh tích cực trồng trọt thêm để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Được biết tổng đàn gia súc toàn xã là 5.380 con, tổng đàn gia cầm 23.470con. Mặt khác, Nhân dân trên địa bàn còn duy trì diện tích nuôi trồng thuỷ sản 6,6 ha.

Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi, với tiềm năng du lịch ở bản Gia Khâu 1, xã khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ dân, hợp tác xã nông nghiệp-dịch vụ-du lịch Nậm Loỏng phát triển, đa dạng hoá sản phẩm đặc trưng của địa phương để thu hút khách du lịch. Ước tính, từ đầu năm đến nay có trên 2.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm các hoạt động tại bản văn hoá du lịch cộng đồng Gia Khâu 1.

“Từ nhiều giải pháp trên, nền kinh tế của xã Sùng Phài có bước phát triển mới. Thu nhập của bà con ngày càng nâng lên, bình quân đạt 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,7%’, bà Sùng Thị Dẻ - Chủ tịch UBND xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ