Gạch nối trong giáo dục STEM

GD&TĐ - Học sinh phổ thông tiếp cận sớm với môi trường đại học là mong muốn của rất nhiều cơ sở giáo dục đại học, nhất là khối STEM.

Học sinh các trường phổ thông ở Đà Nẵng được giới thiệu về Công nghệ và huấn luyện về Tư duy thiết kế khi tham gia cuộc thi U-Invent. Ảnh: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh cung cấp
Học sinh các trường phổ thông ở Đà Nẵng được giới thiệu về Công nghệ và huấn luyện về Tư duy thiết kế khi tham gia cuộc thi U-Invent. Ảnh: Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh cung cấp

Đây là điều kiện lý tưởng giúp các em hình thành, phát triển tư duy ban đầu về công nghệ, kích thích sự sáng tạo để có sự thích ứng nhanh khi tiếp cận với các lĩnh vực chuyên sâu sau này.

Lớp học “cầu nối”

Cuộc thi Trải nghiệm sáng tạo cùng Intel Galileo U-Invent do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK, ĐH Đà Nẵng) tổ chức dành cho học sinh các trường THPT ở Đà Nẵng đã bước sang mùa thứ 4 với chủ đề Sáng tạo Công nghệ vì Lương thực Thực phẩm. Đây là cuộc thi nhằm khuyến khích sự nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng các kiến thức đó để giải quyết những vấn đề thực tiễn trong cuộc sống.

Một tuần được tìm hiểu những kiến thức cơ bản về Al và các ứng dụng, em đã được truyền thêm cảm hứng về lập trình cũng như khả năng sáng tạo. Khóa học cũng trang bị thêm cho học sinh tính chủ động trong học tập, nghiên cứu... Cũng từ khóa học mà em thích ứng tốt hơn khi chính thức học trực tuyến trong khoảng thời gian đầu năm học mới. Cuộc thi Trình diễn Sáng tạo Trí tuệ nhân tạo sau đó là sự nối dài của khóa học để học sinh có thể ứng dụng các kiến thức đã học vào các hoạt động STEM. - Phan Nhật Khoa (Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng)

Các đội tham gia U-Invent sẽ được huấn luyện về Tư duy thiết kế và giới thiệu công nghệ; trình bày các vấn đề cần giải quyết và giải pháp sáng tạo, đồng thời tiếp nhận các đánh giá, tư vấn từ chuyên gia. Ban cố vấn là các giảng viên, chuyên gia, huấn luyện viên về mảng công nghệ, hóa - sinh, mảng kinh tế - kinh doanh và những cựu học sinh đã tham gia các mùa U-Invent trước.

Sau 3 buổi huấn luyện, nhóm Aleron bao gồm các bạn Tấn Tài, Minh Khoa, Nhật Huy, Nhân Kiệt và Thu Hiền đến từ các Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, THPT Phan Châu Trinh và THPT Trần Phú đã chia sẻ về ý tưởng. Tấn Tài, đại diện nhóm cho biết: “Từ khi bắt đầu tham gia cuộc thi cho đến nay, nhóm đã thay đổi khá  nhiều ý tưởng. Để tìm được giải pháp cho các ý tưởng, cả nhóm đã phải trải qua rất nhiều giai đoạn, “đập đi xây lại” nhiều lần.

Việc học qua các bước của Tư duy thiết kế đã cho chúng em thấy được nhiều góc độ khác nhau của vấn đề, biết cách tìm ra những ưu điểm, nhược điểm của ý tưởng để phát triển nó lên. Các bài tập về nhà qua các buổi cũng đã giúp hệ thống lại kiến thức được học về Tư duy thiết kế, rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả. Với em đây là những kỹ năng rất cần thiết trong tương lai, đặc biệt là kỹ năng Tư duy phản biện đã giúp chúng em suy nghĩ sâu hơn vấn đề. Và em nghĩ đối với học sinh THPT chúng em, những kỹ năng này rất là cần thiết và các bạn nên học và rèn luyện càng sớm càng tốt”.

PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trao giải Tiềm năng cho các đội học sinh THPT tham dự Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và triển lãm công nghệ của sinh viên 2021.
 PGS.TS Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng trao giải Tiềm năng cho các đội học sinh THPT tham dự Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và triển lãm công nghệ của sinh viên 2021. 

Mùa hè 2021, gần 100 học sinh các trường THPT ở Quảng Nam và Đà Nẵng đã có cơ hội làm quen, tiếp cận với kiến thức cơ bản của trí tuệ nhân tạo (AI) với khóa đào tạo Trải nghiệm trí tuệ nhân tạo do Khoa Công nghệ tiên tiến (FAST) và Phòng nghiên cứu Sáng tạo số (Digital innovation Laboratory-DILab) Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Các ứng viên tham dự được tuyển chọn từ gần 300 hồ sơ ứng tuyển và được cấp học bổng toàn phần (trị giá 4 triệu đồng/suất) tham dự Khoá học trong thời gian 1 tuần. Tại khóa học trực tuyến, các chuyên gia, giảng viên của Khoa FAST và Phòng DILab cùng một số doanh nghiệp công nghệ đã cung cấp những kiến thức cơ bản về AI và các lĩnh vực ứng dụng; đào tạo và hướng dẫn thực hành ứng dụng lập trình cơ bản AI bằng ngôn ngữ Python; Lập trình và trình diễn ứng dụng AI yêu thích; hướng dẫn thực hành, khai thác một số thư viện AI trên nền tảng điện toán đám mây...”.

Học sinh được tiếp cận, trải nghiệm các phương pháp dạy học tích cực ở bậc đại học, ứng dụng công nghệ từ các hình thức tự nghiên cứu qua các bài giảng số đến trực tiếp tham dự các giờ giảng trực tuyến, trải nghiệm và thực hành với sự hướng dẫn của giảng viên hay trình diễn sản phẩm ứng dụng với sự đồng hành tư vấn, góp ý để hoàn thiện của chuyên gia.

Học sinh các trường THPT Đà Nẵng có thêm sân chơi liên quan đến giáo dục STEM từ các hoạt động gắn kết giữa các trường ĐH và khối phổ thông.
Học sinh các trường THPT Đà Nẵng có thêm sân chơi liên quan đến giáo dục STEM từ các hoạt động gắn kết giữa các trường ĐH và khối phổ thông. 

Tạo môi trường giáo dục STEM ở phổ thông

Thay vì tổ chức tại khuôn viên đại học, Hội nghị Nghiên cứu Khoa học và triển lãm công nghệ của sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) năm 2021 được tổ chức tại Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng). Sở GD&ĐT Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức Hội nghị và có 23 trường THPT trên địa bàn tham gia. Đây là một trong những hoạt động đưa STEM vào chương trình giáo dục phổ thông, gắn kết với các hoạt động nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học. Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, các em học sinh được trang bị những kiến thức về tư duy sáng tạo Khoa học công nghệ để giải quyết các vấn đề trong đời sống và khởi nghiệp.

Có nhiều học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đã tham gia cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học với các anh chị sinh viên thuộc nhóm Học tập – Nghiên cứu (SRT: Study Research Team) và giảng viên của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu đã được công bố quốc tế trong hệ thống WoS (Q2). Thầy Nguyễn Thanh Hưng – Tổ trưởng Tổ Hóa học cho biết, kết nối với các chuyên gia ở các trường đại học, viện nghiên cứu là một trong những nỗ lực để trao cơ  hội và thúc đẩy cho học sinh nhà trường NCKH.

Nhóm học sinh được trao giải trong cuộc thi Trình diễn Sáng tạo Trí tuệ nhân tạo được tổ chức sau khóa học Trải nghiệm trí tuệ nhân tạo.
Nhóm học sinh được trao giải trong cuộc thi Trình diễn Sáng tạo Trí tuệ nhân tạo được tổ chức sau khóa học Trải nghiệm trí tuệ nhân tạo.

Tham gia cuộc thi U-Invent, học sinh các trường THPT sẽ có một buổi được huấn luyện riêng về Tư duy thiết kế. Bà Trần Hạnh Trang - CEO của Công ty Công nghệ Enouvo Group đã chia sẻ: “Tư duy thiết kế thực sự là một môn học vô cùng quan trọng trong cuộc thi U-Invent.

Nó giúp rút ngắn khoảng thời gian phát triển của sản phẩm, từ việc lên ý tưởng cho đến việc đưa sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn. Khi các bạn mới bắt đầu, các bạn có nhiều ý tưởng rất “bay”, nhưng các bạn chưa nghĩ đến việc nó có tập trung giải quyết được vấn đề, người dùng có thật sự cần sản phẩm đó hay không, và bằng cách nào có thể đưa sản phẩm một cách hiệu quả đến với người sử dụng. Đến giai đoạn này của cuộc thi, các bạn đã bắt đầu có nhiều ý tưởng thực tế, khả thi hơn và hoàn toàn có thể được triển khai”.

Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng rất kỳ vọng vào phương pháp giáo dục mới này. Sự liên kết giữa các trường đại học và trường THPT sẽ cùng tạo nên những sản phẩm khoa học tốt và có tính thực tiễn cao. Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng thì cho rằng, việc triển khai giáo dục STEM có sự phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học với những hoạt động cuộc thi công nghệ, triển lãm… sẽ truyền cảm hứng cho học sinh niềm đam mê đối với khoa học, công nghệ, góp phần định hướng lĩnh vực phù hợp trong hướng nghiệp.

“Để giúp các em học sinh THPT có định hướng tốt hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng sẽ triển khai khóa học về STEM tại 3 địa phương Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Dự kiến, sẽ khai giảng khóa học vào quý I năm 2022. Tùy theo diễn biến thực tế của dịch Covid-19, nhà trường sẽ lựa chọn hình thức phù hợp để triển khai. Khóa học sẽ góp phần giúp học sinh có thể ứng dụng được những kiến thức về khoa học, công nghệ, kỹ thuật cũng như những kiến thức cơ bản về toán học, đưa ra các giải pháp giải quyết vấn đề cũng như khám phá những năng lực của bản thân và dần hình thành được lộ trình nghề nghiệp trong tương lai. -TS Tào Quang Bảng (Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng) 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ