Nâng cao hiệu quả giáo dục STEM - cách nào?

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Điều quan trọng nhất khi thực hiện giáo dục STEM là coi trọng đồng đều cả 2 vế: Thiết kế và thi công sản phẩm STEM.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ quan điểm về giáo dục STEM.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành chia sẻ quan điểm về giáo dục STEM.

Nếu GV chỉ hướng dẫn HS thi công mà không vận dụng kiến thức kỹ năng để thiết kế sản phẩm, chúng ta sẽ tạo ra những HS là “công nhân” chứ chưa phát triển năng lực của một “kỹ sư”…

Rõ cách làm

Ông Kiều Văn Minh - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Nhiều trường học của Hà Nội sớm triển khai hình thức giáo dục STEM với những cách làm đổi mới, sáng tạo. Sau khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản chỉ đạo các trường thực hiện cụ thể các hoạt động giáo dục STEM trong trường học để các trường căn cứ thực hiện. Trong đó, việc đưa giáo dục STEM vào dạy học phát triển năng lực của HS cần rõ cách làm, từ việc quan tâm đầu tư nhân lực, vật lực, các điều kiện thiết yếu đến sự chủ động của cán bộ quản lý, và quan trọng là GV phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, xác định đây là việc của mình chứ không phải việc đi làm hộ…

Cô Võ Thị Hải - GV Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng: Giáo viên còn gặp một số khó khăn, lúng túng trong lựa chọn tình huống có vấn đề mang tính kỹ thuật gắn với thực tiễn để tổ chức dạy học STEM tương ứng với bài học, môn học. Khó khăn phân bổ quĩ thời gian để hướng dẫn và giám sát việc thực hiện các dự án, đặc biệt là hoạt động 4: Chế tạo mẫu, thử nghiệm và đánh giá. Cùng với đó là rào cản trong đánh giá quá trình học tập 1 chủ đề STEM. “STEM là một vấn đề không dễ thực hiện, đặc biệt trong tư tưởng của không ít giáo viên” - cô Võ Thị Hải nhìn nhận.

Trước những khó khăn này, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành từng bước tháo gỡ, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của GV đến xây dựng kế hoạch giáo dục STEM một cách bài bản, cụ thể từng thời điểm thích hợp. Theo cô Hải, mỗi bộ môn xây dựng kế hoạch giáo dục STEM, soạn giáo án và dạy mẫu. Câu lạc bộ STEM trong HS bắt đầu hoạt động từ tháng 10 hằng năm, là hạt nhân cho hoạt động thi Sáng tạo trẻ; ngày hội STEM và thi Nghiên cứu khoa học kỹ thuật…

“Giáo dục STEM ở Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành thành công từ nhiều năm nay là rõ cách làm với 3 bước triển khai: Dạy học các môn thuộc lĩnh vực STEM; Hoạt động trải nghiệm STEM; Nghiên cứu khoa học”, cô Hải nhận định.

Tương tự, cô Quyết Thắng – GV Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho biết: Nhà trường định hướng rõ việc triển khai giáo dục STEM theo 5 hoạt động: Xác định vấn đề; Nghiên cứu kiến thức nền và đề xuất giải pháp thiết kế; Trình bày và thảo luận phương án thiết kế; Chế tạo sản phẩm và thử nghiệm; Trình bày và thảo luận về sản phẩm. Việc dạy STEM ở nhà trường được triển khai theo cả hình thức đơn môn và liên môn…

Hài hòa cả thiết kế và thi công sản phẩm

Việc rõ các bước tổ chức dạy học STEM của các trường, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành là rất cần thiết. Bởi theo ông, điều quan trọng nhất khi giáo dục STEM là coi trọng đồng đều cả 2 vế: Thiết kế và thi công sản phẩm STEM. Nếu GV chỉ hướng dẫn HS thi công ngay mà không vận dụng kiến thức kỹ năng để thiết kế sản phẩm, chúng ta sẽ tạo ra những HS là “công nhân” chứ chưa phát triển năng lực của một “kỹ sư”… Nhà trường và GV cần giúp HS phát hiện vấn đề trong cuộc sống rồi tìm cách vận dụng khoa học kỹ thuật để suy nghĩ giải quyết vấn đề đó, điều này mới mang lại hiệu quả cho giáo dục STEM.

Trong thực tế, khi triển khai giáo dục STEM, nhiều GV còn lo ngại về vấn đề thiếu thiết bị, dụng cụ hỗ trợ dạy học; không bảo đảm thời lượng chương trình nên HS không thực hiện được cả khâu thiết kế và thi công; khó vận dụng được kiến thức vào làm các bài thi…

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Khi dạy học STEM, GV có thể chọn vấn đề được sử dụng nhiều hơn 1 tiết (3 - 4 tiết) và mạnh dạn thêm tiết một cách phù hợp, rồi điều chỉnh linh hoạt giảm các nội dung khác, điều này đã được Bộ GD&ĐT cho phép.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh: GV cần xác định dạy học STEM không chỉ ở trên lớp mà là có cả phần nội dung cho HS thực hiện ở nhà. Đến lớp, các em chỉ tập trung vào thiết kế, trao đổi, thảo luận, thuyết trình còn phần thi công nên hướng dẫn HS thực hiện ngoài giờ học. Giáo dục STEM mang cả yếu tố định tính và định lượng, chứ không phải dạy STEM theo kiểu làm phong trào… Qua đó, HS sẽ vận dụng được các kiến thức liên môn để có thể tổng hợp kiến thức khi đi làm bài thi các môn khoa học tự nhiên…

Giáo dục STEM hoàn toàn có thể chọn ứng dụng gần gũi trong cuộc sống, sử dụng các nguyên, nhiên liệu dễ kiếm, dễ tìm, rẻ tiền vẫn đem lại tính khả thi. Tất nhiên, việc tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị luôn cần thiết nhằm hướng tới chất lượng giáo dục cao hơn, song, chúng tôi cũng lưu ý những thiết bị sẵn có trong thực tiễn với vai trò là địa chỉ ứng dụng của kiến thức khoa học mà học sinh cần tìm tòi, khám phá lại là những thiết bị dạy học sinh động, thiết thực nhất với giáo dục STEM; cần được nghiên cứu để khai thác sử dụng một cách phù hợp và hiệu quả. - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.