Nghiên cứu khoa học từ những vấn đề thực tiễn
Là một giáo viên dạy bộ môn Địa lý, thầy Đinh Chí Thiện có niềm đam mê trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc giảng dạy.
Thầy Thiện cho hay đã gắn bó với ngôi trường Trung An cũng đã hơn 6 năm. Xuất phát từ những thực tế tại địa phương, thầy và học trò nhà trường đã có những sản phẩm thiết thực góp phần giải quyết một số vấn đề thực tiễn, xã hội đang cần.
Đặc biệt trong giai đoạn diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, dung dịch sát khuẩn khan hiếm, thầy Thiện và học trò đã cùng nhau nghiên cứu và cho ra “Bộ sản phẩm xà phòng – nước xịt đa năng diệt khuẩn, phòng và hỗ trợ điều trị các bệnh về da từ các hoạt chất được chiết xuất từ lá lốt, lá trầu không, rau má và tràm gió”.
Qua đó góp phần hỗ trợ người dân và chung tay cùng thành phố chống dịch. Đặc biệt, bộ sản phẩm được sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh 10, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 và gửi tặng một số chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Đồng thời, sản phẩm cũng đạt Giải III cuộc thi Sáng tạo khoa học kĩ thuật cấp thành phố năm 2020-2021.
Không riêng thầy Thiện, cô Vũ Thị Thúy Hằng, một giáo viên trẻ giảng dạy môn Công nghệ cũng rất nhiệt tình với dạy học STEM. Sau khi được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Trung An, vượt qua những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất của trường, cô Hằng đã cùng các đồng nghiệp cố gắng tìm tòi, học hỏi các kiến thức và ứng dụng những sáng tạo khoa học công nghệ vào giảng dạy, giúp học trò tiếp thu bài hiệu quả hơn.
Trong năm học 2020-2021, cô Hằng cùng nhóm học trò của mình nghiên cứu, chế tạo thành công Máy rửa rau củ tự động. Chiếc máy góp phần tăng năng suất lao động mà không tốn nhiều công sức của người dân trong thu hoạch và bảo quản nông sản...
Tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp thành phố năm học 2020 - 2021, mô hình Máy rửa rau củ tự động của nhóm học sinh Trường THPT Trung An do cô Hằng hướng dẫn đoạt giải Ba.
Linh hoạt chủ động ứng dụng giáo dục STEM vào chương trình giáo dục
Thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An cho biết, để phát huy năng lực sáng tạo khoa học của học sinh, từ năm học 2018-2019 nhà trường đã chỉ đạo giáo viên linh hoạt, chủ động áp dụng mô hình giáo dục STEM vào chương trình giáo dục.
Qua đó những giáo viên trẻ tại trường đã tiên phong trong việc ứng dụng các kiến thức giáo dục STEM vào các tiết dạy của mình một cách khéo léo, thích hợp giúp học sinh phát huy năng lực khám phá, sáng tạo trong học tập và giải quyết vấn đề.
Nhờ vậy, học sinh hào hứng, tự nguyện tham gia các công việc học tập ở trên lớp cũng như về nhà. “Những thầy cô giáotrẻ mới về thường rất đam mê với lĩnh vực nghiên cứu, tích cực tham gia các hoạt động sáng tạo khoa học công nghệ do nhà trường phát động. Đồng thời cũng rất chủ động tìm tòi những phương pháp tạo nguồn cảm hứng và niềm say mê nghiên cứu khoa học cho học sinh”, thầy Dũng cho biết thêm.
Hiện nay, nhà trường đã xây dựng Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học và những thầy cô giáo trẻ này là những nhân tố tích cực của Câu lạc bộ. Trong đó phải kể đến cô Hằng phụ trách phát triển các sản phẩm về công nghệ kỹ thuật và cơ khí, còn thầy Thiện tập trung sáng tạo các sản phẩm liên quan đến công nghệ sinh học.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua không chỉ là nguồn động viên mà còn khơi dậy tinh thần tìm tòi, sáng tạo của học sinh vùng nông thôn, giúp học sinh phát huy sở trường, năng khiếu, định hướng nghề nghiệp trong tương lai.