Ở Việt Nam con gà cũng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống hàng ngày của nhân dân. Trong truyện dân gian lục súc tranh công, gà được đề cao ở chỗ nó có công đánh thức người ta dậy đi làm sớm sủa.
Gà còn là món thực phẩm ăn ngon, dinh dưỡng và rất tốt cho sức khỏe con người. Chính vì vậy, thịt gà được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng, kỵ, cúng giỗ, tiệc tùng.
Từ thôn quê đến thành thị hằng ngày, kỵ, cúng giỗ, thường thấy chú gà trống hoa vẫn thường hay ngồi chễm chệ trên mâm cỗ tất niên hoặc cúng đầu năm.
Trong thời buổi hội nhập kinh tế, công nghệ sản xuất thức ăn nhanh ngày càng hiện đại, đa dạng và phong phú, nhưng thịt gà vẫn được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loại thức ăn.
Hiện nay, gà có nhiều loại, nhưng gà thả vườn hay còn gọi là “gà ta” thịt da mềm và thơm, vì vậy được ưa chuộng nhất. Ngoài ra, gà thả vườn có nhiều ưu điểm.
Cụ thể: Gà có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, đặc biệt có khả năng chịu được thời tiết nóng. Gà có tốc độ tăng trưởng vừa phải. Một số loại “gà ta” phổ biến hiện nay như: Gà Rốt Ri, gà Tam hoàng, gà Lương Phượng, gà Tàu vàng, gà ác, gà nòi, gà tre, gà Đông Tảo…
Hiện nay xu hướng người dân chọn thịt gà để cung cấp đạm động vật cho bữa ăn hàng ngày vì giá thành rẻ. Theo các nhà dinh dưỡng học, ngoài những chất
albumin, chất béo, thịt gà còn có các vitamin A, B1, B2, C, E, axit, canxi, photpho, sắt. Đây là loại thực phẩm chất lượng cao, cơ thể con người dễ hấp thu và tiêu hóa.
Ăn thịt gà giúp giảm nguy cơ mắc ung thư ruột, giúp kéo dài tuổi thọ, tốt cho tim, chống trầm cảm, hỗ trợ răng và xương, thúc đẩy sức khỏe cho mắt... và rất nhiều lợi ích khác nữa.
Trứng gà được coi là loại “thức ăn đầy đủ” vì có một lượng lớn vitamin A, D, E, B1, B6, B12… Ngoài ra, còn phải kể đến canxi, mangiê, sắt và kẽm.
Cụ thể, thành phần dinh dưỡng trong một quả trứng gồm có 71 đơn vị calo, không có tinh bột, 5g chất béo. Cả trong lòng đỏ và lòng trắng trứng đều có chất Biotin.
Biotin là vitamin B8, tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Trứng gà, trong Đông y còn có những bài thuốc dành cho phụ nữ mắc bệnh khó nói như kinh nguyệt không đều, khí hư, sa tử cung, thống kinh.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, nghiên cứu Đông y, sách y học cổ truyền dân tộc thì một số loại gà, như: Gà ác hầm thuốc Bắc, hạt sen là một trong những món ăn bổ dưỡng và dễ làm.
Món ăn bổ dưỡng này rất thích hợp để tẩm bổ cho người mới ốm dậy, cho bà bầu hay cho người thiếu dinh dưỡng. Với cách làm gà hầm thuốc Bắc đơn giản này, bạn sẽ có món gà hầm thật bổ dưỡng.
Ngoài ra, còn có các loại gà khác được dùng làm thuốc như: Gà ri (gà ta), gà đen nơi núi đá Hà Giang, gà có thịt đen, xương đen, không chỉ là món ăn đặc biệt mà còn là loại thuốc quý của người Mông. Một số nghiên cứu cho thấy, thịt gà Mông còn có tác dụng tốt trong chữa bệnh tim mạch…
Màng mề gà cũng là một vị thuốc quý, rẻ tiền và dễ kiếm, được sách Đông y ghi lại với những tác dụng chữa bệnh về đường tiêu hóa vô cùng hiệu quả.
Mật gà, hay gọi là kê đảm, vị đắng, tính hàn, không độc, giúp giảm ho, long đờm, chống viêm. Tuy được dùng ít hơn các mật khác, mật gà lại có tác dụng tốt trong một số trường hợp.
Hiện nay, ngành chăn nuôi gia cầm được cả thế giới quan tâm và phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Chăn nuôi gia cầm chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình cung cấp protein động vật cho con người.
Gia cầm chiếm 20 - 25% trong tổng sản phẩm thịt, ở các nước phát triển thịt gà chiếm tới 30% hoặc hơn nữa. Theo các báo cáo đầy triển vọng của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiêp Quốc (FAO), tới năm 2020 sản lượng thịt gia cầm toàn cầu sẽ vượt qua sản lượng thịt lợn và từ đó trở đi thịt gia cầm sẽ chiếm vị trí số 1.
Thịt gà chiếm 88 - 89% tổng số thịt gia cầm. Đến năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 2,3% mỗi năm. Như vậy vào năm 2023 sản lượng thịt gia cầm đạt 134,5 triệu tấn và đứng đầu trong ngành sản xuất thịt.
Đối với nước ta, chăn nuôi gà đang phát triển mạnh. Sản lượng thịt gia cầm nước ta tăng nhanh trong những năm qua, năm 2005 chưa đến 360.000 tấn đến năm 2014 đạt 873,2 ngàn tấn.
Theo số liệu điều tra đến 1/10/2016, đàn gia cầm cả nước hiện có 364,5 triệu con, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó số lượng gà đạt 277,2 triệu con, tăng 6,9%.
Đàn gia cầm phát triển tốt, giá gia cầm hơi tăng, người chăn nuôi có lãi. Tuy nhiên, ngành này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt của thịt gà nhập khẩu.
Hiện nay, Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới. Bởi vậy, các chuyên gia từ Viện Chăn nuôi và Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển gà thả vườn, trứng muối... để cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, người chăn nuôi phải nâng cao trình độ, đổi mới công nghệ, sản xuất theo chuỗi khép kín để tăng năng suất, hạ giá thành.
Tết Đinh Dậu này, con gà vẫn ở vị trí quan trọng của nó trên các mâm cỗ của các gia đình người Việt Nam, để mọi người cảm nhận được hương vị Tết đậm đà hơn, trọn vẹn hơn.