Kiểu làm ăn "cò con", tạm bợ, phụ thuộc vào hoàn cảnh thất thường như thế đâu có hiếm trong cuộc sống xưa nay.
Xuất xứ của câu thành ngữ này dĩ nhiên bắt đầu từ những con gà.
Bình thường, mọi con gà khỏe mạnh đều kiếm ăn trong một phạm vi khá rộng thuộc khuôn viên mỗi gia đình: Trong nhà, ngoài sân, hay bờ ao, ngoài ruộng...
Với nhiều nhà ở nông thôn, vườn tược rộng rãi thì lũ gà qué cứ phải nói là tung hoành ngang dọc. Chúng sởn sơ bới móc khắp nơi. Nhưng chẳng may một chú gà nào đó, mắc bệnh ốm yếu, còi cọc và nhất là bị què quặt thì khả năng chạy nhảy sẽ kém hẳn so với những con khác.
Không những chúng không có cơ hội kiếm ăn tốt như những con gà cùng lứa mà khả năng tự vệ cũng kém. Chúng thường bị các "anh chị" gà khỏe mạnh bắt nạt, tranh cướp thức ăn.
Thân cô thế yếu, những con gà này thường chỉ chạy đi chạy lại trong gian bếp, quanh đi quẩn lại nhặt những hạt thóc rơi vãi quanh cối xay (một dụng cụ xay cho hạt thóc vỡ ra để lấy hạt gạo lứt phía trong, sau đó đem giã trắng để làm lương thực, rất phổ biến trong các gia đình nông dân xưa).
Với điều kiện như thế, khả năng kiếm được cái ăn của các con gà què là rất hạn chế. Bởi từ cái cối xay kia thì hạt rơi hạt vãi cũng chẳng có nhiều.
Thành ra, chú gà què đói càng thêm đói. Thực tế, con gà nào rơi vào hoàn cảnh như thế thì thực là đáng thương. Người đời đừng lấy cái thế yếu của nó ra "bôi bác", "dè bỉu" mà tội nghiệp cho nó.
Từ trước tới nay, về cơ bản, chúng ta vẫn hiểu câu thành ngữ này với ngữ nghĩa như vậy. Nhưng nhân một chuyến đi công tác ở vùng Bắc Giang, Bắc Ninh…, tôi lại nghe mấy cụ già giải thích theo một hướng khác.
Theo cụ Nguyễn Bá Trai (ở Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang) thì câu này phải nói là “gà chè ăn cạnh cối xay” mới đúng. Vì cũng theo cụ (và nhiều cụ già trong làng nữa) thì ngày trước, ở vùng này có nuôi giống gà chè.
Đây cũng là loại gà ta nhưng giống khá to, chân cao, rất nhanh nhẹn, thường thả rông trong các vườn chè, bới đất kiếm ăn. Ở nhiều gia đình, khi gia chủ đi vắng, để giữ cho lũ gà con hay các loại gia cầm khác (như ngan, vịt) khỏi vào nhà bới móc thóc gạo trong bếp, người ta thường buộc quanh cối xay gần đó một hoặc mấy con gà tre trưởng thành.
Chúng sẽ có trách nhiệm trông coi, không cho lũ gà, vịt, ngan, ngỗng, thậm chí cả chuột… vào bếp để phá phách. Vốn là giống gà to khỏe, dữ dằn, gà tre trở thành kẻ “bảo kê” rất lợi hại.
Những con vật khác trông thấy gà trống tre xù lông, giơ vuốt là sợ phát khiếp, không dám đến gần. Cái cối xay thóc quen thuộc trở thành “căn cứ địa” quan trọng để những con gà tre đảm đương nhiệm vụ mà gia chủ giao cho.
Dù chỉ là ý kiến của một số già làng, nhưng rõ ràng, đây là một biến thể mới của thành ngữ “gà què ăn quẩn cối xay” mà ta đã nghe quá quen thuộc xưa nay. N
hân năm Đinh Dậu sắp đến, có lẽ cũng còn nhiều thành ngữ khác liên quan tới chú gà (vắng chúa nhà gà mọc đuôi tôm, gà trống nuôi con, gà tức nhau tiếng gáy, chó cậy gần nhà gà cậy gần chuồng…) mà chúng ta cần tìm hiểu để giải thích cho chính xác hơn.