Xóa rào cản để kinh tế tư nhân phát triển

GD&TĐ - Hiện cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp(DN) tư nhân, sử dụng 85% lực lượng lao động, đóng góp 43% GDP, trong khi tỷ lệ này của khu vực kinh tế Nhà nước là 28,9%. Nhà nước đang thúc đẩy mạnh mẽ để bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý... nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) là một tín hiệu mừng.

Xóa rào cản để kinh tế tư nhân phát triển

Nhiều rào cản được xóa bỏ

Tuy được đánh giá là khu vực kinh tế năng động có giá trị gia tăng khá cao, song khu vực KTTN vẫn còn những tồn tại cố hữu như trình độ quản lý kém, đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu vốn, năng lực cạnh tranh yếu, thiếu tính liên kết, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN Việt Nam nói chung và DN trong khối KTTN nói riêng vẫn đang hàng ngày hàng giờ đối mặt với rất nhiều rào cản kinh doanh được cho là chưa thực sự minh bạch, liêm chính tại Việt Nam.

Cụ thể như, chi phí từ các loại thuế, cùng các chi phí không chính thức lên tới trên 10% doanh thu của DN (theo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2016). Các yếu tố trên góp phần tạo ra các tiền lệ xấu như DN buộc phải chi phí bôi trơn nếu muốn thuận việc, cơ chế xin - cho, chạy dự án, vay vốn...

Tuy nhiên, tại buổi làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ với 14 Chủ tịch, Tổng Giám đốc các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ở Việt Nam hiện nay, trong gần nửa triệu DN thì số lượng DN Nhà nước chỉ chiếm 0,5%,DN FDI chiếm 2,8% còn DN tư nhân chiếm tới 96,7%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tái khẳng định quyết tâm của Chính phủ, đặt mục tiêu phấn đấu là nâng tỷ trọng đóng góp của KTTN từ 43% lên 50 - 60% GDP. Đồng thời khu vực KTTN là chìa khoá cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tới.

Một tín hiệu vui khác mà khu vực KTTN đón nhận là Chính phủ ban hành Chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân, tại Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 3/10/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 khoá XII về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Theo đó, chương trình đã đưa ra được các nội dung cụ thể, bám sát đời sống phát triển của khu vực KTTN. Đáng chú ý, lần đầu tiên, Nghị quyết đã đưa vào nội dung bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng...

Động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển

Có thể nói, KTTN hiện đang ngày càng thể hiện được vai trò xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế của đất nước. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu mỗi một đơn vị vốn bổ sung thì khu vực tư nhân Việt Nam đang tạo ra doanh thu nhiều gấp 3 lần so với DN Nhà nước.

Tính chi tiết thì 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hoá và 100% giá trị sản lượng hàng hoá vận chuyển là từ khu vực KTTN. Vì vậy, khu vực KTTN đang dần trở thành một động lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.

KTTN cũng là khu vực được coi có sự phát triển năng động bậc nhất trong các thành phần kinh tế hiện nay của Việt Nam. Điểm đặc biệt là khu vực KTTN đã thu hút khoảng gần 85% lực lượng lao động cả nước, tạo ra khoảng 1 triệu việc làm hàng năm cho người lao động.

Đáng chú ý, khu vực kinh tế này đã tạo việc làm mới cho những đối tượng bị giảm biên chế hoặc mất việc làm do quá trình tinh giản bộ máy hành chính, cổ phần hoá DN Nhà nước, lao động từ khu vực nông thôn chuyển đổi ngành nghề...

Cả nước hiện có khoảng 600.000 DN tư nhân và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế. Giai đoạn 2006 -2015, KTTN đóng góp hơn 40% GDP; 30% tổng giá trị công nghiệp; 80% tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ; 35% tổng vốn đầu tư phát triển; thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước và tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm cho người lao động mỗi năm...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...