EVN tước quyền giám sát công tơ cơ của người dân?

EVN tước quyền giám sát công tơ cơ của người dân?

Có thể ngồi tù 10 năm vì trèo… cột điện

Theo thông tin của EVN, hiện tỷ lệ lắp đặt công tơ điện tử chiếm 54%. 46% hộ dân còn lại dùng công tơ cơ. Theo con số của Công ty Điện lực Miền Bắc, chỉ trong tháng 5/2020 đã ghi nhận trên 2.000 trường hợp ghi sai chỉ số công tơ – bao gồm cả công tơ điện tử và công tơ cơ. Hiện chưa rõ có bao nhiêu % hộ dân được lắp đặt công tơ tại nhà hoặc cột điện.

Theo Luật Điện lực: "Công tơ phải được lắp đặt trong khu vực quản lý của bên mua điện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Vị trí lắp đặt và việc lắp đặt công tơ phải bảo đảm an toàn, mỹ quan, thuận lợi cho bên mua điện kiểm tra chỉ số công tơ và bên bán điện ghi số công tơ.

Bên mua điện có trách nhiệm bảo vệ công tơ lắp đặt trong vực quản lý của mình và thông báo kịp thời cho bên bán điện khi phát hiện công tơ bị mất hoặc bị hỏng. Bên bán điện có trách nhiệm bảo vệ công tơ lắp ở ngoài khu vực quản lý của bên mua điện".

Quy định này vạch ra 2 khu vực trách nhiệm. Khu vực quản lý của hộ gia đình, trong nhà hoặc trong khuôn viên của gia đình đó. Khu vực cột điện thuộc quản lý của điện lực.

Trong hợp đồng mua bán điện mà có điều khoản ít người dân đọc. Đó là các hành vi bị nghiêm cấm như trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện; vào trạm điện…

Theo hợp đồng, người dân có thể trở thành tội phạm khi vô ý trèo lên cột điện kiểm tra chỉ số công tơ. Người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng. Trong trường gây chập, cháy điện, làm chết người… thì có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Con số đền bù tuỳ thuộc vào hậu quả gây ra.

Dưới khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Tuấn Anh, Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nếu hành vi leo cột điện mà dẫn đến tử vong cho người khác thì đây được coi là hành vi xâm phạm đến an toàn công cộng, gây nguy hiểm cho xã hội. Theo đó, người này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự đối với các bên bị thiệt hại về tài sản mà trong trường hợp này là đơn vị cung cấp điện cũng như cá nhân, tổ chức chịu ảnh hưởng.

Người thực hiện hành vi ngoài việc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự đối với các cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp làm chết nhiều người hoặc thiệt hại về tài sản lớn thì có thể bị phạt tù từ 2 - 10 năm.

Có ý kiến sẽ cho rằng, quy định như vậy gần như tước quyền giám sát chỉ số công tơ của người dân. Điều này là thiếu minh bạch và chưa hợp lý.

EVN tước quyền giám sát công tơ cơ của người dân? ảnh 1
Hợp đồng mua bán điện cấm người dân trèo lên cột điện. Trong khi đó, Luật Điện lực quy định “Bên bán điện có trách nhiệm bảo vệ công tơ lắp ở ngoài khu vực quản lý của bên mua điện”.

Bàn 20 năm chưa xong

TS Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam cho biết: Việc bàn luận treo công tơ ở vị trí nào? Ai quản lý? Ai giám sát? Giám sát thế nào? Đã được Chính phủ thảo luận từ năm 2000 – tức là cách đây 20 năm. Mục đích cuối cùng là tăng tính minh bạch và tăng quyền giám sát của người dân.

Đến năm 2004, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp lúc đó đã phải trả lời trước Quốc hội về vấn đề này. Lúc đó, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đã đề nghị là phải có cơ quan độc lập, giám sát và xử phạt việc đo công tơ. Sau đó chúng ta mới có bộ phận quản lý điện lực của Sở Công nghiệp, nay là Sở Công Thương có thể xử phạt bên điện lực. Nhưng vai trò bộ phận này quá yếu hoặc điều kiện kỹ thuật chưa bảo đảm cho nên vẫn có chuyện công tơ đúng sai.

Vấn đề thảo luận thứ 2 là làm sao để mỗi gia đình có khả năng kiểm soát công tơ hàng ngày? Nếu để công tơ trong nhà thì không phải nhà nào cũng để được. Vì vậy, gia đình nào đủ điều kiện thì để công tơ trong nhà. Nếu không đủ điều kiện thì treo công tơ lên cột điện hoặc treo lên cây (đối với một số nơi ở nông thôn).

Vậy thì ai là người trèo lên cột điện để kiểm tra công tơ? Ai là người kiểm tra giám sát? Ở đây vẫn là nhân viên điện lực. Do việc đo đạc phụ thuộc vào con người nên mới xảy ra tình trạng anh đo điện hoa mắt ghi sai số công tơ… Chính vì vậy, người ta mới muốn lắp đặt công tơ điện tử để người dân và nhân viên điện lực chỉ cần bấm nút là có thể nhìn thấy được chỉ số công tơ, tránh tình trạng hoa mắt mà ghi nhầm số điện.

Tuy nhiên, đến nay việc giám sát số công tơ điện của dân vẫn còn nhiều tranh cãi. Giải pháp cho vấn đề này, theo TS Ngô Đức Lâm chỉ có xóa sổ độc quyền trong ngành điện theo đúng bản chất thì mới được. Ví dụ, đơn vị cung cấp công tơ không thuộc EVN, Bộ Công Thương. Đơn vị trung lập đó sẽ phải đàm phán với dân làm sao để dân giám sát được số điện… Còn chia nhỏ EVN ra rồi cho các đơn vị trực thuộc EVN cạnh tranh với nhau thì về bản chất đó chưa phải là xóa bỏ độc quyền. 

Trả lời Báo Giáo dục và Thời đại, đại diện truyền thông EVNNPC cho biết: “Theo quy định cột điện, công tơ điện thực hiện đo đếm điện năng là tài sản của bên bán điện, phần tài sản sau công tơ thuộc khách hàng. Việc người dân leo lên cột điện để kiểm tra chỉ số công tơ sẽ có thể gây nguy hiểm cho bản thân nếu không có kỹ năng chuyên môn và các phương tiện bảo hộ lao động khi trèo cột. Trong thực tế, ngành điện luôn công khai ngày ghi chỉ số công tơ và mong muốn có sự giám sát của khách hàng. Do đó, để bảo đảm tính minh bạch giữa khách hàng và công nhân ghi chỉ số, khách hàng có thể có mặt tại thời điểm công nhân ghi chỉ số để giám sát”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...