EU tăng mua sắm quân sự bằng... tiền Nga

GD&TĐ - Anh và Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với lựa chọn phải gia tăng chi tiêu quốc phòng nhưng không để tình trạng bất ổn về tài chính xảy ra.

Anh đang thiếu ngân sách để nâng cấp lực lượng xe tăng của mình.
Anh đang thiếu ngân sách để nâng cấp lực lượng xe tăng của mình.

Theo The Guardian ngày 23 tháng 2, hiện Bộ trưởng Tài chính Anh, Rachel Reeves đang gặp khó khăn trong các quy định về mức nợ và thâm hụt ngân sách, trong khi thu nhập từ thuế giảm và chi phí vay tăng.

Trong báo cáo tài chính ngày 26 tháng 3 tới đây, bà sẽ phải đưa ra các quyết định quan trọng, trong đó có việc cân nhắc tăng chi tiêu quốc phòng.

Bộ trưởng Reeves từng khẳng định việc này sẽ đòi hỏi những điều chỉnh khó khăn trên mọi phương diện, tránh lặp lại kịch bản khủng hoảng tài chính dưới thời cựu Thủ tướng Liz Truss khi một kế hoạch chi tiêu không có nguồn tài trợ rõ ràng khiến thị trường tài chính chao đảo.

Theo giới chuyên gia, chính phủ Anh có thể biện minh cho việc vay thêm để tăng ngân sách quân sự mà không vi phạm các quy tắc tài chính.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Ed Balls cho rằng Bộ Tài chính có thể tạm thời loại chi tiêu quốc phòng khỏi các quy định tài khóa, nhất là khi Anh đang đối mặt với một tình huống khẩn cấp liên quan đến an ninh khu vực.

Cùng với đó, một phương án khác có thể là áp dụng một loại thuế quốc phòng và an ninh nhằm đảm bảo nguồn thu bổ sung, tương tự như cách chính phủ Anh từng làm vào năm 2002 khi tăng 1% bảo hiểm quốc gia để hỗ trợ hệ thống y tế công.

Không chỉ có Anh, các quốc gia thành viên EU cũng đang tìm kiếm cách mở rộng ngân sách quân sự mà không vi phạm các quy định tài chính nghiêm ngặt.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất kích hoạt một điều khoản đặc biệt nhằm loại trừ chi tiêu quốc phòng khỏi các giới hạn thâm hụt ngân sách, tương tự như biện pháp đã được áp dụng trong đại dịch COVID.

Các quy tắc tài chính của EU đang giới hạn mức thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên ở mức 3% GDP và nợ công không vượt quá 60% GDP.

Nhưng theo đề xuất của Ba Lan - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, việc chi tiêu cho quốc phòng cần được hiểu rộng hơn, không chỉ bao gồm mua sắm vũ khí mà còn bao gồm cả đầu tư vào các nhà máy sản xuất khí tài quân sự và đạn dược nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của liên minh.

Đồng thời một sáng kiến khác cũng đang được xem xét là phát hành trái phiếu quốc phòng để huy động vốn cho chi tiêu quân sự. Đề xuất này do Pháp và Estonia đưa ra, nhận được sự ủng hộ từ các nước như Italy, Tây Ban Nha và Ba Lan.

Nhưng giới chuyên gia cho rằng EU nên cân nhắc sử dụng khoản tài sản trị giá 330 tỷ USD của Nga đang bị phong tỏa tại các tổ chức tài chính châu Âu để tài trợ cho nỗ lực quân sự.

Hiện tại, EU mới chỉ đồng ý sử dụng lãi suất từ các khoản tiền này để hỗ trợ Ukraine nhưng vẫn chưa đưa ra quyết định về việc tịch thu toàn bộ số tài sản.

Một số nhà phân tích đề xuất EU triển khai một chương trình mua sắm vũ khí trị giá từ 500 tỷ đến 1.000 tỷ USD, trong đó có sử dụng số tiền đến từ các tài sản bị đóng băng của Nga.

The Guardian cho rằng, bất kể Anh và các quốc gia EU lựa chọn thế nào để tăng chi tiêu cho quân sự, kế hoạch này có thể giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm tại Mỹ và sẽ thu hút sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền Trump.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ