Tôi xin nêu ra một số "mặt trái" của việc ép học sinh viết chữ đẹp.
Một là, ép viết chữ đẹp làm chậm tư duy của trẻ, bởi lẽ, khi các em nắn nót, các em chỉ tập trung vào nét chữ, mà không tập trung vào nội dung, vào quá trình tư duy.
Trong lúc đó, tư duy là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục. Thật không sai, nếu nói rằng ép viết chữ đẹp làm hỏng mục tiêu, làm giảm chất lượng và hiệu quả giáo dục.
Rất nhiều giáo viên tiểu học, khi nói chuyện với tôi, khẳng định, những em viết chữ đẹp thường "chậm". Như tôi nói ở trên, hầu hết các vĩ nhân đều viết chữ xấu.
Hai là, trẻ em tay còn yếu mềm, hệ thần kinh chưa vững. Do đó, viết nắn nót là một công việc khó khăn, khổ ải đối với các em. Viết quá nhiều như vậy làm cho tay các em nhanh mỏi, ảnh hưởng xấu đến không chỉ hệ cơ, hệ xương mà còn hệ thần kinh của trẻ.
Ba là, bị ép viết chữ đẹp nhiều nên nhiều trẻ hình thành một số nét tính cách xấu như cáu bẳn, chán học, sợ học, lừa dối, thậm chí có thái độ không đúng mực với cô giáo của mình như nói tục, chửi bậy (vì không hài lòng với việc bị giáo viên bắt tập viết nhiều quá...).
Bốn là, chính giáo viên cũng có những yếu tố tiêu cực, như cắt xén các tiết học khác để dành cho viết chữ đẹp, bắt những học sinh viết chữ xấu thay vở mới để luyện chữ đẹp, yêu cầu những em chữ đẹp viết hộ những em chữ xấu để có thành tích...
Theo tôi, nên coi chữ đẹp là "phạm trù" thẩm mỹ, không nên coi nó thuộc phạm trù ngôn ngữ. Cần yêu cầu học sinh viết sao cho đủ nét để người khác đọc được, bản thân mình đọc được là đủ.
Tôi có dịp trao đổi với một số GS người Đức, Úc thì được biết, ở nước họ, người ta không bắt học sinh viết chữ đẹp, lại càng không có chuyện thi “phong trào” viết chữ đẹp!
Tôi thấy ép học sinh tiểu học viết chữ đẹp là bất công. Bởi lẽ, người lớn có viết được như học sinh tiểu học viết không, tại sao lên các cấp học khác lại không còn yêu cầu chữ đẹp?
Thời đại này viết chữ đẹp để làm gì, khi mà hầu như khi cần đẹp chúng ta đều dùng máy tính, máy in, kể cả viết giấy khen.
Tôi thấy, ép học sinh viết chữ đẹp chỉ mang lại "danh tiếng", "thành tích" cho giáo viên, cho nhà trường, cho các cấp quản lý giáo dục mà thôi, trẻ em hầu như không được gì mà chịu tổn hại nhiều.
Đã đến lúc giáo dục cần xem xét lại các phong trào của mình. Hãy đặt lợi ích của học sinh lên trên hết!