Em công nhân nuôi chị thủ khoa

GD&TĐ - “Mẹ cứ cho con đi học, rồi con sẽ làm mẹ thêm tự hào vì con”. Lòng quyết tâm muốn được đi học khi nghe tin đỗ điểm cao vào Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của Học viện Báo chí và tuyên truyền của Vũ Thị Hạnh đã làm mẹ bật khóc.

Em công nhân nuôi chị thủ khoa

Nghèo vật chất nhưng giàu yêu thương

Về thăm gia đình cô gái trẻ trong một xóm nhỏ huyện Yên Phong (Bắc Ninh) mới thấy khâm phục ý chí vươn lên của cô đến nhường nào.

Ngôi nhà không có nhiều đồ đạc, nhưng đáng giá nhất lại là niềm vui của mẹ khi biết con gái đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, được ghi danh vào sổ vàng tại Văn Miếu – Quốc Tử giám.

Bà Trần Thị Hiệp – Mẹ của Hạnh - nhớ lại 4 năm trước: Nhà tôi nghèo lắm, 5 người chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng thôi, mà cứ bám ruộng mãi làm sao có tiền cho con ăn học. N

hưng Hạnh vẫn muốn thi Đại học để được thoát nghèo, chỉ trước 2 ngày hết hạn nộp hồ sơ, chúng tôi mới gật đầu đồng ý. Những tưởng thi thử cho biết thôi, ai ngờ cháu lại đỗ điểm rất cao và muốn bố mẹ cho đi học.

Cháu Hạnh vốn có tính tự lập tự nhỏ. Ngay từ năm học lớp 3, cháu đã biết dạy sớm dọn dẹp nhà cửa, đưa em đi học, quán xuyến công việc thay mẹ. Đến khi lớn lên, cháu đều thạo việc đồng áng, nhưng vẫn nuôi ước mơ đến giảng đường.

Hạnh là chị cả trong nhà có 3 chị em, và cũng là người duy nhất được đi học, hai em chỉ học hết lớp 9 đã đi làm. 

Nhìn thấy chị đam mê đèn sách, ngày đầu tiên chị nhập trường, cũng là lúc em gái quyết định xin vào khu công nghiệp huyện Yên Phong làm công nhân lấy tiền nuôi chị.

Mẹ thì đau yếu quanh năm, thân hình ngày một mòn mỏi vì mổ nhiều lần, chưa khỏi bệnh này đã lâm bệnh khác. Thương các con mà không làm gì được, bà Hiệp liên tục lau vội những giọt nước mắt rồi tự động viên: May mà các cháu đều có ý thức tự lập, biết bảo ban nhau nên chúng tôi cũng yên tâm phần nào.

Phấn đấu với bảng vàng thành tích

Suốt 4 năm phấn đấu miệt mài, vừa làm lớp trưởng, Bí thư liên chi đoàn, lại tham gia nghiên cứu khoa học, nhưng điểm học tập của cô luôn đứng đầu lớp.

Bất ngờ khi nhìn bảng điểm trung bình toàn khóa 8.38/10 đứng đầu Học viện, Hạnh không giấu được xúc động: Ngay lúc đó, em đã muốn chạy ngay về nhà để được ôm chầm lấy mọi người để chung niềm vui đó. 

Đối với gia đình em, mỗi lần nghe em “báo cáo thành tích” học tập là một lần tiếng cười được nhân lên, mọi vất vả của bố mẹ cũng giảm bớt phần nào.

Có lẽ những hình ảnh đó cũng chính là động lực để cô gái trẻ này luôn “tham lam” ẵm các giải thưởng. Bất cứ một cuộc thi nào, Hạnh cũng muốn tham gia để thử sức, cô cho rằng đó là thêm một cơ hội để em được tích lũy kinh nghiệm.

Năm 2013, khi vừa nhận giải xuất sắc nghiên cứu khoa học cấp Học viện cũng là lúc cô vinh dự được xét kết nạp đảng.

Liên tục có những thành tích xuất sắc, thầy cô và bạn bè luôn kể về Hạnh như một tấm gương sinh viên nghèo nghị lực vượt khó cho các em khóa sau.

Trò chuyện với cô gái ngoài hai mươi, nhiều người không khỏi bất ngờ về sự suy nghĩ chín chắn, niềm tin và nội lực luôn hiện diện trên khuôn mặt, cử chỉ, lời nói. Đối với Hạnh, thời gian không bao giờ là đủ.

Nhìn thời gian biểu Hạnh sắp xếp công việc cho ngày hôm sau mới thêm cảm phục cách làm khoa học của cô. Theo đó, Hạnh không bao giờ thức dậy muộn hơn 6 giờ 30 trong những ngày nghỉ và 5 giờ sáng trong những ngày lên lớp.

Để tiết kiệm, cô đã thuê nhà trọ cách trường khá xa, phải đi bộ gần 1 km mới ra đến trạm xe bus tới trường. Thế nhưng bất cứ khi nào thầy cô gọi hay bạn bè cần Hạnh vẫn đến trường tổ chức các hoạt động sôi nổi.

Vừa hoạt động Đoàn, vừa nghiên cứu khoa học, nhưng vẫn đặt việc học lên hàng đầu, cô gái trẻ luôn làm tốt mọi việc với những mục tiêu đã đặt ra.

Với những thành tích đã đạt được, Hạnh nhận được những lời động viên chia vui của cả gia đình cùng bà con xóm giềng, ai nấy đều cảm phục và ngưỡng mộ: Cả huyện mới có sinh viên đầu tiên đạt danh hiệu thủ khoa .

Dự định sắp tới của cô là vừa đi làm, vừa đi học tiếp cao học để thực hiện ước mơ trở thành một giảng viên dạy Lịch sử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ