Duyên trời định
Chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông Lê Văn Tuất và bà Nguyễn Thị Mụng (đều 57 tuổi) ở thôn Đoàn Kết, xã Hưng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) để nghe kể về câu chuyện cuộc đời của vợ chồng họ.
“Khi sinh ra, vợ chồng tôi đều bình thường, năm chúng tôi lên ba, cả hai người đều bị sốt, hết sốt thì đôi chân cứ teo dần lại rồi không đi được nữa. Từ đó tôi bò bằng đầu gối, còn bà ấy thì lết khi cần đi đâu” - Ông Tuất kể.
Là con đầu trong một gia đình có 8 anh chị em, cuộc sống vất vả, phụ thuộc vào cha mẹ già và mấy đứa em mãi không được nên năm 16 tuổi ông bắt đầu tập tành đan lát.
Đôi vợ chồng ‘chồng bò vợ lết’ khiến cho rất nhiều người cảm động. Ai cũng mừng cho kết thúc có hậu của chuyện tình này. |
Trời lấy đi đôi chân nhưng lại cho ông đôi tay khéo léo. Những rổ, rá, nong, nia ông đan ra đều được người làng ưa thích nên mỗi khi cần là họ lại thay nhau đến cõng ông về nhà mình, nuôi ăn nuôi ở dăm bữa nửa tháng để ông đan lát.
Năm ông 26 tuổi, bố bà tới cõng ông về nhà để đan lát, ông đã ở đan suốt một tháng trời và tình cảm giữa hai người cũng bắt đầu nảy nở.
Bà nhớ lại: “Cả hai chúng tôi một chữ bẻ đôi cũng không biết, lại tàn tật nên thương nhau nhưng cha mẹ hai bên phản đối lịch liệt. Ai cũng bảo hai người thương nhau nhưng lấy thì lấy về thì ăn gì, rồi nếu có con thì con sẽ ra sao”.
Vượt qua tất cả, ông đã dắt bà đi trên đôi chân nhỏ, vượt qua lũy tre làng, vượt qua cả những ngăn cấm của gia đình hai họ.
Ngày đó, người dân thôn Đoàn Kết vừa thương vừa ái ngại cho hình ảnh người chồng bò trước, chị vợ lết theo sau đi ra khỏi làng.
Hai đôi chân nhỏ dắt díu nhau đi ăn xin
Nhớ lại những bước “đi” dầu tiên ông vẫn còn rùng mình, con đường làng chỉ toàn đá với sỏi đã làm cho đám da trên đầu gối ông bong tróc, máu tứa ra đau buốt. Nhưng nghĩ đến bà đang lết theo phía sau nên ông vẫn cố đi.
Hai vợ chồng ra đến đường cái, ngồi bên vệ đường để xin xe khách cho đi nhờ vào Huế.
“Hồi đó các chú xe khách tốt lắm, cứ thấy vợ chồng tôi ngồi bên đường vẫy tay là các chú lại dừng xe, xuống bế cả hai chúng tôi lên rồi cho đi nhờ, họ chưa bao giờ lấy tiền của chúng tôi” - Bà nói.
Những việc vặt trong nhà như lấy củi, nấu ăn... ông bà vẫn tự làm |
Ông bà đã bắt nhau đi khắp các chợ Đông Ba, An Cựu (Huế), Đông Hà, Hồ Xá (Quảng Trị) rồi các chợ lớn nhỏ ở Quảng Bình.
Nhớ lại những ngày đi xin ăn xin, cả ông và bà đều thấy rùng mình, ngày nắng còn đỡ, lúc mưa xuống chợ ướt lép nhép, hai đầu gối của ông không bao giờ kịp kéo da non, những vết thương nhiễm trùng đau tê tái.
Ông bà ngả tay xin ở bất cứ hàng nào đến được, cho thức ăn thì ăn, cho lương thực và ít bạc lẻ ông bà lại cất vào túi để đưa về. Buổi ngày ông bà bò lết khắp chợ, tối đến thì ngủ ở mái che của các quán.
“Về đêm, mùi rác trong chợ hôi lắm, còn muỗi thì kinh khủng, đêm nào vợ chồng tôi cũng mong trời mau sáng. Khiếp nhất là những hôm trời lạnh” - Ông kể.
Hai vợ chồng sống như thế 7 năm thì bà mang bầu, sau khi biết, ông đưa vợ về sống ở nhà ngoại rồi lại một mình đi ăn xin mong có chút tiền nuôi vợ con.
9 tháng bà mang thai là 9 tháng mất ngủ của hai vợ chồng và bố mẹ hai bên, ai cũng lo đứa bé sinh ra lại giống ba giống mẹ.
“Những người trong bệnh viện đã khóc khi chứng kiến tôi lết đi sinh con” - Bà bảo.
Ngày bà trở dạ, ông vẫn còn bò lê lết khắp chợ, thấy bà bụng bầu lết đến bệnh viện để sinh con, cả y, bác sỹ và người nhà bệnh nhân không ai cầm được nước mắt.
Vì không sinh thường được nên bà phải sinh mổ, đứa con trai khi sinh ra chỉ nặng 1,2kg, ông bà đặt tên là Lê Văn Tuấn, và may mắn cho ông bà là con bình thường.
Sinh xong bà phải nằm viện 1 tháng để điều trị và chăm sóc đứa bé, ông về bò đi bò lại chăm vợ làm nhiều người thương đứt ruột.
Một tuổi rưỡi mà con trai vẫn chưa đi được khiến ông bà như ngồi trên đống lửa, gần 2 tuổi anh con trai mới chập chững những bước đầu tiên trong cuộc đời.
Thấy con đi chập chững, ông và bà mừng phát khóc, bao nhiêu hy vọng về một cuộc sống được đứng ngang bằng với mọi người ông bà đặt cả vào con.
Đứa bé lớn lên ngoan ngoãn, ông bà cho anh học đến lớp 9 thì nghỉ ở nhà vì gia đình không có điều kiện học tiếp. Sau đó anh đã đi học sửa chữa điện gia dụng rồi về sửa tại nhà kiếm tiền nuôi suống gia đình.
Cách đây 7 năm, ông bỏ hẳn nghề ăn xin. Nhà nước cũng hỗ trợ cho ông bà tháng một ít tiền để ổn định cuộc sống. Ăn còn bữa cơm bữa cháo nhưng tình cảm ông bà giành cho nhau vẫn không hề thay đổi.
Hiện ông bà đã có cháu nội, đầu gối của ông giờ đã có da, nhà nước cũng cho ông bà một chiếc xe lăn, cứ dịp lễ tết ông lại lấy xe chở bà đi một vòng khắp xóm làng cho bà đỡ nhớ.