Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT
Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Đó cũng là lý do khiến bé có thể ngủ không đủ giấc.

Tác hại của việc thiếu ngủ

Theo các chuyên gia, để việc quay trở lại trường học dễ dàng hơn đối với trẻ, điều quan trọng là phụ huynh phải cố gắng duy trì lịch trình ngủ của con càng đều đặn càng tốt trong kỳ nghỉ lễ.

Điều đó cũng giúp trẻ tránh tình trạng ngủ không ngon giấc sau dịp Tết. Các chuyên gia đều cho rằng, trẻ ngủ không đủ giấc không chỉ ảnh hưởng tới khả năng tập trung, thành tích học tập, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ lâu dài về mặt sức khỏe.

Việc trẻ ngủ ít kết hợp với tiếp xúc nhiều với vi trùng ở môi trường xung quanh sẽ khiến bé dễ nhiễm bệnh hơn (béo phì, cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, nhịp tim không đều và bệnh tiểu đường, bệnh truyền nhiễm...).

Nguyên nhân là do giấc ngủ còn mang lại chế độ nghỉ ngơi hằng đêm mà cơ thể rất cần để nâng cao sức đề kháng, điều hòa hoạt động trao đổi chất và bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân bên ngoài.

Bên cạnh đó, giấc ngủ có liên quan mật thiết đến sự phát triển thể chất của trẻ. Trẻ em và thanh thiếu niên là những nhóm vẫn đang ở giai đoạn phát triển thùy trán và kỹ năng ra quyết định. Song, khi ngủ không đủ giấc, tình trạng thiếu ngủ trầm trọng thì thùy trán lại là cơ quan bị suy yếu nhiều nhất.

Kết quả là các chức năng tâm thần bị giảm tương tự ở người say rượu, các quá trình ra quyết định bị trì hoãn, suy giảm sự chú ý và khả năng ghi nhớ. Những trẻ ngủ ít trong thời gian dài thường có nhiều vấn đề về hành vi hơn, liều lĩnh, lo lắng hơn và dễ gặp các vấn đề về tâm trạng. Nhiều trẻ thiếu ngủ dễ gặp ác mộng, mộng du.

duy-tri-giac-ngu-deu-dan-1.jpg
Thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Ảnh minh họa: INT

Để lịch trình sinh hoạt không bị “đảo lộn”

Các chuyên gia đã chỉ ra một số phương pháp để giúp lịch trình ngủ của trẻ được duy trì nhất quán nhất có thể trong kỳ nghỉ lễ. Trước hết, cha mẹ cần duy trì giờ đi ngủ của trẻ đều đặn. Việc thỉnh thoảng thức khuya một chút để tụ họp với gia đình trong ngày Tết là điều bình thường.

Tuy nhiên, cha mẹ nên cố gắng giới hạn thời gian dao động này chỉ trong một hoặc hai giờ. Đồng thời, không nên để trẻ thức muộn quá trong một hoặc hai đêm liên tiếp. Quá nhiều ngày ngủ muộn có thể dẫn đến việc trẻ thay đổi tâm trạng và suy sụp. Đó là một trong những yếu tố khiến việc quay lại trường học trở nên khó khăn hơn.

Phụ huynh cũng cần khuyến khích con tiếp tục thực hành các thói quen đi ngủ đã thiết lập. Bất kỳ thói quen nào của trẻ trước khi đi ngủ cũng đều nên được duy trì trong thời gian nghỉ học.

Nhờ đó, giúp trẻ dễ ngủ đúng giờ hơn. Các thói quen trước khi đi ngủ gửi tín hiệu đến não rằng, đã đến lúc chuẩn bị đi ngủ. Nếu thói quen thường ngày của trẻ là tắm, sau đó đọc truyện, thì đây là điều bé vẫn nên làm vào mỗi đêm trong kỳ nghỉ.

Cha mẹ nên cho trẻ thức dậy vào cùng một thời điểm hằng ngày. Có lẽ mọi người đều mong muốn được “ngủ nướng” trong kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, việc thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày rất quan trọng để đảm bảo trẻ không bị thay đổi nhịp sinh học.

Nhịp sinh học là một loại đồng hồ bên trong, có chức năng cho cơ thể biết khi nào nên ngủ và đâu là thời điểm nên thức. Nếu cho phép con mình thức khuya vào đêm hôm trước, cha mẹ vẫn nên đánh thức trẻ vào cùng một thời điểm như mọi khi.

Đồng thời, nên cho trẻ đi ngủ sớm hơn một hoặc hai giờ vào đêm hôm sau. Nhờ vậy, giúp bù lại giấc ngủ mà trẻ bị thiếu và để bé quay lại đúng lịch trình.

Một lưu ý khác là không để thiết bị điện tử ở gần khi trẻ đi ngủ. Trẻ cần tránh xa thiết bị điện tử ít nhất là trong vòng một giờ trước khi đi ngủ. Tốt hơn nữa là nên ngừng sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ từ hai đến ba giờ.

Ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử có thể ức chế quá trình sản xuất hormone melatonin tự nhiên của cơ thể, một loại hormone gây buồn ngủ. Giảm melatonin có thể dẫn đến khó ngủ.

Đối với não bộ, khi trẻ đang xem hoặc tạo ra nội dung gì đó trên mạng xã hội, não sẽ tiết ra các hormone như norepinephrine và dopamine, gây kích thích những “trung tâm đánh thức” của não bộ, khiến trẻ càng khó đi vào giấc ngủ hơn.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng báo hiệu tuyến thượng thận tiết ra hormone adrenaline và hormone căng thẳng - cortisol, khi trẻ liên tục lướt và xem mạng xã hội. Do đó, cha mẹ hãy để con sạc các thiết bị điện tử bên ngoài phòng ngủ. Như vậy, trẻ sẽ không bị cám dỗ bởi thiết bị điện tử vào giờ ngủ.

Các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần thực tế với các kế hoạch của cả gia đình. Thông thường, nhiều phụ huynh thấy rằng, trẻ em có khả năng thích nghi. Tuy nhiên, tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, cha mẹ có thể cần phải xem xét lại thời gian tổ chức tiệc hoặc buổi gặp mặt của gia đình.

Nhờ đó, giúp trẻ duy trì sức khỏe tốt trong ngày lễ. Yếu tố quan trọng khác là dành thời gian để trẻ thư giãn. Sự kích thích của các hoạt động ngày lễ có thể khiến trẻ em trở nên căng thẳng. Điều đó khiến trẻ khó ngủ hơn bình thường.

Thay vì cho phép con chơi đồ chơi mới của chúng cho đến phút cuối cùng trước khi đến giờ thực hiện thói quen đi ngủ, hãy cân nhắc dành thêm vài phút để trẻ thư giãn. Trẻ có thể cất đồ chơi đi, giảm độ sáng của đèn và dần dần trở lại với thói quen thường ngày.

Mặc dù vậy, đôi khi, bất chấp mọi nỗ lực của phụ huynh, trẻ vẫn bị gián đoạn giấc ngủ trong kỳ nghỉ lễ. Nếu đây là trường hợp mà các cha mẹ gặp phải, thì ba hoặc bốn ngày trước khi trẻ đi học trở lại, hãy điều chỉnh thời gian ngủ của con từ 15 - 30 phút mỗi đêm (tùy thuộc vào lượng thời gian bị mất). Đồng thời, để trẻ thức dậy vào giờ học bình thường cho đến khi trẻ quen với nhịp sinh hoạt trong ngày thường.

Theo một nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị và Triển lãm quốc gia năm 2019 của Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) ở New Orleans, việc thiếu ngủ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Dữ liệu nghiên cứu chỉ ra rằng, trong nhóm trẻ em cùng lứa tuổi, những trẻ ngủ đủ giấc sẽ có khả năng tò mò, tiếp nhận thông tin và kỹ năng mới cao hơn. Những trẻ này cũng có khả năng hoàn thành bài tập về nhà cao hơn và thể hiện sự quan tâm đến việc học ở trường cao hơn.

Theo Valley Sleep Center

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ