Hành động nhỏ này giúp trẻ có giấc ngủ sâu

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, phụ huynh nên để trẻ có thói quen ngủ trong bóng tối hoàn toàn, nhờ đó tạo cho trẻ môi trường phát triển toàn diện, lý tưởng.

Phụ huynh có thể cùng trẻ thực hiện một số hoạt động trước khi ngủ. Ảnh: INT.
Phụ huynh có thể cùng trẻ thực hiện một số hoạt động trước khi ngủ. Ảnh: INT.

Giúp trẻ thả lỏng tâm trí

Khi chia sẻ về cảm xúc của bản thân xung quanh giờ đi ngủ, đôi khi, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể cảm thấy thất vọng. Thực tế, với nhiều cha mẹ, việc khiến trẻ em thư giãn vào cuối ngày và đi ngủ không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Một nữ phụ huynh tại Mỹ từng chia sẻ, gia đình chị đã thực hiện một thói quen buổi tối mới có tên là “giờ tắt điện”. Điều đó mang lại rất nhiều lợi ích cho cô con gái 7 tuổi của phụ huynh này.

Nói một cách ngắn gọn, đây là khoảng thời gian trước khi đi ngủ để cả gia đình cùng nhau thực hiện những hoạt động thư giãn. Khi bữa tối kết thúc, mọi người đã tắm rửa và mặc đồ ngủ, cả gia đình có thể quay lại phòng ăn để tham gia trò chơi và nghe một chương trong cuốn sách yêu thích. Thói quen này có thể tác động tích cực đến cả giấc ngủ và hành vi của trẻ.

“Giờ tắt điện” được phát minh bởi Michael Breus, một nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về giấc ngủ lâm sàng, người giúp mọi người có được giấc ngủ ngon hơn vào ban đêm.

Theo chuyên gia, quá trình này bắt đầu bằng việc thay đổi cách chúng ta nghĩ về việc chìm vào giấc ngủ ngay từ đầu. Mặc dù hầu hết chúng ta đều ghen tị với những người nói rằng họ ngủ thiếp đi ngay khi đầu chạm vào gối, nhưng đối với nhiều người, việc chìm vào giấc ngủ là một quá trình dài.

Ông viết: “Nó giống như việc từ từ nhấc chân khỏi bàn đạp ga và từ từ đạp phanh vậy”.

Ông Breus nói rằng, có một số điều quan trọng có thể làm để giúp bản thân chậm lại và sau đó dừng lại khi đạp phanh. Hãy bắt đầu bằng cách tạo cho mình một môi trường ngủ tốt.

Hầu hết ai cũng muốn phòng ngủ và giường của mình là một không gian tuyệt vời. Vì vậy, hãy dọn dẹp đồ đạc và tắt tất cả thiết bị điện cũng như điện tử. Sau đó, khiến căn phòng tối nhất có thể. Duy trì nhiệt độ căn phòng mát mẻ cũng là yếu tố giúp mọi người ngủ ngon hơn.

Chuyên gia này cũng khuyên mọi người đặt “báo thức trước khi đi ngủ” để nhắc nhở bản thân rằng, đã đến giờ đi ngủ. “Nếu chúng ta đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, điều đó sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn trong việc giúp bạn dễ dàng có được giấc ngủ cần thiết”, ông viết. Một nghiên cứu của Harvard cũng cho thấy kết quả tương tự.

Đối với trẻ em, “giờ tắt điện” cũng được áp dụng theo cách tương tự. Bà Lauren Collins, chuyên gia tư vấn về giấc ngủ nhi khoa được chứng nhận tại Sleep Wise Consulting cho biết: “Trong thời gian tắt điện, chúng tôi muốn khuyến khích trẻ em ‘nghỉ ngơi’. Điều đó có nghĩa là trẻ bắt đầu thả lỏng tâm trí và cơ thể khi chuẩn bị đi ngủ.

Tính nhất quán của thói quen này cho phép cơ thể mong đợi giấc ngủ sắp đến. Đồng thời, giúp đạt được trạng thái nghỉ ngơi lý tưởng. Điều đó không chỉ cải thiện cách trẻ đi vào giấc ngủ, mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ nói chung”.

tat-dien-som-chia-khoa-giup-tre-co-giac-ngu-sau-1-5766-5677.jpeg
Trẻ có xu hướng dễ ngủ và chìm vào giấc nhanh hơn khi tắt hết thiết bị điện. Ảnh: INT.

“Chúng tôi bắt đầu thói quen này vào khoảng thời gian kỳ nghỉ hè sắp kết thúc và con gái tôi sắp trở lại trường. Giấc ngủ trở nên hơi bất ổn trong suốt mùa Hè, giữa những chuyến đi, buổi sáng lười biếng và giờ đi ngủ chính thức khá muộn. Sau khi chúng tôi bắt đầu thực hiện giờ tắt điện liên tục, tôi nhận thấy đèn của con gái tôi tắt vào thời điểm hợp lý hơn. Nhờ vậy, tôi không phải kéo con ra khỏi giường vào buổi sáng”, một nữ phụ huynh cho biết.

Theo chuyên gia Collins, điều này hoàn toàn hợp lý. Bà cho biết, bằng cách tham gia các hoạt động thúc đẩy nghỉ ngơi và thư giãn, trẻ có thể vượt qua được sự căng thẳng - yếu tố khiến giờ đi ngủ trở nên khó khăn. Điều này cũng có lợi vì nó giúp não bộ chuyển sang trạng thái thư giãn bằng cách gửi tín hiệu đến cơ thể rằng, đã đến lúc nghỉ ngơi.

Việc trẻ có thể ngủ ngon luôn là điều đáng mừng đối với cha mẹ. Ngoài ra, điều đó còn tốt cho sức khoẻ của trẻ. Trẻ em trong độ tuổi đi học cần ngủ từ 9 đến 12 tiếng vào ban đêm.

“Trẻ em có giấc ngủ chất lượng sẽ tỉnh táo hơn vào ban ngày. Khi đó, các bé sẵn sàng học hỏi hơn và có khả năng chú ý tốt hơn”, Tiến sĩ Y khoa Pierrette Mimi Poinsett - bác sĩ nhi khoa và cố vấn của Mom Loves Best cho biết.

Các chuyên gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giấc ngủ. Việc không ngủ đủ giấc có thể dẫn đến nhiều vấn đề, bao gồm mệt mỏi vào ban ngày, cáu kỉnh, hiếu động thái quá và thay đổi tâm trạng. Thiếu ngủ mãn tính thậm chí có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề như béo phì, những vấn đề về sức khỏe tâm thần và chấn thương thường xuyên.

Đặc biệt, với trẻ sơ sinh, các bé không nhận thức được đâu là ngày hay đêm. Vì vậy, việc giúp bé phân biệt hai khái niệm này là cực kỳ quan trọng để hình thành cho trẻ một nếp ngủ ngoan, đều đặn. Bật đèn ngủ trong phòng của trẻ khiến bé không thể nhận ra sự khác biệt rõ ràng giữa ban ngày và đêm. Khả năng phụ huynh bị đánh thức thường xuyên bởi bé đang ngủ lại bật dậy quấy khóc là rất cao.

Do đó, khi bé ngủ vào ban đêm, cần hạn chế hết mức có thể các loại ánh sáng và tiếng ồn. Trong khi ban ngày thì lại cần kích thích trẻ bằng ánh sáng và nhiều hoạt động để trẻ nhận thức được, lúc nào là giờ đi ngủ, lúc nào không phải. Điều này vừa giúp trẻ ngủ tốt, ngủ sâu mà cha mẹ cũng sẽ không phải thức giấc vào giữa đêm.

tat-dien-som-chia-khoa-giup-tre-co-giac-ngu-sau-1-7607-9493.jpg
Giấc ngủ sâu giúp trẻ tràn đầy năng lượng cho ngày mới.

Lợi ích của “giờ tắt điện”

“Giờ tắt điện” được khuyến nghị sẽ giúp trẻ ngủ sớm và có chất lượng giấc ngủ tốt hơn. Các chuyên gia nhận định, bên cạnh đó, còn có một số lợi ích khác khi thực hiện thói quen này tại nhà.

Thời gian gắn kết gia đình

Khi bắt đầu tắt điện, thói quen đi ngủ có thể trở thành thời gian các thành viên kể chuyện với nhau. Sau đó, cha mẹ có thể hát ru cho con nghe.

Thực tế, khi trẻ lớn hơn, thời gian chất lượng trong ngày mà cha mẹ dành cho con cũng ít hơn nhiều. Bởi, trẻ thường ở trường, tham gia các hoạt động hoặc chơi ở công viên với bạn bè. Do đó, điều quan trọng là phụ huynh cần dành thời gian tập trung cho con, ngay cả khi bé vui vẻ và tham gia vào các hoạt động khác.

Thực tế, trẻ vẫn cần thư giãn sau những hoạt động trong ngày bằng thời gian gắn kết gia đình.

Hành vi tốt hơn

Việc duy trì thói quen tắt điện sớm trước giờ đi ngủ cũng có thể tác động tích cực đến tâm trạng và hành vi tổng thể của trẻ. Trẻ có thể trở nên dễ chịu hơn vào ban ngày và ứng phó tốt hơn trước những sự bực bội nhỏ. Một nguyên nhân chính là do trẻ ngủ ngon hơn và có nhiều thời gian chất lượng hơn với gia đình.

Các phụ huynh sẽ biết rằng con mình đang có giấc ngủ tốt nếu trẻ dễ dàng thức dậy vào buổi sáng, tràn đầy năng lượng sẵn sàng cho ngày mới. Nếu không, hãy dành thời gian để trẻ “sạc lại năng lượng” vào mỗi buổi tối.

Tiến sĩ Poinsett cho biết: “Nếu bạn nhận thấy con buồn ngủ hoặc cáu kỉnh bất cứ lúc nào trong ngày, có thể là trẻ đã không được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, hãy cân nhắc đến tình trạng thiếu ngủ nếu trẻ phàn nàn về chứng đau đầu hoặc có các triệu chứng giống ADHD ở trường, chẳng hạn như tăng động hoặc kém chú ý”.

“Giờ tắt điện” cũng được coi là lý tưởng nhất đối với trẻ em trong độ tuổi đi học. Bởi, đây là lứa tuổi thực sự cần được thư giãn sau một ngày học tập căng thẳng.

Chuyên gia Collins cho biết: “Khi trẻ đã đến trường, điều quan trọng là các em phải có được giấc ngủ phục hồi nhất để có thể học tốt hơn, có năng lượng để vui chơi và giao lưu và đơn giản là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình”.

Nếu muốn bắt đầu “giờ tắt điện” tại nhà, phụ huynh có thể bắt đầu bằng cách dành ra một khoảng thời gian nhất quán mỗi ngày cho hoạt động này. Cách làm này có thể đòi hỏi cha mẹ phải lên một số kế hoạch, tính thời gian đi ngủ của trẻ và sau đó sắp xếp giờ ăn tối cũng như vệ sinh hợp lý.

Tiếp theo, phụ huynh có thể chọn một số hoạt động nhẹ nhàng như đọc sách. Cha mẹ và trẻ cũng có thể cùng tham gia các trò chơi khác, như cờ, domino. Tuy nhiên, trẻ cần lưu ý không sử dụng các thiết bị điện tử. Sau đó, yêu cầu trẻ tắt tất cả thiết bị điện trong phòng và sẵn sàng cho giấc ngủ.

“Màn hình phát ra ánh sáng xanh có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất melatonin của cơ thể. Đây là một loại hormone gây buồn ngủ”, Tiến sĩ Poinsett cho biết.

Theo các chuyên gia, tính nhất quán rất quan trọng khi nói đến giờ tắt màn hình. Nó sẽ không có tác dụng tương tự nếu cha mẹ chỉ yêu cầu trẻ thực hiện đúng nguyên tắc vào một số ngày. Nếu cha mẹ quá bận rộn và không có đủ thời gian, hãy thử thực hiện phiên bản rút gọn.

Chuyên gia Collins gợi ý, trong trường hợp đó, phụ huynh vẫn cần giới hạn thời gian xem màn hình của trẻ và yêu cầu con tắt hoàn toàn thiết bị điện trước khi đi ngủ. Sau đó, duy trì thói quen đi ngủ đơn giản mà trẻ cảm thấy quen thuộc.

Theo Parents; Inc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.