Vì tự ái mà vào đại học
Sinh ra và lớn lên ở Bảo Thắng (Lào Cai), gia đình Nông Thị Kể thuộc hộ cận nghèo. Khi Kể học lớp 12 cũng là lúc em trai nghỉ học, mưu sinh kiếm sống. Nghĩ đến đó, Nông Thị Kể không còn ước mơ vào đại học nữa. Đối với cô, giảng đường quá xa vời khi nghĩ đến đủ thứ lo toan. Cũng năm học lớp 12, Kể không đăng ký nguyện vọng vào trường ĐH nào.
Biết lực học của học trò, cô giáo chủ nhiệm khuyên em đăng ký nguyện vọng để nộp hồ sơ. Thế nhưng Kể nhất định không chịu đăng ký thi ĐH. Cô gái trẻ chỉ mong tốt nghiệp phổ thông sẽ đi làm kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ và trang trải cuộc sống. Cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện học tiếp, hình ảnh bố mẹ vất vả làm nương, hái chè quanh năm mà không đủ sống, Kể chỉ muốn đi làm ngay.
Biết được hoàn cảnh của Nông Thị Kể, thầy cô giáo bộ môn đều tiếc nuối khi em không học tiếp. Chính thầy giáo dạy môn Vật lý đã “dùng chiêu” đánh vào tâm lý của trò, thầy nói: “Em tiếc ba mươi nghìn đồng nộp hồ sơ à?”. Bởi lúc đó, đăng ký nguyện vọng, mỗi thí sinh phải đóng thêm ba mươi nghìn đồng. Giận thầy vì không hiểu chuyện, lại tự ái cao nên Kể đã cầm bút viết liền 4 nguyện vọng vào đại học. Sau này, Kể mới biết, nhờ có câu nói của thầy năm xưa mà mình đã không bỏ lỡ cơ hội mở ra cánh cửa của tương lai.
Thi đạt 25 điểm, sát nút điểm chuẩn vào Trường Đại học Ngoại thương, Kể liền chuyển nguyện vọng vào Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai để học tập. Cho đến giờ, Kể thấy thật hối hận nếu không đi học tiếp, thực sự may mắn khi được các thầy cô giáo động viên, khích lệ.
Ứng cử viên giao lưu quốc tế
Nông Thị Kể trong chuyến đi Thái lan. Ảnh do NVCC |
Xác định sẽ khó khăn khi phải lo chuyện cơm áo, nhưng Kể luôn nghiêm túc trong học tập. Cô SV dân tộc Tày đã ẵm học bổng của trường trong nhiều kỳ học. Kể chia sẻ: “Nghĩ đến em trai phải nghỉ học để mưu sinh, em thương lắm. Chính em ấy là động lực để em học tiếp. Em muốn học chăm chỉ hơn nữa, cố gắng hơn nữa để học cả phần của em trai bị thiệt thòi”.
Từ năm học đầu tiên đến giờ, Nông Thị Kể đã tự nuôi sống bản thân, bố mẹ không phải lo tiền học, cũng không phải gửi rau gạo từ quê lên cho con gái. Biết được lợi thế của địa phương là gần Trung Quốc, khách du lịch đông nên Kể vừa học trên lớp, vừa học thêm tiếng Trung.
Khi đọc thông viết thạo, Kể mạnh dạn đi làm thêm. Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, Nông Thị Kể thường xuyên dẫn khách du lịch, giới thiệu nhiều thắng cảnh ở Việt Nam. Công việc này còn giúp ích cho Kể khi cô đang là sinh viên Khoa Kinh tế Du lịch. Tranh thủ mỗi chuyến đi, cô gái Tày ấy lại lấy thêm hàng mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện điện thoại… để kinh doanh thêm.
Nhờ giao tiếp tiếng Trung và tiếng Anh thành thạo, cộng với kết quả học tập cao, Nông Thị Kể được nhà trường chọn tham gia chương trình “Giao lưu thanh niên Việt – Thái” ở Thái Lan.
Có lẽ, đó cũng chính là dấu ấn không thể quên được với cô gái Tày. Kể được tìm hiểu thêm kiến thức về văn hóa người Thái Lan, quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ ở Đông Dương, gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Giáo dục Thái Lan, giao lưu với cộng đồng người Việt ở bên đó. Và quan trọng nhất với cô, đó chính là phương pháp làm việc nhóm, Kể nói: “Em được ghép chung với 9 bạn khác trong đoàn Hà Nội và cô phụ trách đoàn thì vô cùng dễ thương. Em không chỉ được giao lưu mà đã học hỏi và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho bản thân, từ những điều nhỏ nhất. Với sinh viên miền núi, đây thực sự là một cơ hội quý báu không phải ai cũng có được”.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai - nhận xét: Nông Thị Kể là một sinh viên ưu tú của nhà trường. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Kể rất chăm chỉ học tập và có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Mỗi một công việc giao cho Kể, thầy cô đều cảm thấy yên tâm bởi tinh thần trách nhiệm cao. Vượt qua nhiều sinh viên khác, Kể được nhà trường chọn đi tham gia giao lưu chương trình trao đổi thanh niên Việt – Thái, và em đã làm tròn nhiệm vụ “ngoại giao” của mình, mang về niềm tự hào cho thầy trò nhà trường”.