Súng thần công thành Điện Hải - xứng danh quốc bảo

GD&TĐ - Bộ sưu tập súng thần công đặt trong thành Điện Hải, nay là nơi tọa lạc Bảo tàng Đà Nẵng (24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Tp Đà Nẵng), là những khẩu súng gắn liền với thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.   

Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải, được đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia
Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải, được đề nghị công nhận là Bảo vật quốc gia

Cùng với quyết tâm của triều đình nhà Nguyễn và tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân ta, các khẩu súng thần công đã đóng góp rất lớn, chặn đứng cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha vào vịnh Đà Nẵng các năm 1858 - 1860, làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của quân giặc ngoại xâm.

Bảo vật hơn 200 năm tuổi

Thời gian vừa qua, UBND Tp Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải, hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng là Bảo vật quốc gia. Bộ sưu tập gồm 11 khẩu súng thần công thành Điện Hải, chất liệu bằng gang, được đúc và sử dụng trong khoảng đầu thời Nguyễn, giai đoạn 1802 – 1860 là hiện vật gốc, độc bản, có hình thức độc đáo, gắn liền với Di tích lịch sử cấp quốc gia thành Điện Hải.

Sự kiện xảy ra cách đây 160 năm, vào ngày 1/9/1858, tiếng súng đại bác trên 16 chiến hạm của đội quân viễn chinh phương Tây, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ rền vang trên cửa biển Đà Nẵng, mở màn cuộc chiến tranh thực dân xâm lược và đô hộ Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc 1858 - 1860, chính sự sắp xếp của lịch sử đã đặt trên vai người Đà Nẵng, cùng cả nước gánh vác trách nhiệm nổ tiếng súng đầu tiên đánh Pháp.

Dưới sự chỉ huy lần lượt của các danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý… đặc biệt danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) đã phối hợp nhân dân Đà Nẵng, các vùng lân cận và quan quân triều đình cùng các khẩu súng thần công yểm trợ đã cầm chân được quân thù, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của liên quân Pháp – Tây Ban Nha.

Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải đã phải trải qua một khoảng thời gian dài nằm ẩn mình trong lòng đất vì khói lửa chiến tranh. Chúng tôi tìm hiểu tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng, liên quan đến các khẩu súng thần công, được Bảo tàng ghi lại từng mốc thời gian rất cụ thể, để đưa những cây súng thần công trở về với vị trí lịch sử ban đầu thành Điện Hải… ngày 12/4/2007 trong lúc thi công nâng cấp, tôn tạo di tích lịch sử thành Điện Hải, khẩu thần công có chiều dài 2,7m, đường kính nòng ngoài rộng 23cm và phần đáy rộng 42cm đã lộ diện dưới lòng đất sâu.

Hơn một năm sau đó, ngày 30/7/2008, khi đang san lấp mặt bằng, để xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng, đơn vị cơ giới lại phát hiện ngay giữa lòng di tích khẩu thần công có chiều dài 1,4m, đường kính nòng rộng 24cm và đường kính đáy rộng 34cm.

Chín khẩu thần công khác cũng được tìm thấy trong quá trình tu bổ, tôn tạo, thi công nâng cấp thành Điện Hải và vùng lân cận vào các năm 1975, 1991, 1993, 2005, 2007.

Tượng Danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) trong khuôn viên thành Điện Hải – Bảo tàng Đà Nẵng
Tượng Danh tướng Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873) trong khuôn viên thành Điện Hải – Bảo tàng Đà Nẵng

Những hiện vật vô giá

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Bộ sưu tập súng thần công hiện đang lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng là những hiện vật nguyên gốc, là các cỗ thần công được triều Nguyễn đúc và cấp phát, bổ sung cho hệ thống phòng thủ tại Đà Nẵng từ năm 1823 – 1847. Những khẩu súng thần công này là nỗi khiếp sợ của liên quân Pháp – Tây Ban Nha khi tiến vào vịnh Đà Nẵng, hòng thực hiện chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh vào năm 1858…”.

“Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải của Bảo tàng Đà Nẵng là những hiện vật mang giá trị lịch sử tiêu biểu, gắn liền với di tích thành Điện Hải, một trong những pháo đài cổ có vị trí quan trọng hàng đầu ở Việt Nam vào thế kỷ XIX. Bên cạnh đó Bộ sưu tập có ý nghĩa cực kỳ to lớn đối với lịch sử Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung, gắn liền với những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng thời là những khẩu thần công đã trực tiếp tham gia chiến đấu và góp phần vào thắng lợi của quân và dân Đà Nẵng chống lại đội quân xâm lược Pháp – Tây Ban Nha. Vì vậy, Bộ sưu tập súng thần công xứng đáng đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét công nhận là Bảo vật quốc gia, để Bảo tàng Đà Nẵng phát huy truyền thống những giá trị lịch sử, trong việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc…” – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết thêm.

  • Thành Điện Hải đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 16/11/1988 và được gắn bia di tích ngày 25/8/1998…Đặc biệt sự kiện gần đây nhất, là vào ngày 25/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhận thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt. Rõ ràng, cho đến thời điểm này, đây là Di tích quốc gia đặc biệt duy nhất tại Thành phố Đà Nẵng được công nhận. Như vậy, bộ sưu tập súng thần công đặt trong thành Điện Hải cũng xứng đáng để được công nhận Bảo vật quốc gia... 

Ngày 10/2/2017, Bảo tàng Đà Nẵng đã tiếp nhận 2 khẩu súng thần công từ Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (VTV8). Hai khẩu thần công này, gồm một khẩu to có chiều dài 2,2m, khẩu nhỏ có chiều dài 1,4m. Điều đáng chú ý, khẩu thần công nhỏ còn có cả viên đạn bên trong nòng. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, anh Quốc Thiện thông tin: “Hai khẩu thần công này nằm trong khuôn viên của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng lâu nay, sau khi phát hiện, đơn vị đã có công văn đề nghị VTV8 chuyển giao để Bảo tàng bảo quản tốt hơn. Hai khẩu súng này là một trong nhiều khẩu thần công mà triều đình nhà Nguyễn trang bị, cho các hệ thống phòng thủ tại Đà Nẵng, để chống lại liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng trong cuộc chiến Mậu Ngọ 1858 – 1860...”. Như vậy cộng thêm 2 khẩu súng này, hiện nay Bảo tàng Đà Nẵng đã bảo quản 13 khẩu súng thần công đủ kích cỡ. Đây là những hiện vật vô cùng giá trị, minh chứng cho buổi đầu chống Pháp của nhân dân Việt Nam.

Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải là “vật chứng”, nối quá khứ, hiện tại và tương lai, được đặt trang trọng ở Bảo tàng Đà Nẵng, mà tổ tiên ta đánh giặc ngoại xâm, gìn giữ bờ cõi là minh chứng cho bao thế hệ hôm nay và cả mai sau về một thời hào hùng của dân tộc Việt Nam. Qua đó giáo dục truyền thống lòng yêu nước, tự tôn dân tộc và Bộ sưu tập súng thần công thành Điện Hải, xứng danh Bảo vật quốc gia.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.