Tròn một năm kể từ khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, nền kinh tế Nga đã hứng chịu liên tiếp hàng nghìn lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng vẫn đứng vững khi chỉ suy giảm 2,1%.
Cơ quan thống kê Nga vừa công bố số liệu tăng trưởng nền kinh tế nước này năm 2022 giảm 2,1%, thấp hơn nhiều so với dự đoán trước đó là ít nhất 12%. Giá dầu neo cao trong năm qua cộng với chi tiêu quân sự lớn là hai trụ cột giúp nền kinh tế Nga đứng vững trước bão trừng phạt chưa từng có.
Ngay sau khi chiến sự nổ ra ngày 24/2/2022, hàng trăm công ty phương Tây ồ ạt rút khỏi Nga, gây ra cú sốc khiến thị trường chứng khoán Nga phải đóng cửa tạm thời, đồng tiền nội tệ Ruble sụt giảm mạnh.
Thời điểm đó Viện Tài chính quốc tế (IIF) dự báo kinh tế Nga sẽ sụt giảm tới 15% trong năm 2022, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định kinh tế Nga sẽ giảm đến 50%.
Ngân hàng Thế giới vào tháng 4/2022 dự báo kinh tế Nga giảm nhẹ hơn ở mức 11,2%, do phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất từng được áp đặt. Nhưng trái với bức tranh dự báo u ám của phương Tây, trong phần lớn thời gian của năm 2022 nền kinh tế Nga vẫn vững vàng do tiếp tục xuất khẩu được năng lượng.
Nga đối phó với các lệnh cấm vận của phương Tây về năng lượng bằng cách tìm nguồn mua ổn định thay thế từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác. Cùng với dầu, khí đốt, các mặt hàng xuất khẩu khác như thực phẩm và phân bón cũng góp phần giúp tăng doanh thu xuất khẩu của Nga giữa bối cảnh hàng nghìn lệnh trừng phạt bủa vây.
Một yếu tố khác giúp nền kinh tế Nga không bị sụp đổ là việc các doanh nghiệp địa phương đã nắm bắt cơ hội sau khi hàng trăm công ty phương Tây rút khỏi Nga. Ví dụ chuỗi bán đồ ăn nhanh McDonald's tại Nga khi bán cửa hàng để rời đi đã lập tức có doanh nghiệp Nga mua lại và đổi tên. Chuỗi cửa hàng này sau đó vẫn hoạt động hiệu quả như không có biến động nào xảy ra.
Các nhà máy của Nga cũng bận rộn hơn so với trước khi đảm nhận sản xuất các loại thiết bị cho lực lượng vũ trang, phục vụ chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Các nhà máy này qua đó đã thúc đẩy nền kinh tế bằng cách chế tạo vũ khí thay vì ô tô hay đồ phục vụ dân sự như trước. Do đó, lĩnh vực quốc phòng đã trở thành một trong những trụ đỡ cho nền kinh tế Nga trong năm qua, xoa dịu sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp của Nga.
Nỗ lực cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây cũng không đạt được mục tiêu, khi các thương nhân Nga đã tìm mọi cách đưa tiền vào và ra khỏi nước này thông qua trao đổi hàng hóa, giao dịch với các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt hoặc thậm chí sử dụng tiền điện tử.
Tuy nhiên, việc nền kinh tế Nga đứng vững không có nghĩa nước này không chịu ảnh hưởng. Các lệnh trừng phạt của phương Tây được dự báo gây ra tác động lâu dài.
Ví dụ khó khăn trong nhập khẩu công nghệ cao như vi mạch sẽ kìm hãm hoạt động sản xuất của Nga. Đặc biệt, sản lượng từ các mỏ dầu khí được dự báo sẽ giảm dần theo thời gian nếu không có đầu tư và thiết bị từ phương Tây.
Do đó, các chuyên gia quốc tế dự báo khó khăn thực sự đối với nền kinh tế Nga sẽ đến trong năm 2023. Nền kinh tế Nga nhiều khả năng sẽ không sụp đổ nhưng sẽ bị thu hẹp lại.
Trong năm nay, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Nga giảm 3%, còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán mức giảm 6%.