Đừng vì lợi trước mắt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Tháng 4/2022, 41 lao động thuộc diện khó khăn nhất của Quảng Bình được tuyển dụng đi làm việc thời vụ nông nghiệp tại thành phố Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc.

Tuy nhiên không lâu sau đó, 4 người đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Việc này, theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh trong hợp tác quốc tế với thành phố Yeongju và rất có thể thành phố sẽ dừng không tiếp nhận thêm lao động của tỉnh.

Đây chỉ là một trong số nhiều ví dụ về tình trạng lao động bỏ trốn, thậm chí có thời điểm đã ở mức báo động, thể hiện rõ nhất qua việc hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Hải Dương, Nghệ An và Thanh Hóa.

Điều đáng nói là việc này đã có “tiền lệ”. Cụ thể, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước dẫn chứng: Giai đoạn 2016 - 2017, có 20 tỉnh và khoảng 40 - 50 huyện bị tạm dừng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Sau quá trình đàm phán và đưa ra các giải pháp mạnh, từ năm 2013 trở lại đây, Hàn Quốc đã bắt đầu tiếp nhận lao động trở lại. Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã hợp tác, đưa ra các giải pháp giảm tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Qua đó, số huyện bị tạm dừng giảm từ 20 huyện năm 2018 xuống còn 8 vào năm 2022.

Thực tế, rất nhiều lao động phá bỏ hợp đồng hoặc khi kết thúc hợp đồng đã không về nước mà cư trú bất hợp pháp dẫn đến việc nước sở tại phải tạm dừng tiếp nhận. Lý do dẫn đến tình trạng này đa phần vì lợi ích cá nhân.

Hành động của những lao động này ngoài việc vô tình tước đi cơ hội của những người muốn đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc còn đối diện với việc sẽ không được bảo vệ bởi cơ quan pháp luật khi có các vấn đề xảy ra - đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh.

Lý do nữa dẫn đến tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi đi làm việc ở nước ngoài là do trình độ nhận thức, tác phong lao động yếu. Lao động không nhận thức được sự nguy hiểm, tác hại của việc bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp với lợi ích của bản thân, gia đình và xã hội.

Cần nhắc lại rằng, cách đây 2 năm, khi thảo luận về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đã có nhiều câu hỏi được các đại biểu Quốc hội đặt ra.

Đó là phải chăng người lao động bỏ trốn ra ngoài lao động hoặc ở lại lao động trái phép vì chưa có chế tài xử lý đủ sức răn đe? Nếu vì lý do này thì tại sao dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (sửa đổi) lần này lại không quy định đây là hành vi bị cấm?

Có phải do thông tin của doanh nghiệp cung cấp cho người lao động về thị trường, yêu cầu công việc không trung thực, thiếu rõ ràng, thậm chí lừa gạt nên bất đắc dĩ lao động buộc phải trốn ra ngoài để tìm kiếm cơ hội tốt hơn? Nếu vì lý do này thì doanh nghiệp sẽ bị xử lý như thế nào?

Lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc hoặc cư trú bất hợp pháp là câu chuyện không mới. Thế nhưng để ngăn chặn triệt để, ngoài các giải pháp, sự quyết liệt của các cơ quan chức năng, cái chính như chia sẻ của một lao động là tôi mong các anh chị em đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài về sau của chính mình, của con em, gia đình mình; ảnh hưởng đến hình ảnh của lao động Việt Nam trong mắt chính quyền nước bạn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ