(GD&TĐ) - Sáng 22 tháng 6, khi phát thanh viên của chương trình thời sự VTV 1 điểm báo có đề cập đến một bài viết trên báo Nông thôn với tiêu đề: “Có nên bỏ kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông”, trong đó có đưa ra nguyên nhân: “có địa phương tỷ lệ tốt nghiệp cao chót vót”. Lời nói nêu trên lại khơi trúng nỗi niềm băn khoăn chưa rõ tên gọi của tôi từ mấy hôm nay, sau khi đi thực tế nắm bắt kết quả thi tốt nghiệp ở một số địa phương.
Niềm vui sau một môn thi tốt nghiệp PTTH |
Thông tin đầu tiên về kết quả tốt nghiệp phổ thông 2011 tại Đà Nẵng đến với tôi không phải từ một đơn vị giáo dục, mà cũng lại rất tình cờ từ một người dân lao động. Một buổi chiều, trên bãi Phạm Văn Đồng thành phố Đà Nẵng, bỗng nghe tiếp hò reo của một người đàn ông trung niên gầy guộc, mặt mày đen đúa: “Đậu rồ..ồ…i… Con bé My nhà mình đậu rồi…” và anh cất chiếc điện thoại vào túi quần để chuẩn bị ra về.
Tôi vội đến gặp anh để hỏi chuyện. Anh cho biết, sở dĩ vui một cách thái quá như vậy là vì kết quả 42 điểm đậu tốt nghiệp của con anh “bõ công vất vả bấy lâu”. Đó là anh Nguyễn Văn Bình, nhà ở số K66/51 đường Lê Hữu Trác. Từ hơn 2 năm nay anh phải điều trị căn bệnh ung thư vòm họng, vợ buôn bán ngoài chợ nuôi 4 miệng ăn. Nhưng điều mà anh lo nhất vẫn là sao cho đứa con gái thứ hai đậu được tốt nghiệp phổ thông.
Anh tâm sự: “Trước ngày thi nó bảo với chúng tôi rằng: bố mẹ đừng lo, các thầy cô ở trường đã cho chúng con ôn luyện rất kỹ rồi; thi thử ở trường con cũng đã đậu loại khá rồi, vậy mà khi nghe tin nó đậu tôi vẫn vui mừng. Nguyên do là cách đây 4 năm, con trai đầu của chúng tôi cũng đi thi tốt nghiệp hết cấp 3 nhưng lại không đậu, một phần do vợ chồng tôi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, mải làm ăn, ít để mắt đến con cái, một phần do cháu chủ quan, lười học nên mất kiến thức cơ bản từ những năm trước. Tôi phải cho cháu ôn luyện lại để dự thi tới lần thứ hai mà vẫn không thể nào tốt nghiệp được; cuối cùng thì cháu phải xin vào học trung cấp, vừa học vừa làm. Sự thất bại của con trai tôi là bài học cho em gái nó. Mấy năm vừa rồi, gia đình tôi luôn quan tâm, nhắc nhở việc học của con. Dù chỉ là những người dân nghèo khó, chúng tôi cũng hiểu rằng, thời buổi bây giờ làm gì mà không có văn hóa thì cũng khó mà làm được. Tôi vô cùng biết ơn các thầy cô giáo ở nhà trường đã tận tình dạy dỗ ôn luyện cho cháu”.
Với tâm sự rất đỗi chân thành của bậc phụ huynh kể trên, ai dám phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay là không thực chất? Những ngày qua, tiếp xúc với hầu hết CBQL và GV ở nhiều địa phương, chúng tôi đều nhận được những ý kiến bất đồng về quan điểm nêu lên của một vài tờ báo có tình trạng “ăn theo”, nghĩa là, tờ báo này nói về những con số tỷ lệ cao nào là “đáng nghi ngờ, nào là “quay về bệnh hình thức”, hay là “kỳ thi tốt nghiệp không còn quan trọng”, thì tờ khác cũng “na ná” như vậy.
Tôi còn nhớ rõ cảm xúc của mình khi nghe ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng bộc bạch nỗi niềm của người trong cuộc: “Kỷ luật phòng thi được đảm bảo, giám thị coi thi nghiêm nhưng không tạo sự căng thẳng cho thí sinh và rất khó để trao đổi bài – đó là những nhận xét của thí sinh tại Đà Nẵng sau các buổi thi mà chúng tôi đọc được trên báo chí. Vậy mà nay khi nghe kết quả tốt nghiệp cao, một số tờ báo lại nói khác và có khi dùng những từ ngữ thái quá. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp năm nay có cao hơn năm trước nhưng không đáng kể.
Ở Đà Nẵng, từ hơn 3 năm qua, Chỉ thị 24 của Thành ủy Đà Nẵng đã tác động đến mọi lực lượng xã hội và toàn dân về sự nỗ lực chống tình trạng bỏ học và đảm bảo chất lượng. Trong quá trình ôn tập, HS lớp 12 được cả Sở GD, nhà trường, giáo viên và cha mẹ HS tạo điều kiện đến mức tối đa để đạt hiệu quả ở mức cao nhất.
Thậm chí, như Trường THPT Phạm Phú Thứ, ngay từ đầu năm học, bằng nguồn kinh phí từ quỹ khuyến học, nhà trường đã tổ chức phụ đạo cho HS yếu. Việc làm này của nhà trường không phải vì áp lực thi tốt nghiệp mà là giúp cho HS đủ sức theo kịp chương trình học chính khóa. Từ sự chỉ đạo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tùy theo đặc điểm của mình, mỗi địa phương sẽ có phương pháp, cách thức tổ chức ôn tập phù hợp. Đề thi năm nay sát với chương trình học, chuẩn kiến thức kỹ năng; hướng dẫn chấm thi của Bộ GD&ĐT cũng rất tường minh, HS chỉ cần nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng là có thể đạt điểm trung bình. Chúng tôi thiết nghĩ, đừng nên nặng nề về con số bao nhiêu phần trăm thí sinh đỗ tốt nghiệp, điều quan trọng là tỉ lệ ấy có phản ảnh đúng thực chất chất lượng dạy – học hay không.
Không chỉ riêng giám đốc Sở Đà Nẵng, không hẹn mà gặp, mọi ý kiến trả lời phỏng vấn mà chúng tôi nhận được đều đồng quan điểm: Không nên chỉ chú tâm vào những con số mà phủ nhận bao nhiêu nỗ lực tạo thành quả cho chất lượng dạy và học những năm qua.
Tôi rất tâm đắc với tác giả của một bài báo đầy tâm huyết và trách nhiệm gọi sự tác động của CVĐ “Hai không” đến 6 kỳ thi tốt nghiệp vừa qua là “một cú sốc tích cực” và đã đưa ra những minh chứng đầy sức thuyết phục: Từ năm 2006 đến nay, trong điều kiện thi cử ngày càng nghiêm túc nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn được tăng dần qua mỗi năm; năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp THPT (thi lần 1) là 66,7%, năm 2009 là 83,6%, năm 2010 là 92,57% và năm 2011 đạt gần 95%. Phép liệt kê tịnh tiến nêu trên hoàn toàn có cơ sở khoa học. Trong khi ráo riết với những giải pháp quyết liệt để thực hiện CVĐ “Hai không”, 5 năm qua, toàn ngành đã tập trung phụ đạo học sinh yếu, chăm lo giúp đỡ học sinh nghèo, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đánh giá chương trình và SGK trên phạm vi toàn quốc, từ đó triển khai các giải pháp để khắc phục một số hạn chế của chương trình, SGK, xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực… Chất lượng GD được nâng cao trong các kỳ kiểm tra thường xuyên, và kết quả thi cũng phản ánh đúng nỗ lực của toàn ngành cho chất lượng thật. Điều đó chẳng đáng được ghi nhận và biểu dương hay sao?
Tất nhiên, thi cử không nằm ngoài phạm trù xã hội, nó bao gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước khác, khó mà có được một sự hoàn hảo nơi trường thi và nếu có thì khái niệm thi cử đã không còn tồn tại. Hầu hết các tỉnh, thành từ nhiều năm qua đã khẳng định được uy tín chất lượng của địa phương mình thì những con số tỷ lệ cao cho những kiến thức phổ cập cơ bản của học sinh là hoàn toàn có thể chấp nhận. Còn với những địa phương ít có sự đầu tư, chưa thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để rồi dẫn đến những tỷ lệ ảo tự khắc sẽ không tránh khỏi quy luật của sự đào thải. Nếu công tâm, khách quan điều tra toàn bộ độ chênh tỷ lệ giữa địa phương này với địa phương khác, giữa hệ phổ thông và giáo dục thường xuyên, giữa xếp loại ở các mức trung bình, khá, giỏi, sẽ thấy “tỷ lệ ảo” thật không đáng kể.
Dù còn không ít những vướng mắc, trở ngại trên chặng đường giáo dục mênh mông, vô tận nhưng những người làm GD vẫn luôn lắng nghe, tiếp thu một cách có chọn lựa để thực hiện sứ mệnh cao cả mà xã hội giao. Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không? Đó cũng là câu hỏi đáng được xem xét, nghiên cứu. Và những ai đã đặt ra câu hỏi này ắt cũng hiểu, ngành GD-ĐT đã không còn nặng nề về những con số mà tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp cho HS những chuẩn kiến thức, vừa đủ để các em có thể tự chọn cho mình một là tiếp tục học lên, hai là tự học, tự rèn thêm ở trường đời.
Uyên Phương