Đối với các sim đại lý đã mua nhưng hiện đang bị khóa thì khách hàng đến mua và đăng ký thông tin thuê bao theo quy định và sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) thì vẫn cung cấp cho khách hàng. Thông tin trên vừa được đại diện ba nhà cung cấp dịch vụ di động trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới tối nay, 31-5.
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thanh tra diện rộng trên cả nước đối với việc đăng ký, quản lý thông tin sim thuê bao (tháng 10 và tháng 11-2019). Kết quả thanh tra (công bố tháng 2-2020) cho thấy vẫn tồn tại tình trạng sim rác đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước, người sử dụng mua được sim kích hoạt sẵn mà không cần đăng ký, khai báo thông tin thuê bao (đặc biệt là tại các điểm ủy quyền của doanh nghiệp).
Dựa trên kết luận của thanh tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản nhắc nhở lần 1 đối với người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông di động. Và để thực hiện biện pháp mạnh nhằm chấm dứt tình trạng sim kích hoạt sẵn, cả ba nhà mạng có thị phần lớn là Viettel, VinaPhone (VNPT), MobiFone đã có thỏa thuận, thống nhất một số biện pháp sẽ triển khai.
Cụ thể, kể từ 0h ngày 1-6, nhà mạng dừng bán bộ hòa mạng (KIT) mới tại các đại lý ủy quyền, dừng quyền đấu nối số thuê bao của các đại lý ủy quyền; thay vào đó nhà mạng chỉ tập trung việc bán sim, đăng ký thông tin thuê bao tại các các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông của chính nhà mạng. Đây được coi là biện pháp mạnh mà ba doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động lớn triển khai và cũng là giải pháp quan trọng trong nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để sim rác. Với các bộ KIT cũ vẫn được đăng đăng ký theo quy định và bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Vậy việc dừng phát hành sim mới sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa?
Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Hànộimới, đại diện Cục Viễn thông cho biết hiện nay Việt Nam có 125 triệu thuê bao di động trên tổng số 96 triệu dân, trung bình mỗi người dân sở hữu 1,3 số thuê bao di động, con số này cho thấy việc phát triển thuê bao di động hầu như đã bão hòa và có xu hướng tiệm cận với nhu cầu thực tế của thị trường, tổng dân số. Do vậy, đây là thời điểm các nhà mạng thay vì tập trung phát triển thuê bao thì cần chuyển sang tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng dịch vụ cho người dùng và triển khai các dịch vụ mới, không gian mới trên nền tảng di động như Mobile Money tạo dư địa phát triển cho ngành viễn thông trong bối cảnh doanh thu từ các dịch vụ viễn thông truyền thống có chiều hướng bão hòa.
Vì vậy, để tăng cường các loại hình bán sim, đăng ký thông tin thuê bao đến với người dùng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, các nhà mạng đã tăng cường mở rộng hệ thống điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động. Hiện, các doanh nghiệp cũng đang xây dựng, đề xuất phương án bán sim, đăng ký thông tin thuê bao trực tuyến, để người dân có nhu cầu không cần đến trực tiếp điểm giao dịch của nhà mạng mà có thể đăng ký qua môi trường mạng, sau đó sẽ được doanh nghiệp gửi sim (đã đăng ký đầy đủ, chính xác thông tin) đến tận nhà cho người dân.
"Các biện pháp đồng bộ như trên sẽ đáp ứng được nhu cầu mua sim, đăng ký thông tin thuê bao của người dân, kể cả người dân ở vùng sâu, vùng xa" - đại diện Cục Viễn thông cho biết.