Hai chữ "xin lỗi" ngày càng phổ biến trong giao tiếp và đôi khi ta cho rằng xin lỗi về một việc không phải lỗi của mình chính là phép lịch sự. Các nhà xã hội học cho rằng việc biến lời xin lỗi thành thói quen, sử dụng trong những trường hợp không cần thiết khiến chúng ta đánh mất sự tự tin.
Brightside đã liệt kê những trường hợp bạn không nên nói lời xin lỗi, thay vào đó là một cách ứng xử khôn ngoan hơn.
1. Khi bạn nói sự thật
Khi bạn nói ra sự thật, hoàn toàn không cần nói lời xin lỗi. Theo các nhà tâm lý học, sự trung thực tốt hơn là tránh né vì sợ làm tổn thương ai đó.
Thay vì bắt đầu câu nói bằng "Xin lỗi...", bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình một cách khéo léo bằng những từ như "Tôi nghĩ..." hay "Theo tôi thấy thì..." Cách này khiến bạn trở thành một người tư vấn, đưa ra những lời khuyên luôn giá trị cho người khác.
2. Khi bạn quá xúc động
"Cho người khác biết cảm xúc của bạn chính là giúp họ thêm hiểu bạn", Donna Flagg, tác giả của cuốn Surviving Dreaded Conversations cho biết. Vì sao phải xin lỗi khi mình quá xúc động và người đó thực sự quan trọng với bạn? Đó là cách để người ấy hiểu thêm về bạn và bạn cũng nên tìm cách hiểu cảm xúc của họ.
Bên cạnh đó, quá nhạy cảm cũng không phải điều gì đáng xấu hổ, phải xin lỗi. Tất nhiên, bạn cũng cần lưu ý thể hiện cảm xúc trong hoàn cảnh thích hợp. Một cuộc họp nghiêm túc thật sự không phù hợp với cảnh nước mắt ngắn nước mắt dài.
3. Khi bạn trông khác mọi ngày
Cuộc sống là của bạn và bạn có quyền sống theo cách khiến mình thoải mái nhất. Không có gì cần xin lỗi khi bạn xuất hiện với vẻ ngoài không như mọi ngày. Hôm qua bạn có thể xuất hiện trong bộ vest chỉn chu, hôm nay hoàn toàn có thể là một chiếc quần jeans phủi cùng áo phông phong cách.
Trừ những trường hợp đặc biệt, ví dụ như tham gia một buổi tiệc có yêu cầu về trang phục hay hội họp, còn lại thì bạn hãy cứ sống theo cách khiến mình vui vẻ. Không ai có thể bắt bạn phải chải chuốt theo phong cách của họ.
4. Khi bạn muốn ở một mình
Cần ở một mình không có nghĩa là lúc đó tâm trạng bạn đang rất tệ. Có thể là hôm đó bạn cảm thấy không khoẻ, muốn đi nghỉ sớm hay đơn giản chỉ là muốn dành cho mình một không gian riêng, chút tĩnh lặng để suy ngẫm nhiều hơn về cuộc sống. Theo nghiên cứu, những khoảng thời gian cho chính mình là lúc để ta bùng nổ sự sáng tạo.
Bỏ lỡ một buổi tiệc sinh nhật, cuộc hẹn của mấy người bạn hay một hoạt động tập thể nào đó không phải là điều gì tội lỗi. Bất kể là vì lý do gì, bạn cũng không cần xin lỗi trong trường hợp này, hãy lắng nghe và làm theo cảm xúc, nhu cầu của bản thân.
5. Khi bạn đặt câu hỏi
Trong nhiều trường hợp, chúng ta rất ngại đặt ra câu hỏi vì sợ rằng điều đó có thể khiến ta trở nên ngớ ngẩn trong mắt ai đó. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đây không phải là suy nghĩ đúng đắn nếu bạn thực sự muốn vươn đến thành công.
Đừng ngại hay cảm thấy có lỗi khi chưa hiểu về một vấn đề gì. Hãy đặt câu hỏi để được giải thích rõ hơn hoặc nhận được sự trợ giúp. Nếu ai đó đánh giá bạn vì những câu hỏi ấy thì người đó mới thực sự là người có vấn đề chứ không phải bạn.
6. Khi bạn không thể trả lời ngay lập tức
Có những người mang suy nghĩ ích kỷ và cho rằng nhu cầu của mình mới là quan trọng nhất. Họ đòi hỏi bạn phải đáp lại ngay những email, tin nhắn của họ mà không cần biết bạn còn rất nhiều công việc quan trọng khác.
Bạn không cần cảm thấy có lỗi khi chưa thể giải đáp cho một ai đó ngay lập tức. Nếu đó không phải là việc thực sự gấp, bạn chỉ cần cho họ biết là bạn đang bận và sẽ trả lời sau. Yêu bản thân là bước đầu tiên và quan trọng nhất để bạn tìm kiếm hạnh phúc và thành công.
7. Khi xảy ra những chuyện bạn không thể kiểm soát
Dù bạn có là người tính toán, lập kế hoạch giỏi đến đâu thì cũng không tránh được việc phát sinh những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát. Bạn tới trễ vì bị tắc đường, hỏng xe hay lỗi kỹ thuật khiến bài thuyết trình của bạn không được như mong muốn... đó là những điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai và bạn không thể nào chịu trách nhiệm cho tất cả.
Thay vì nói lời xin lỗi trong trường hợp này, hãy nói cảm ơn đối phương. Hãy để họ hiểu rằng bạn cũng bị ảnh hưởng bởi sự cố phát sinh ngoài tầm kiểm soát này và đang cố tìm giải pháp để mọi người cùng vui vẻ.
8. Khi người khác cư xử bất lịch sự
Đôi khi hành vi bất lịch sự của một người khác khiến ta xấu hổ và nói lời xin lỗi hộ người đó. Hiện tượng này được gọi là sự xấu hổ gián tiếp, có liên quan đến những người hay đồng cảm với người khác.
Hai bạn cùng nói chuyện với một cô gái thế nhưng cách hành xử của anh bạn đi cùng khiến bạn xấu hổ vì cậu ấy đang thiếu tôn trọng cô gái. Trong trường hợp này, bạn không nên nói lời xin lỗi hộ anh ta. Bạn không cần thiết chịu trách nhiệm cho việc mà bạn không làm.