Đừng làm mờ quá khứ huy hoàng!

GD&TĐ - PGS.TS Phan Trọng Thưởng chia sẻ suy tư đầy trách nhiệm trong chặng đường mới của Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội).

Trụ sở Viện Văn học được đặt ở ngôi nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Viện Văn học
Trụ sở Viện Văn học được đặt ở ngôi nhà 20 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh: Viện Văn học

Về dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Văn học, cùng với niềm chung vui ôn lại truyền thống tự hào, PGS.TS Phan Trọng Thưởng còn chia sẻ suy tư đầy trách nhiệm trong chặng đường mới của Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội).

Không quên trách nhiệm

“45 năm lập nghiệp (1959 - 2003), dưới sự hướng dẫn, bảo ban rất thân tình, ân tình của các bậc tiền bối là bậc thầy, bậc đàn anh rất quý mến mà nếu không có họ, không có viện thì sẽ không có tôi như bây giờ. Luôn luôn trong đầu tôi nghĩ về Viện Văn học và luôn chịu ơn, những người sáng giá nhất trong văn đàn cả nước như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Ngọc Phách, Cao Xuân Huy, Vũ Ngọc Phan, Trần Thanh Mại…”. GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

PGS.TS Phan Trọng Thưởng là một trong những lãnh đạo có nhiều cống hiến, xây dựng, phát triển Viện Văn học trong những năm tháng trên cương vị là Phó Viện trưởng (1996 - 2003) và Viện trưởng (2003 - 2011).

Với trách nhiệm của một thành viên trong ngôi nhà chung Viện Văn học, ông Thưởng thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta đang gánh trên vai gánh nặng của quá khứ, tự hào nhưng trách nhiệm rất to lớn. Với quá khứ như vậy, các thế hệ chúng ta ngồi đây cần làm gì để gánh nặng không lệch một phía, lệch về quá khứ?”.

Để trả lời câu hỏi đó, theo ông Thưởng đây là trách nhiệm chung của các lãnh đạo, không chỉ lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học mà cả các thế hệ cán bộ “để sao xứng danh là một viện có tầm cỡ, xứng với uy danh của viện - là trách nhiệm của tất cả chúng ta vì không ai muốn một viện có quá khứ huy hoàng như vậy mờ dần (…) Điều chúng tôi mong muốn là Viện Văn học trở lại đúng vị trí của mình trong Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cũng như trong đời sống văn học nước nhà”, PGS.TS Phan Trọng Thưởng tâm huyết bày tỏ.

GS Phong Lê thì bồi hồi nhớ lại những tháng năm lập nghiệp, trưởng thành và được bầu làm viện trưởng (1988 - 1995) đến khi nghỉ hưu tại Viện Văn học. Ông chia sẻ, ngôi nhà chung 20 Lý Thái Tổ là một địa chỉ mà ông luôn nhớ cùng lời tri ân sâu sắc bao người thầy, các bậc tiền bối đã dìu dắt.

Vẫn vẹn nguyên trong ông nỗi nhớ về nhà phê bình Hoài Thanh là Thư ký tòa soạn của Tạp chí Nghiên cứu Văn học có phong cách duyệt bài vô cùng mẫu mực. Hồi đó, ai được đăng một bài trên tạp chí là cảm thấy rất sáng giá cả về giá trị vật chất (nhuận bút 30 đồng/bài) và cả về mặt học thuật.

Trong 2 lần kỷ niệm ngày thành lập Viện Văn học (50 năm, 65 năm), GS Phong Lê đều đến dự. Dịp kỷ niệm 70 năm này, vì đã ở tuổi 85 nên ông mang cả niềm vui được gặp bạn cũ sau 20 năm về hưu vào nỗi bùi ngùi không biết dịp sau có còn trở lại.

Bởi lẽ, tuổi cao và đã có bao người đi xa hoặc sức yếu mà chẳng thế đến được. Cùng với đó trong ông còn chút băn khoăn, áy náy về việc làm phòng truyền thống, lưu niệm ở ngôi nhà 20 Lý Thái Tổ “để tri ân các bậc tiền bối làm sáng danh cho viện như: GS Đặng Thai Mai, GS.VS Hồ Tôn Trinh, GS Cao Xuân Huy, GS Cao Huy Đỉnh, PGS Vũ Đức Phúc, Hoàng Ngọc Phách, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hoàng Trung Thông…

Ở đó có ảnh chân dung cùng một ít kỷ niệm của các vị để thế hệ sau có thể đến tham quan, nghĩ lại và thấy rằng cần làm thế nào để xứng đáng với truyền thống, lịch sử vẻ vang mà các bậc thầy của mình để lại”, GS Phong Lê mong đợi.

Tập thể Viện Văn học trong giai đoạn chưa tách nhân sự thành lập Viện Ngôn ngữ. Ảnh: Viện Văn học

Tập thể Viện Văn học trong giai đoạn chưa tách nhân sự thành lập Viện Ngôn ngữ. Ảnh: Viện Văn học

Cũng kể về những kỷ niệm gắn bó với Viện Văn học, GS.NGND Hà Minh Đức nhớ lại khi về nhận trọng trách là viện trưởng, ông nhận thấy đội ngũ cán bộ nghiên cứu ở đây rất đông đảo, sung sức.

Bởi vậy, ông đã tích cực kết nối các dự án, hợp đồng làm sách để phát huy khả năng của mọi người. Trong đó có đợt kết hợp hiệu quả với Nhà xuất bản Giáo dục thực hiện bộ sách về các tác gia văn học từ trung đại đến hiện đại (tiểu sử, cuộc đời, các bài nghiên cứu). Bộ sách gồm 40 cuốn và các cán bộ của viện đã hoàn thành rất tốt, có nhiều cuốn được tái bản 2 - 3 lần.

“Ngoài ra, chúng tôi còn thống nhất xin viết cuốn lịch sử văn học Việt Nam 10 thế kỷ, từ thế kỷ thứ 10 cho đến nay, trong đó anh Phan Trọng Thưởng có đóng góp rất quan trọng, nhất là việc tiếp cận với Bộ Khoa học Công nghệ xin được kinh phí để có thể triển khai nhiệm vụ, tổ chức được nhiều cuộc họp về kinh nghiệm viết văn học sử ở trong nước và nước ngoài...

Công việc thực hiện trong 3 - 4 năm và đã được nghiệm thu loại khá. Bản đánh giá cho rằng đây là tập sách trình diện 10 thế kỷ văn học một cách có hệ thống và hữu ích, đặc biệt đối với giáo viên cấp 3. Tuy nhiên, cán bộ bên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết không có tiền in nên bộ sách phải lưu kho. Không biết đến nay có ai đã “giải cứu” chưa, hay mấy nghìn trang sách ấy vẫn nằm kho?”, GS.NGND Hà Minh Đức cho biết.

Xác định hướng đi cho tương lai

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, được giao trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của Viện Văn học, từ tiền thân Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học (1953), 70 năm qua, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Viện Văn học đã nỗ lực vượt khó để hôm nay cùng nhìn lại chặng đường hào hùng, vẻ vang, tự hào với 9 phòng ban chuyên môn, nghiệp vụ, một hội đồng khoa học, Tạp chí nghiên cứu Văn học.

Viện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất. Tạp chí nghiên cứu Văn học – cơ quan ngôn luận của viện cũng được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì.

Tám nhà nghiên cứu được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 13 nhà khoa học được trao tặng Giải thưởng Nhà nước... Viện đã đạt được kết quả toàn diện cả về nghiên cứu khoa học, nghiệp vụ cũng như đào tạo đội ngũ cán bộ trong các lĩnh vực của nghiên cứu, phê bình, sáng tác.

Viện Văn học vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999. Ảnh: Viện Văn học

Viện Văn học vinh dự đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 1999. Ảnh: Viện Văn học

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Viện Văn học lưu ảnh cùng khách mời tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (1953 - 2023). Ảnh: Viện Văn học

Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ Viện Văn học lưu ảnh cùng khách mời tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (1953 - 2023). Ảnh: Viện Văn học

“Với truyền thống đoàn kết, thống nhất; với lòng hăng say học tập và lao động, toàn thể cán bộ viên chức của viện sẽ cố gắng vươn lên, tích cực xây dựng đội ngũ nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ.

Đồng thời tích cực duy trì, kế thừa các truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước để lại, đặc biệt là truyền thống về đoàn kết và sự gắn bó tâm huyết với sự say mê nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xứng đáng với thành tựu trong quá khứ và hiện tại”, PGS.TS Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh.

TS Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng cho rằng, Viện Văn học là nơi gắn bó của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu có tên tuổi và tầm ảnh hưởng, đóng góp sâu rộng cho nền khoa học nước nhà.

Nhiều người trở thành học giả danh tiếng, có công trình, cụm công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Viện đào tạo được nhiều cán bộ nghiên cứu có trình độ cao cho đất nước, nhiều cán bộ tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu ở các trường đại học…

Hoạt động nghiên cứu đạt nhiều thành tựu với công trình quan trọng được đánh giá cao trong nước và quốc tế, đặt nền móng cho nghiên cứu lý luận mác xít ở nước ta, làm sáng tỏ các giá trị nổi bật của văn học dân gian và văn học dân tộc thiểu số, văn học cổ trung đại, cận hiện đại; nghiên cứu giới thiệu tinh hoa của văn học các nước với độc giả Việt Nam và từng bước giới thiệu tinh hoa của văn học Việt Nam ra thế giới.

Các kết quả nghiên cứu thông qua những chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu; các hội thảo, tọa đàm khoa học đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học vào thực tiễn cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển văn học thời kỳ đổi mới và hội nhập.

“Các công trình nghiên cứu khoa học đó không chỉ tạo nên uy tín và thương hiệu của Viện Văn học nói riêng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nói chung mà còn góp phần tạo dựng nên diện mạo của nền nghiên cứu lý luận văn học của đất nước. Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu của viện có nhiều đổi mới, gắn với những nghiên cứu thay đổi trong khu vực quốc tế với các hướng nghiên cứu mới như: Phê bình sinh thái, tự sự học, xã hội học văn học…”, ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, dịp kỷ niệm 70 năm này là sự kiện quan trọng, là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang, tri ân thế hệ cha anh, giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và xác định hướng đi cho tương lai của Viện Văn học. Niềm tự hào với truyền thống sẽ lan tỏa và là niềm động viên, khích lệ, động lực mới cho sự phát triển ổn định, bền vững của viện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý những hạn chế cần được khắc phục như đội ngũ nhà khoa học ngày càng mỏng, thiếu các chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, những vấn đề mới, phức tạp về khoa học. Sự hẫng hụt thế hệ cán bộ, cả cán bộ nghiên cứu khoa học và cán bộ quản lý của viện…

Nhất là, một số nhiệm vụ, chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều, chưa được như mong muốn; còn vắng bóng những công trình nghiên cứu lớn, có giá trị cao, có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội; chưa khai thác, phát huy hết truyền thống bản sắc, tiềm năng, thế mạnh với bề dày 70 năm xây dựng, trưởng thành của viện.

“Giai đoạn phát triển mới của đất nước đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới nặng nề hơn cho Viện Văn học. Vì vậy, cần tiếp tục phát huy, khẳng định uy thế của viện là một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của đất nước, trong đó cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu các công trình lớn, các hướng nghiên cứu mũi nhọn, chú trọng tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn, dự báo những vấn đề xu hướng mới…

Đồng thời tăng cường đào tạo, phát triển đội ngũ nghiên cứu nhất là đội ngũ cán bộ trẻ tâm huyết với nghề, có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt; quan tâm tạo điều kiện phát triển nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý kế cận, tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo trong và ngoài nước, tự đào tạo, xây dựng đội ngũ cộng tác viên nòng cốt…

Mong các nhà khoa học tiền bối, nguyên lãnh đạo của viện quan tâm, hỗ trợ trong việc duy trì, tăng cường đoàn kết và vẫn giữ mãi ngọn lửa say mê nghiên cứu khoa học, tình yêu với viện, cùng hướng tới tương lai phát triển ổn định, bền vững, tươi sáng của Viện Văn học trong thời gian tới”. TS Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ