Văn học Việt Nam 2022 tiệm tiến văn hóa

GD&TĐ - Văn học, nghệ thuật là bộ phận tinh tế nhất của văn hóa, phản ánh bộ mặt tinh thần của dân tộc, đất nước, nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh.

Bằng nhiều cách, trong đó có văn học, chúng ta định vị hình ảnh quốc gia, dân tộc, con người Việt Nam. Ảnh: ITN.
Bằng nhiều cách, trong đó có văn học, chúng ta định vị hình ảnh quốc gia, dân tộc, con người Việt Nam. Ảnh: ITN.

Văn học dựa trên nền tảng văn hóa là điều kiện phát triển bền vững, đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái. Đáng lạc quan nếu nói 2022 là “Năm văn hóa Việt Nam” khi danh sách các Danh nhân Văn hóa thế giới được nối dài bằng tên tuổi hai nhà văn lớn - Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu…

Tre già măng mọc - chiến lược văn trẻ

Nói đến đời sống văn học đầu tiên phải nói đến “chủ thể” - nhà văn, nhân tố quyết định sự phát triển của nghệ thuật ngôn từ. Hội Nhà văn Việt Nam hiện có 1.623 hội viên (theo sách Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, NXB Hội Nhà văn, 2020), trong đó có gần 200 nhà văn nữ, hơn 300 nhà văn - nhà giáo, hơn 400 nhà văn mặc áo lính.

Đó là những con số biết nói. Tuy nhiên, như thiên hạ hài hước, đây là “Hội người già” (gần 70 phần trăm hội viên tuổi trên 60). Vấn đề đặt ra cấp bách có tính chiến lược phải xây dựng, trẻ hóa đội ngũ để “tre già măng mọc”.

Trong quyết sách của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X (2020 - 2025), tập trung đầu tư cho đề án “Văn trẻ”, như là điều kiện cần và đủ để tạo đà, tạo lực cho sự phát triển văn học bền vững. Ban Nhà văn trẻ được sự quan tâm đặc biệt của Ban chấp hành khóa mới.

Giải thưởng Văn trẻ được thành lập (từ năm 2021) nhằm cổ vũ người trẻ sáng tác. Song ở bước đi ban đầu không tránh khỏi chập chững, với tinh thần cầu thị Ban chấp hành đã kịp thời uốn nắn để dòng mạch văn trẻ tuôn chảy mạnh mẽ, đúng hướng.

Như ai đó nói chí lí, chúng ta không sợ lạc hậu, chỉ sợ lạc hướng. Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (tổ chức tại TP Đà Nẵng, 6/2022) là một sự kiện lớn trong năm. Gần 120 đại biểu chính thức đã gặp nhau, hân hoan và phấn khởi dưới khẩu hiện “Vì sao chúng ta viết?”.

Câu trả lời nằm ngay trong câu hỏi có tính chiến lược văn hóa. Một thế hệ mới (chúng tôi gọi là f+, thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X) đang trình diện trên văn đàn với thần thái khỏe khoắn, tài hoa gây men niềm hi vọng cho toàn xã hội.

Nhưng cần công bằng khi đánh giá “văn trẻ” hiện nay, nếu so sánh với “văn trẻ” thời kỳ 1930 - 1945 (Thơ mới 1932 - 1945, là một minh chứng điển hình), thì quả thật cũng không còn trẻ.

Văn trẻ, theo ý chúng tôi, phải là những văn nhân sinh đầu thế kỷ XXI, hay hiện còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, tuổi mười tám sung mãn, tươi tắn. Các ấn phẩm văn học báo chí, các nhà xuất bản có uy tín, các trường đại học lớn có ngành Văn (Đại học Quốc gia, Đại học Sư phạm, Đại học Văn hóa) cần thiết phải là những “bà đỡ” mát tay nâng niu những mầm nụ văn học.

Nói về văn trẻ không thể không nói đến “văn nữ” đang ở thế thượng phong, thậm chí có thể dùng lộng ngữ “văn học mang gương mặt nữ”. Ban Nhà văn nữ Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức tọa đàm “Văn nữ - Sống, viết và hy vọng” dịp tháng 10/2022.

Chúng ta có đầy đủ lí do để tin tưởng về một “văn chương mang gương mặt nữ” khi đời sống tinh thần con người cần thiết được cân bằng, có đủ khả năng thuần hóa những nỗi đau, đằm thắm và tinh tế hơn trước. Văn học nữ có thể gánh vác được trọng trách ấy.

Vị thế của văn xuôi

Vấn đề đặt ra cấp bách có tính chiến lược phải xây dựng, trẻ hóa đội ngũ để 'tre già măng mọc'. (Trong ảnh: Đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2016). Ảnh: ITN.

Vấn đề đặt ra cấp bách có tính chiến lược phải xây dựng, trẻ hóa đội ngũ để 'tre già măng mọc'. (Trong ảnh: Đại biểu tham dự Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc năm 2016). Ảnh: ITN.

Nhận định của giới nghiên cứu về “Văn xuôi là mặt tiền của văn học Đổi mới”, trong thời gian qua nhận được sự đồng thuận trong dư luận xã hội. Chính nhà văn Nguyễn Minh Châu chứ không phải ai khác được tấn phong là “Người mở đường tài năng và tinh anh” trong công cuộc Đổi mới văn học Việt Nam thời kỳ sau 1975.

Ông đã kề vai sát cánh với những đồng nghiệp giỏi giang khác góp sức tôn cao nền văn học nước nhà. Vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, văn xuôi vẫn giữ vững vị trí không thể thay thế trên văn đàn.

Tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng có thể hình dung văn xuôi trên mặt bằng văn học vẫn ưu trội, ở thế thượng phong so với các thể loại sáng tác khác (thơ, kịch). Nếu nàng thơ khiêm tốn và tự nguyện rút xuống ngôi vị “Á”, thì văn xuôi nói chung, tiểu thuyết nói riêng, vẫn ở vị thế hàng đầu như là “cỗ máy cái” của văn học.

Chân tủy của tiểu thuyết vẫn là chất sống dồi dào, trung thực, vẫn là những “cuộc đời khác”, “chân trời khác” đem đến cho người đọc những khám phá mới mẻ về thế giới tinh thần con người khi tiếp nhận. Trong địa hạt này, có một hiện tượng đặc biệt, đó là sự xuất hiện tiểu thuyết “Hương” của Nguyễn Thụy Kha (NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, 2022).

Nói đặc biệt là bởi ngay lần in thứ nhất đã lên tới 2.500 bản (trong đó dành hẳn 1.000 bản chuyển kịp thời tới bà con Việt kiều sống ở các nước và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới).

Vì sao tiểu thuyết “Hương” có dư ba và đồng vọng, lan tỏa? Vì nó chạm tới “tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc”, vốn có truyền thống ngàn năm trong đời sống tinh thần của người Việt. Thực ra thì, chính Nguyễn Minh Châu vẫn là người mở đường về chủ đề lớn này với tiểu thuyết “Miền cháy” (1977), qua câu chuyện hậu chiến đầy tính nhân văn giữa người thắng cuộc và bên bại trận.

Nhưng sự xuất hiện một tác phẩm lại càng có ý nghĩa khi đặt nó trong văn cảnh cụ thể, như hiện nay. Những người thiếu thiện chí đang cố sức mưu toan bóp méo hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Bằng nhiều cách, trong đó có văn học, chúng ta định vị hình ảnh quốc gia, dân tộc, con người Việt Nam.

Tiểu thuyết “Nậm Ngặt mây trắng” (về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc) của Nguyễn Hùng Sơn nhận giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V, 2022. Có thể kể thêm một số tiểu thuyết có tiếng vang khác như “Thiên thu huyết lệ” của Nguyễn Trọng Tân, “Nợ nước non” của Nguyễn Thế Kỷ, “Câu chuyện của Nàng Thê” của Võ Thị Xuân Hà, “Mùa rươi” của Phạm Quang Long, “Sóng độc” của Trần Gia Thái, “Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt” của Đoàn Tuấn, “Cõi nhân gian” của Nguyễn Phúc Lộc Thành... Tương lai của tiểu thuyết không còn là điều nghi ngờ.

Khởi động văn học 2023

Hiện, Việt Nam đang “nhập siêu” văn học thế giới. So với các nước trong khu vực Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) thì chúng ta chưa thể sánh được về chiến lược quảng bá/ xuất khẩu văn hóa bằng văn học.

Chương trình quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài thiếu đồng bộ nên kết quả không thể mĩ mãn như mong muốn. Khi nào thì tình trạng “Tiếng Việt cô đơn” trên bản đồ văn học thế giới mới giảm thiểu, tạo cơ hội cho những tác phẩm văn học Việt Nam đến tay người đọc năm châu bốn biển - như tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh? Cổ nhân chí lí khi nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau”.

Đầu xuân 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam và khích lệ cao vọng của người cầm bút về “giấc mơ Nobel văn học”. Hãy cứ mơ ước, vì “Không thành công cũng thành nhân”. Nhưng để cán đích cần có chính sách văn hóa phù hợp.

Từ 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã xây dựng Đề án “Đào tạo tài năng sáng tác văn học”, nhiệm vụ thực thi được giao cho Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (cụ thể là Khoa Viết văn - Báo chí).

Mấy niên khóa gần đây, sinh viên thuộc khoa này đã được thụ hưởng thực tế chính sách văn hóa đầy tiềm năng này. Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương nhiệm kì mới (2021 - 2026) tiếp tục phát huy truyền thống là một địa chỉ văn hóa, đã có nhiều biện pháp tốt nhằm tổ chức lực lượng và chương trình khoa học để phát huy nhân tố mới - những cây bút trẻ làm công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật trên phạm vi toàn quốc.

Văn hóa, văn học nghệ thuật đang hướng tới trọng tâm “Hệ giá trị” (Quốc gia - Văn hóa - Gia đình; Chuẩn mực con người - Văn học nghệ thuật). Đó chính là đích tới của hoạt động sáng tạo, trong đó có văn học.

Trong Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2022 của Hội Nhà văn Việt Nam, năm “đầu việc” (nhiệm vụ trọng tâm) của năm 2023 được bàn thảo và thống nhất tổ chức thực hiện nhằm kích hoạt phát triển nghệ thuật ngôn từ (Phát triển lực lượng hội viên trẻ; Phát động lại cuộc thi tiểu thuyết; Hội nghị lý luận phê bình; Hội nghị các nhà văn lão thành, tiêu biểu; Ngày thơ Việt Nam).

Nếu đời sống xã hội trở lại trạng thái “bình thường mới” thì văn học, trái lại, cần phải vượt qua ngưỡng bình thường, tạo nên những bứt phá mới ngoạn mục hơn.

Công việc “tính sổ” văn học Việt Nam trong khoảng hạn thời gian 365 ngày, là khó khăn hơn nhiều so với việc đánh giá về các lĩnh vực khác, vì nghệ thuật là của để dành, là đầu tư cho tương lai. Tâm thế chắt chiu thành quả dù nhỏ nhất - “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ” - sẽ giúp người đọc tin vào tương lai của nền văn học nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ