Thầy dạy theo công thức có sẵn, hoặc bằng những câu hỏi tái hiện kiến thức theo sự hoạch định của thầy, hoặc chủ yếu theo lối thuyết giảng. Hậu quả là công việc dạy văn trở nên miễn cưỡng nhàm chán, thầy chán dạy, trò chán học, giờ văn bị biến thành giờ “nhai văn nhá chữ buồn tênh” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Đó là nhận định của cô Lê Thị Biên - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) - từ những nghiên cứu và thực tế dạy học
Ảnh hưởng của khuynh hướng phê bình, nghiên cứu lí luận văn học máy móc, phiến diện
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thực trạng trên, theo cô Lê Thị Biên là do lí luận văn học thường đề cập tới các chức năng văn học như chức năng giáo dục, nhận thức, giao tiếp, thẩm mĩ … trong đó thường nhấn, mạnh tới các chức năng nhận thức và giáo dục.
Lí luận văn học không coi trọng chức năng thẩm mĩ; không hiểu đúng mối quan hệ giữa yếu tố thẩm mĩ với yếu tố hiện thực và mối quan hệ giữa các chức năng; không giải quyết cân đối hài hòa sự kết hợp giữa đặc điểm hình thái nhận thức và đặc trưng nghệ thuật ngôn từ của văn học.
Cô Biên cho rằng: Văn học là một hoạt động nhận thức sáng tạo thẩm mĩ. Nhận thức sáng tạo của văn học là hoạt động nhận thức sáng tạo dưới ánh sáng của lí tưởng thẩm mĩ, được chi phối bởi những xúc động nhiệt thành về lí tưởng thẩm mĩ. Đó là nhận thức, khám phá, sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Không có cái thẩm mĩ thì không thành hoạt động nghệ thuật.
Tác phẩm văn học là thế giới nghệ thuật chứa đựng trong nó những cảm xúc thẩm mĩ, tình cảm, lí tưởng thẩm mĩ, nhận thức thẩm mĩ của người sáng tạo. Trong quá trình tiếp nhận, thế giới nghệ thuật ấy lại tạo nên các xúc động thẩm mĩ ở người tiếp nhận.
Không có xúc động thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ thì không có hoạt động nhận thức, sáng tạo nghệ thuật. Và tình cảm thẩm mĩ chính là đặc trưng bản chất nhất của văn học nghệ thuật. Nó cho phép văn học thực hiện chức năng tình cảm thẩm mĩ. Đấy chính là chức năng bao trùm loại biệt của văn học.
Mối quan hệ giữa chức năng này với các chức năng khác phải là mối quan hệ giữa hệ thống và yếu tố. Tất cả các chức năng khác đều là yếu tố của chức năng tình cảm thẩm mĩ, cho nên nhận thức ở văn học là nhận thức thẩm mĩ, giáo dục ở văn học cũng là giáo dục thẩm mĩ. Vì vậy tách rời các chức năng này tất yếu sẽ dẫn đến khuynh hướng xã hội học dung tục trong hiểu văn dạy Văn.
Quan niệm đơn giản về đặc trưng tác phẩm văn học
Nguyên nhân thứ hai được cô Lê Thị Biên đề cập tới là quan niệm giản đơn về bản chất văn học, một hoạt động nhận thức thẩm mĩ đặc thù. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến quan niệm đơn giản về đặc trưng tác phẩm văn chương - sản phẩm lao động nghệ thuật của cá thể nghệ sĩ.
Khuynh hướng xã hội học dung tục không coi tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, là con đẻ tinh thần của cá tính sáng tạo nghệ sĩ mang đậm dấu ấn của phong cách cá nhân độc đáo.
Từ đó khuynh hướng này tạo ra một hệ thống các phương pháp thâm nhập tác phẩm một cách máy móc, liệt kê các yếu tố hình thức theo kiểu số liệu thống kê, suy ra nội dung, tách rời hình thức và nội dung, nhiều khi lấy một nội dung có sẵn (theo chủ quan hoặc ý đồ người dạy) áp đặt một hình thức không hề mang tính nội dung ấy.
Cô Biên cho rằng, khuynh hướng xã hội học dung tục không coi trọng những mối quan hệ xuyên thấm lẫn nhau, đặc biệt phức tạp và phong phú luôn đòi hỏi phải được nhìn nhận hài hòa, cân đối trong mỗi tác phẩm văn học như mối quan hệ giữa yếu tố cá nhân và yếu tố xã hội trong từng quá trình: Hiện thực cuộc sống - Nhà văn - Tác phẩm - Bạn đọc; mối quan hệ giữa nội dung và hình thức; yếu tố khách quan phản ánh - yếu tố chủ quan biểu hiện; yếu tố trí tuệ - cảm xúc, yếu tố sáng tạo - tiếp nhận…
Do không ý thức rõ tất cả những mạng lưới đan kết phức tạp tinh vi đó trong tác phẩm văn chương cho nên khuynh hướng xã hội học dung tục đã đưa ra cách tiếp cận phiến diện, xa rời đặc trưng bản chất vốn có của nó.
Cảm thụ, giảng dạy tác phẩm văn chương chỉ đề cao hướng tiếp cận lịch sử phái sinh
Theo cô Lê Thị Biên, với hướng tiếp cận này, khuynh hướng xã hội học dung tục chỉ coi trọng việc khai thác từ tác phẩm những vấn đề thuộc nội dung phản ánh (đặc điểm xã hội, thời đại tác phẩm ra đời); chức năng giáo dục; lập trường giai cấp; nhận thức chính trị… mà coi nhẹ việc khơi dậy những vấn đề đích thực của văn chương như phong cách nhà văn, cá tính sáng tạo của tác giả, nội dung thông tin thẩm mĩ - nhân văn, tư tưởng nghệ thuật nhà văn…
Chỉ chú trọng làm nổi bật khâu đầu tiên trong vòng đời tác phẩm là khâu Hiện thực khách quan - Nhà văn mà ít quan tâm khai thác những khâu cơ bản khác làm nên sức sống đặc thù của tác phẩm đó là khâu Nhà Văn - Tác phẩm - Bạn đọc.
Giờ văn coi nhẹ chủ thể tiếp nhận bạn đọc - học sinh
Với hạn chế này, cô Lê Thị Biên phân tích: Bài giảng mang nặng khuynh hướng xã hội học dung tục không có chỗ cho học trò phát huy vai trò sáng tạo của mình, trò chỉ là cái bình để thầy rót kiến thức. Hiện tượng thầy cảm thụ hộ trò là phổ biến. Việc phát huy dân chủ bằng những câu hỏi thiếu sự cảm thụ cá nhân biến những giờ học thành nơi “chia sẻ sự ngu dốt” không hơn.
Lối dạy áp đặt một chiều tách rời mối quan hệ nhà văn – giáo viên – học sinh đã và đang làm giảm hiệu quả thẩm mĩ trong dạy học tác phẩm văn chương.
Những sai lầm khi thực thi phong trào đổi mới phương pháp
Thói quen dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều với phương pháp dạy học thuyết giảng gần đây đã được khắc phục bằng phong trào đổi mới phương pháp tôn trọng chủ thể học sinh coi học sinh là bạn đọc sáng tạo.
Tuy tư tưởng khoa học đúng đắn nhưng cô Lê Thị Biên cho biết, khi đi vào thực tế dạy học văn nhiều giáo viên lại mắc sai lầm không đáng có: Hoặc bảo thủ không chịu đổi mới, hoặc cực đoan hóa phủ định sạch trơn các phương pháp truyền thống, đặc biệt là phương pháp giảng bình đã biến những giờ dạy Văn thành những giờ phỏng vấn khô khan.
Thầy đưa ra vô số những câu hỏi máy móc thiếu câu hỏi gợi cảm xúc, cho nên không thể giúp học sinh khám phá chiều sâu tác phẩm để có thể nhận thức chất nhân văn thẩm mĩ của tác phẩm văn chương.
Nhiều khi người dạy quan niệm giản đơn phương pháp mới bằng việc chia nhóm cho học sinh thảo luận, ra thật nhiều câu hỏi, cho học sinh nói nhiều, sử dụng công nghệ hiện đại vào dạy học… đã và đang biến những giờ Văn thành giờ học khô khan lạnh lùng không có mĩ cảm.
Môi trường xã hội và tâm lí thời đại
Nguyên nhân cuối cùng cô Biên đưa ra là môi trường xã hội và tâm lí thời đại ít nhiều bất lợi cho việc dạy và học môn văn hiện nay. Nhiều học sinh tập trung học các môn để thi đại học với đích nhắm đến là những trường dễ kiếm việc làm - những việc làm có thu nhập cao dễ tìm chỗ đứng trong xã hội.
Cô Lê Thị Biên chia sẻ tâm sự của một giáo viên có thâm niên trong nghề: Trong những năm chiến tranh, thầy trò dạy học Văn trong hầm hào chiến luỹ đối mặt với sống chết, nhưng những lán nứa bàn luồng ngập tràn âm vang không khí hào hùng của thời đại ra ngõ gặp anh hùng, cái đẹp ngự trị. Những vần thơ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước luôn đồng hành cùng giờ giảng.
Bây giờ hình như thơ ca cũng mất dần vị trí, mở mắt ra là tai nạn giao thông, là bao nhiêu chuyện buồn lòng khác. Một số tờ báo nặng về các tin tức giật gân gây tác động xấu mà nhẹ về những tin tốt, về những tấm gương, những vẻ đẹp thánh thiện.
Ra đường giật mình vì từ đầu phố đến cuối phố người bán báo lưu động với cái loa cứ trỏ vào người đi đường, nhiều tin giật gân đến rợn người nhằm mục đích bán báo. Tinh mơ đến chiều tối cứ nghe một bài ca như thế mà không ai cấm đoán cả. Thế thì học sinh chán văn đâu phải do thầy.
Cô Biên cho rằng, đó chính là những lời gan ruột, phản ánh đúng thực tế tình hình dạy học Văn bây giờ và ảnh hưởng của môi trường xã hội, tâm lí thời đại đến hiệu quả dạy học văn là có thật. Vì vậy, muốn khắc phục tình trạng trên đòi hỏi sự quan tâm, sự thay đổi của tất cả các ngành các cấp và của toàn xã hội.