Bãi rác này có từ thập niên 90 của thế kỷ 20. Từng đó năm, người dân nơi đây “may mắn” được “tắm mình” trong mùi rác. Hơn 20 năm là một quãng thời gian không ngắn của cuộc đời. Chẳng mấy ai dại dột đi mua nhà gần bãi rác. Đất mồ mả cha ông để lại, cắn răng mà sống, “bịt mũi mà thở”! Họ chỉ mong, đâu đó những người có quyền hiểu được nỗi khổ của họ.
Ở đời, chẳng gì quan trọng hơn sức khỏe. Già, trẻ, trai, gái ở cả hai xã ấy ai cũng mong mình sống khỏe. Bởi có khoẻ con người ta mới có thể hạnh phúc, làm nền tảng cho mọi ước mơ. Cái mong ước ấy của họ nó giản dị và chính đáng.
Nhưng mong ước ấy với người dân nơi đây rất xa vời. Họ sống cạnh bãi rác lớn nhất Thủ đô. Sức khoẻ ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng hàng ngày. Kể mà có nghiên cứu khoa học chứng minh rằng: Sống cạnh bãi rác rất tốt cho sức khoẻ. Khi đó, hẳn người dân ở đây sẽ rất hạnh phúc.
Hà Nội đất chật người đông. Kiếm miếng ăn không phải điều dễ dàng với tất cả mọi người. Vậy nên để sống, phải có sức khoẻ đi làm, kiếm ăn. Vậy nhưng, từ đầu năm đến nay, người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ đã 3 lần “rảnh việc” ra chặn xe rác.
Cái cuộc chiến phản đối rác, “người đối đầu xe” có lần kéo dài cả tuần. Rác ùn ứ khắp nơi. Những dịp đó, Hà Nội bốc mùi hôi thối ở nhiều tuyến đường văn hoá, công trình kỷ niệm… Chỉ vài ngày sống trong mùi hôi của rác, tiếng kêu than của người Hà Nội vang lên ở mọi ngóc ngách. Vậy mà người dân Nam Sơn và Hồng Kỳ đã “thụ hưởng” nó hơn 20 năm!
Mỗi lần chặn xe đều được xoa dịu bằng những lời hứa. Những cuộc đối thoại giữa chính quyền và người dân “thấm đẫm sự chân thành”. Các bậc bô lão nghe những lãnh đạo đáng tuổi con mình hứa hẹn.
Cán bộ đã hứa thì nó phải “có gang có thép”, phải đáng tin lắm chứ. Và họ tin thực. Họ tin từ lần này sang lần khác. Lời hứa thì không phải là thiếu gang ít thép. Chỉ là thép chưa thành hình mà thôi. Chậm thực hiện lời hứa, vậy là dân làng lại tràn ra đường.
Tết đến hiên rồi! Một môi trường sống không mùi hôi thối là điều hiển nhiên. Vậy nên, đừng để người dân nơi đây phải tiếp tục chịu sự không hiển nhiên ấy. Sức khoẻ là vốn quý của mỗi người.
Đừng chậm trễ trong việc tôn trọng quyền được sống khoẻ của dân. Đừng để dân phải nghỉ làm chỉ để chặn xe rác. Hãy để họ thanh thản đi kiếm tiền mua cái bánh trưng khi Tết đã gần kề. Đã đến lúc, gói cho tròn và thực hiện lời hứa với người dân hai xã Nam Sơn, Hồng Kỳ.