Khi đó, cha mẹ xót con, không dám động đến chỗ đau của bé và việc vệ sinh "cậu nhỏ" bị bỏ bê. Chẳng bao lâu sau, bao quy đầu của trẻ hẹp trở lại. Đó là chưa kể tới những rắc rối mà các can thiệp ngoại khoa (nong hoặc cắt bao quy đầu) có thể gây ra:
- Biến chứng cấp tính: chảy máu, phù nề, nhiễm trùng, tổn thương quy đầu hoặc niệu đạo ngay sau mổ.
- Cố tật mãn tính về sau: sẹo xấu, hẹp da quy đầu tái phát, hẹp lỗ tiểu hoặc rò niệu đạo.
Hãy cùng tìm hiểu các lựa chọn ưu tiên trong điều trị hẹp bao quy đầu được các thầy thuốc trên toàn thế giới khuyến cáo.
Hẹp bao quy đầu là gì?
Bao quy đầu là phần da che phủ quy đầu. Hẹp bao quy đầu (phimosis) là tình trạng bao da bó chặt quy đầu, không thể lộn hoàn toàn ra khỏi quy đầu được. Khi mới sinh, đa số trẻ bị hẹp bao quy đầu sinh lý, nhưng cùng với thời gian, bao quy đầu sẽ tách khỏi quy đầu.
Tỷ lệ bé trai hẹp bao quy đầu giảm dần theo lứa tuổi:
Lứa tuổi | Tỉ lệ |
Sơ sinh | 96% |
Một tuổi | 50% |
3 tuổi | 10% |
17 tuổi | 1% |
Khác với hẹp bao quy đầu sinh lý, hẹp bao quy đầu bệnh lý là hẹp thực sự vì có sẹo xơ, hình thành sau viêm nhiễm hoặc do cố gắng quá mạnh để nong bao quy đầu trước đó.
Ưu tiên các biện pháp bảo tồn ít gây đau đớn
Trong 4 biện pháp điều trị hẹp bao quy đầu hiện hành, 2 biện pháp đầu mang tính bảo tồn, ít gây đau đớn, 2 biện pháp sau là can thiệp ngoại khoa, gây xâm lấn, khiến trẻ đau đớn và có thể đi kèm tai biến:
- Kéo căng da quy đầu bằng tay mỗi ngày
- Kéo da quy đầu bằng tay kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid
- Tiểu phẫu nong bao quy đầu bằng dụng cụ
- Phẫu thuật (cắt bao quy đầu, mở rộng bao quy đầu, cắt bỏ vòng hẹp)
Nghiên cứu tại các nước Anh, Pháp, Mỹ và ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM cho thấy, điều trị bảo tồn cho những trường hợp bị hẹp bao quy đầu ở trẻ em là biện pháp rẻ tiền, dễ thực hiện, giúp tránh tai biến do phẫu thuật và các biến chứng lâu dài.
Phương pháp này hiệu quả không kém các phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật; hơn nữa trẻ không bị đau, không bị sang chấn về tinh thần hay sang chấn tại chỗ như khi nong hoặc cắt bao quy đầu.
Cùng tìm hiểu kỹ hơn về 2 biện pháp điều trị bảo tồn nêu trên.
1. Dùng tay kéo căng da quy đầu mỗi ngày
Phần lớn các trường hợp bao quy đầu bị hẹp có thể được nong rộng trong vòng 1-2 tháng nhờ bài tập kéo căng da quy đầu, thực hiện đều đặn 2-3 lần mỗi ngày.
Dùng dầu dưỡng dành cho trẻ (baby oil), dầu vaseline bôi tay, hay dầu dưỡng cơ thể (body lotion) làm chất bôi trơn.
Nhẹ nhàng kéo da quy đầu về phía trước (ra xa người bé) vài lần, rồi nhẹ nhàng kéo ngược lại về phía sau (tới mức bé chịu đựng được và không bị đau).
Giữ nguyên tư thế này trong vài phút. Lặp lại động tác này vài lần mỗi ngày. Bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu được làm bài tập này khi đang ngâm mình trong nước.
Phương pháp này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương cấu trúc của da quy đầu.
Tuy nhiên, cha mẹ cần thực hiện một cách từ từ, nhẹ nhàng, lần sau kéo căng nhiều hơn lần trước, như thế lớp bao da sẽ giãn dần.
Phương pháp này đòi hỏi sự kiên trì, phối hợp tốt giữa cha mẹ và trẻ, và đặc biệt là tuân thủ kỹ thuật, tránh gây biến chứng tạo sẹo sau này. Nếu sau một tháng không thấy kết quả, hãy chuyển sang phương pháp sau.
2. Kéo căng da quy đầu kết hợp bôi thuốc mỡ chứa steroid
Loại thuốc mỡ cần dùng là Betamethasone 0,05% (ở châu Âu thuốc được bán dưới tên Diprosone). Bôi thuốc lên phần trong và ngoài của bao quy đầu.
Nếu bao quy đầu quá hẹp, chỉ để lộ một lỗ nhỏ , bạn vẫn có thể đưa thuốc vào bên trong bằng cách nhẹ nhàng kéo da quy đầu lên xuống vài lần, hoặc vê vê nó một lúc.
Thực hiện liệu pháp này 2-3 lần mỗi ngày, ít nhất là trong vòng một tháng, kết hợp biện pháp kéo căng da quy đầu đã hướng dẫn ở trên.
Thuốc mỡ chứa steroid giúp đẩy nhanh quá trình căng da. Nó làm da mỏng hơn và kéo căng dễ dàng hơn. Khi ngừng dùng thuốc, da sẽ dầy trở lại.
Thuốc dùng một mình ít có tác dụng, nó chỉ hiệu quả khi kết hợp với bài tập kéo căng da. Ngưng điều trị nếu không thấy kết quả sau 3 tháng.
Chú ý:
- Với bé trai dưới 4 tuổi: không nên cố gắng nong bao quy đầu bằng tay vì có thể gây dính và sẹo xơ, dẫn tới hẹp bao quy đầu thứ phát.
- Với bé trai trên 4 tuổi, hoặc nhỏ hơn 4 tuổi nhưng có kèm các biểu hiện bất thường như tiểu khó (khi tiểu bé phải rặn, đỏ mặt hoặc khóc lóc, bao quy đầu phồng lên…) hoặc da quy đầu thường viêm nhiễm tấy đỏ thì nên lần lượt áp dụng hai biện pháp trên trước khi chuyển sang các biện pháp can thiệp ngoại khoa.
Trường hợp các biện pháp bảo tồn không mang lại kết quả, bác sĩ có thể tiến thành tiểu phẫu nong bao quy đầu hoặc phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Tổng kết 319 trẻ khám và điều trị hẹp da quy đầu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy: Tỷ lệ thành công trong điều trị bảo tồn bằng bôi kem là 90%. Phương pháp này được thực hiện ở nhà, tốn ít công sức và tiền của. Chi phí bằng bôi kem khoảng 40.000 - 100.000 đồng, xấp xỉ 1/10 số tiền tiểu phẫu.