Dùng điện thoại thông minh xét nghiệm bệnh

GD&TĐ - Nhằm tạo ra một phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán có tính chính xác cao và dễ dàng thực hiện, các nhà khoa học Mỹ đã cho ra mắt phần mềm giúp xét nghiệm ung thư tuyến tụy và những căn bệnh nguy hiểm khác chỉ bằng cách chụp ảnh selfie bằng chiếc điện thoại thông minh.

Dùng điện thoại thông minh xét nghiệm bệnh

Với tỉ lệ sống sót sau 5 năm chỉ vào khoảng 9%, ung thư tuyến tụy được xem là một trong những căn bệnh có tỉ lệ dự đoán thấp nhất trong các nhóm bệnh nguy hiểm.

Một trong những triệu chứng sớm nhất của ung thư tuyến tụy, và cũng như một số căn bệnh khác, chính là sự thay đổi của màu da hay còn được gọi là bệnh vàng da.

Dấu hiệu của sự thay đổi về màu sắc của da và màu mắt này xuất phát từ việc gia tăng các bilirubin trong máu của người bệnh.

Tuy nhiên, để có thể nhận biết được bệnh vàng da, trước khi có thể nhìn thấy rõ ràng bằng mắt thường - một dấu hiệu cho thấy bệnh đã phát triển đến giai đoạn nguy hiểm, cần phải sử dụng đến một công nghệ chẩn đoán có mức độ xâm phạm cơ thể cao, từ đó mang nhiều rủi ro gây nguy hiểm cho người bệnh.

“Mức độ nguy hiểm của ung thư tuyến tụy nằm ở chỗ, khi bạn nhận thấy những triệu chứng bệnh thì cũng đã là quá trễ để có thể can thiệp và chữa trị”, Alex Mariakakis, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Khoa học và Kỹ thuật máy tính trực thuộc Đại học Washington, cho biết.

Để có thể tạo ra một phương pháp chuẩn bị đơn giản, hướng đến việc phát hiện chứng vàng da ngay ở giai đoạn đầu tiên, Mariakakis cùng các cộng sự của mình đã phát triển một ứng dụng giúp chẩn đoán bệnh chỉ bằng cách tự sướng bằng chiếc điện thoại thông minh.

Với tên gọi BiliScreen, công nghệ sử dụng máy ảnh của chiếc điện thoại thông minh, các thuật toán hình ảnh cùng các công cụ hỗ trợ nghiên cứu thuật toán máy tính để phát hiện mức độ bilirubin trong màng cứng mắt của người bệnh thông qua các bức ảnh chụp.

Nhóm đã tiến hành thử nghiệm thực tế công nghệ trên 70 tình nguyện viên và nhận thấy tỉ lệ phát hiện bệnh vàng da chính xác lên đến 89,7% so với các hình thức xét nghiệm máu đang được sử dụng trong các bệnh viện.

Sở dĩ công trình có độ chính xác cao vì bản thân màng cứng của mắt có mức độ nhạy cảm cao hơn so với da nên những thay đổi bilirubin trong máu, dù chỉ nhỏ nhất cũng sẽ được phản ánh trên lớp màng này của mắt.

Bước tiếp theo sau khi công bố công trình, Mariakakis và các cộng sự của mình sẽ tiến hành thử nghiệm ở quy mô lớn hơn với những tình nguyện viên nghĩ rằng mình đang có nguy cơ mắc phải các bệnh mà triệu chứng bao gồm bệnh vàng da.

Đây là bước quan trọng để không chỉ xác định tính chuẩn xác của công nghệ đồng thời cũng kiểm chứng mức độ ổn định của phần mềm khi sử dụng độc lập không cần sự hỗ trợ của các thiết bị phụ trợ như hộp và kính 3D.

“Khi công nghệ được nghiên cứu thành công, chúng tôi hy vọng mọi người sẽ chủ động làm ‘xét nghiệm’ mỗi tháng một lần ngay tại nhà, thông qua việc chụp ảnh “tự sướng” bằng chiếc điện thoại thông minh, một hoạt động dù đơn giản này nhưng có thể cứu sống họ trong tương lai”, Mariakakis kết luận.

Theo Futurity

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ