Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh

GD&TĐ - Với điện thoại thông minh, chỉ cần quét QR Code trên sản phẩm, sẽ có các thông tin về sản phẩm. Thông tin đó truy xuất nguồn gốc đến từng thửa ruộng, từng hộ nông dân, HTX chế biến… Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Big Data Trace cho biết như vậy về ứng dụng công nghệ mới đang được triển khai.

Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Big Data Trace
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Big Data Trace

Ông Sơn cho biết: Giải pháp này tự động khớp lệnh 3 bên giữa người sản xuất, người bán và người mua. Khi được phổ biến rộng rãi, nó có thể làm thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp và tập quán tiêu dùng của người Việt Nam.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh vẫn còn là khái niệm xa lạ với đa số người Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm thông tin về vấn đề này?

Khi người tiêu dùng lựa chọn giải pháp mua thực phẩm qua điện thoại thông minh, sẽ truy xuất được nguồn gốc thực phẩm đến từng sản phẩm, từng thửa ruộng, từng người trồng, từng đơn vị chế biến.

Sản phẩm sẽ được giao đến tận nhà với giá rẻ nhất. Vì các cửa hàng thực phẩm sạch, các shipper chuyên nghiệp luôn ở gần nhất để có thể giao hàng nhanh nhất trong vòng 32 phút. Các giao dịch giữa người mua, cửa hàng và shipper được khớp lệnh tự động, với đầy đủ chi tiết của đơn hàng.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh.
Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại thông minh.

Đây không hẳn là giải pháp mới. Cái mới ở đây là sự triển khai đồng bộ. Truy xuất nguồn gốc giám sát nguồn gốc thực phẩm từ quá trình nuôi trồng cho đến khi lên bàn ăn. Hàng hóa tham gia phải trong chuỗi và  được bên thứ ba kiểm soát độc lập về chất lượng, an toàn. Khi đạt tiêu chuẩn mới được cấp tem.

Giải pháp mới này có được người nông dân đón nhận hay vấp phải trở ngại nào không?

Khi đưa vào triển khai đến người nông dân, chúng tôi phân loại được 2 nhóm. Nhóm thứ nhất, họ nhận ra đây là giải pháp giúp chứng minh được sản phẩm của họ tốt, hy vọng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đúng giá trị. Vì vậy, nhóm này chủ động ứng dụng. Nhóm thứ hai chưa muốn ứng dụng vì cho rằng phải kê khai, chứng minh… rất phức tạp. Nhóm này cần có thời gian để tuyên truyền, vận động để họ thấy được cái lợi khi tham gia vào chuỗi.

Với nhóm thứ nhất, chúng tôi hỗ trợ họ ứng dụng giải pháp, giúp rút ngắn các chi phí, các khâu trung gian đến người tiêu dùng. Đồng thời cấp quyền dán tem truy xuất nguồn gốc. Trên tem đó lưu lại quá trình canh tác sản phẩm được giám sát trong cả quá trình sản xuất.

Ông hy vọng những gì từ giải pháp này?

Giải pháp giúp tối ưu hóa chuỗi nông sản và nâng cao sức cạnh tranh, làm tăng giá trị cho người nông dân. Với người tiêu dùng thì được sử dụng sản phẩm sạch. Thay đổi nông nghiệp là giải pháp tương lai, là xu thế tất yếu. Điện thoại thông minh có thể làm thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp và tập quán tiêu dùng.

Đây là giải pháp đồng bộ, có thể gọi là Win – Win. Các bên tham gia từ nông dân, người bán, người mua đều có lợi. Giải pháp mới liên quan đến nhận thức người tiêu dùng, chính sách Nhà nước và có tính xã hội cao nên rất cần xã hội chung tay góp sức.

Hiện nay đã ứng dụng ở đâu?

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thí điểm tại Tp. HCM, Lâm Đồng, Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Nam. Chúng tôi đang dự kiến triển khai đến người tiêu dùng tại Tp.HCM và sau 6 tháng sẽ đạt khoảng 1 triệu người sử dụng giải pháp này.

Cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ