Hãy trò chuyện với con
12 năm giải đáp thắc mắc cho lứa tuổi mới lớn của một tờ báo, nhà báo Hoàng Anh Tú cho biết, anh đã đọc hàng ngàn bức thư của các em trên khắp Việt Nam, những câu chuyện trầm cảm, căng thẳng của các em luôn là vì sức ép học hành, mối quan hệ bạn bè không như ý và cả sự đổ vỡ của cha mẹ. Đau xót là nhiều bậc cha mẹ đã không nhận ra con mình đang trầm cảm cho đến khi những đứa trẻ đó chọn cách tự tử hoặc tự hành hạ ngược đãi bản thân.
Xã hội càng phát triển, con người càng phụ thuộc vào các thiết bị điện tử, nhất là trẻ ở lứa tuổi “lỡ cỡ” không còn trẻ con nhưng cũng chưa là người lớn thì dường như điện thoại thông minh (smartphone) đang là người bạn thân thiết nhất chứ không phải cha mẹ chúng. Nhà báo Hoàng Anh Tú nhận định, việc nhiều cha mẹ mất đi sức hấp dẫn với con so với smartphone chỉ là điểm khởi đầu cho sự cô đơn của lũ trẻ. Trẻ càng cô đơn thì càng tìm đến mạng xã hội, trong khi hàng ngàn thứ tinh vi trên mạng Internet đang đầu độc lũ trẻ từ 9 - 13 tuổi.
TS tâm lý Lê Nguyên Phương, Liên hiệp Phát triển tâm lý học đường quốc tế (CASP-I) cho rằng, người lớn phải chữa lành chính những tổn thương, làm hòa với quá khứ, hóa giải những khổ đau trong tâm hồn của cha mẹ, thầy cô trước khi áp đặt lên con cái vì những tổn thương, mặc cảm, đau khổ đó ảnh hưởng trực tiếp đến con trẻ. Nỗi đau sẽ lớn hơn nếu người lớn cứ giấu tổn thương và bắt con trẻ gánh chịu hậu quả.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trung tâm Hỗ trợ học sinh - sinh viên TPHCM, cần nhìn nhận khách quan rằng những sự việc học trò có hành động tự gây nguy hiểm cho bản thân vì bức xúc, lo lắng, bị dồn nén cảm xúc... chỉ là thiểu số. Nhưng đó thật sự là hồi chuông cảnh báo để phụ huynh nhìn lại cách dạy, cách sống với con cái; giáo viên nhìn lại cách giáo dục, gần gũi học trò.
Tư vấn tâm lý học đường – nhu cầu cấp thiết của học sinh
Một giáo viên chủ nhiệm xin được giấu tên tại Trường tư thục Ngô Thời Nhiệm TPHCM cho biết, có thể nói, lứa tuổi 12 - 17 là một trong những giai đoạn khủng hoảng và khó khăn trong cuộc đời của mỗi người. Sự trợ giúp kịp thời và đúng đắn từ phía người lớn là một nhu cầu cấp thiết đối với trẻ, đặc biệt là khi các em đã rơi vào sự khủng hoảng tâm lý. HS cần được giãi bày, cần được tâm sự, cần được những lời khuyên đúng đắn từ người lớn, mà gần gũi với các em nhất chính là cha mẹ, thầy cô.
Và khi không thể có được điều đó từ gia đình, nhiều em đã xem thầy cô như một chỗ dựa tinh thần. Cho các em những lời khuyên, định hướng đúng đắn cho các em con đường phải đi, giúp các em tìm lại niềm tin, niềm vui trong cuộc sống... Đó là những điều mà người thầy cần phải thực hiện được để đáp ứng nhu cầu được tư vấn tâm lý, một nhu cầu có thực và vô cùng bức thiết của HS trong nhà trường phổ thông.
Chị tâm sự: “Với một số HS, gia đình không phải là chốn bình yên, không phải là nơi mà em muốn quay về sau mỗi ngày đi học, bởi ở nhà, “ba con chỉ biết dùng từ thô tục chửi con, đánh con. Con sợ đòn roi, nhưng con không sợ ba con, không nể ba con...”. Cũng có em tâm sự: Cô ơi, con không thích học sư phạm, nhưng mẹ con nói là sư phạm dễ kiếm việc làm, dễ lấy chồng nên bắt con thi. Bây giờ con đăng ký thi ngành điện tử, ba mẹ con không nhìn tới mặt con, con phải làm sao hả cô!?”.
Ở tuổi mới lớn, vì luôn muốn được quan tâm, đôi khi các em thổi phồng vấn đề của mình lên quá mức, khiến cho việc nhỏ trở nên trầm trọng. Nếu không được kịp thời giúp đỡ, khi cảm thấy không ai quan tâm đến mình, các em sẽ tự giải quyết vấn đề và thông thường đó là những cách xử lý tiêu cực, đôi khi gây ra hậu quả vô cùng trầm trọng.
Chính vì thế, tư vấn tâm lý học đường thật sự là nhu cầu cần thiết của HS, trong đó giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò nòng cốt vì thực tế cho thấy, mặc dù nhiều trường học đã có phòng tư vấn tâm lý nhưng HS còn e ngại, ít tìm đến mà vẫn có xu hướng chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm nhiều hơn. Người thầy, người cô chủ nhiệm cần phải có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh và quan trọng nhất là phải có đủ tình thương để có thể lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho các em cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 31/CT-TTg về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo và trải nghiệm; Đồng thời tiếp tục rà soát đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy môn học giáo dục đạo đức; các cơ sở đào tạo giáo viên chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo giáo viên về đạo đức nhà giáo; tăng cường vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập, giáo viên tư vấn tâm lý...