Nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai đang chờ được giúp đỡ

GD&TĐ - Hơn 100 người chết, trên 130.000 ngôi nhà bị ngập và hư hại là hậu quả cơn bão Damrey để lại cho một số tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, đây là những con số ban đầu bởi có những thiệt hại sau bão không thể đong đếm. 

Nhiều trẻ em, phụ nữ mang thai đang chờ được giúp đỡ

Đó là tình trạng suy dinh dưỡng của hàng trăm ngàn trẻ em và hàng chục ngàn phụ nữ mang thai và cho con bú đang đang cần chăm sóc đặc biệt…

Suy dinh dưỡng và nguy cơ bệnh tật

Bão Damrey đi qua để lại… khoảng trống lớn cho người dân ở Khánh Hòa, Phú Yên và Bình Định. Khoảng 4 triệu người bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó có ít nhất 1 triệu trẻ em bị ảnh hưởng và đặc biệt dễ bị tổn thương. Nguyên nhân do cơ sở hạ tầng bị phá hủy nghiêm trọng khiến xấp xỉ 30.000 người phải di chuyển chỗ ở.

Trong số những người bị ảnh hưởng sau sự cố thiên tai, trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng trực tiếp, lâu dài. Thống kê sơ bộ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiêp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) cho thấy, có khoảng 150.000 trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Rất nhiều trẻ em có nguy cơ bị mắc các bệnh do thiếu nước sạch gây ra và gián đoạn việc học tập của trẻ.

Gia đình bé Ngân sống ở một làng chài (Phú Yên). Bé bị suy dinh dưỡng do cha mẹ thiếu kiến thức chăm sóc và kinh tế gia đình phụ thuộc vào công nhật hàng ngày của người cha trên tàu đánh cá.

Sau bão là những ngày gia đình bé trải qua tình trạng bất thường. Không có tiền mua thức ăn, lương thực nên họ phải giảm khẩu phần ăn hàng ngày. Ngân không được cho ăn đầy đủ và mẹ em cũng không có đủ sữa để cho em bú.

Đây là một trong rất nhiều trẻ em ở các tỉnh bị ảnh hưởng bởi cơn bão đang phải trải qua.

Cơn bão đã tàn phá nghiêm trọng cơ sở hạ tầng nông nghiệp làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh của các gia đình và do đó ảnh hưởng đến việc chăm sóc cho con cái.

Bên cạnh việc bị suy dinh dưỡng, trẻ em còn có nguy cơ ngày càng cao bị mắc các bệnh do thiếu nước sạch gây ra.

Không có nước sạch, người dân phải sử dụng nước bẩn để sinh hoạt. Bão cũng gây ảnh hưởng đến tình trạng vệ sinh môi trường, dẫn đến việc người dân vùng bị ảnh hưởng phải đi vệ sinh ngoài trời vì các nhà tiêu đã bị phá hủy. Điều này gây nguy hại cho sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Bên cạnh trẻ em, hơn 80.000 phụ nữ mang thai, cho con bú đang cần được ưu tiên chăm sóc. Tài sản, kế sinh nhai bị phá hủy hoặc ảnh hưởng khiến họ cùng với các thành viên trong gia đình phải tìm cách mưu sinh.

Họ không có thời gian quan tâm, chăm sóc đến bản thân, thai nhi và con nhỏ nên kéo theo tình trạng suy dinh dưỡng thai nhi hoặc trẻ sinh ra suy dinh dưỡng do không được chăm sóc tốt.

Cần nhiều gói cứu trợ khẩn cấp và lâu dài

Việc giải quyết hậu quả sau sự cố thiên tai với chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và cho con bú lâu nay như vòng luẩn quẩn đang cần người tháo gỡ.

Theo khuyến cáo của UNICEF, hoạt động cứu trợ khẩn cấp là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các can thiệp này hướng tới giải quyết nguy cơ bị suy dinh dưỡng bằng việc cung cấp thực phẩm chức năng cho trẻ em và các bà mẹ đang cho con bú, thông qua tập huấn cho các cán bộ y tế về phát hiện và điều trị suy dinh dưỡng.

Thêm vào đó, để hạn chế nguy cơ bị mắc các bệnh do thiếu nước sạch gây ra, người dân cần được hỗ trợ bình lọc nước tại nhà, hướng dẫn người dân thực hành vệ sinh đúng cách.

Còn về lâu dài, chuyên gia về thích nghi với biến đổi khí hậu của Chương trình phát triển Liên Hiêp Quốc Jenty Kirsch-Wood cho rằng, cần thúc đẩy các hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng và cải thiện khả năng chống đỡ và thích nghi của người dân trong thiên tai.

Đó có thể là biện pháp hỗ trợ sửa nhà khẩn cấp sẽ giúp các gia đình có chỗ ở và quay trở lại ngôi nhà mình, đảm bảo an ninh và an toàn cho mọi thành viên, đảm bảo tính riêng tư cũng như giảm gánh nặng cho hệ thống ứng phó khẩn cấp (trường học, trạm y tế, nhà văn hóa…).

Hỗ trợ cũng sẽ giúp dòng người di cư từ nông thôn ra thành phố, thường ra đi do các tác động của thiên tai tìm việc ngay tại quê hương thay vì nơi khác sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là với trẻ em, vị thành niên - những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bóc lột dưới nhiều hình thức khác nhau.

Bên cạnh hoạt động cứu trợ khẩn cấp, nhà chống lũ hay nhà an toàn là chính sách hỗ trợ cần thiết, lâu dài để không đứa trẻ dễ bị tổn thương nào, không người tàn tật nào, không người già nào sống cô đơn và không gia đình nào đang cố gắng thoát nghèo cần phải lo lắng về nhu cầu cơ bản nhất là tìm một chỗ trú ẩn khi đối mặt với thiên tai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.