Đừng để đồng bào Rục trở lại rừng! (Kỳ II)

Đừng để đồng bào Rục trở lại rừng! (Kỳ II)

Kỳ II: Ruộng lúa nước đầu tiên ở Thượng Hoá – cánh cửa mở ra tương lai?

(GD&TĐ) - Thống kê cho thấy từ năm 1990, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, môi trường sống nhằm bảo tồn và phát triển vùng đồng bào tộc người Rục (thuộc dân tộc Chứt) tập trung tại xã Thượng Hóa huyện Minh Hoá tỉnh Quảng Bình. Từ năm 2002, với hơn 20 tỷ đồng đầu tư, vùng người Rục xã Thượng Hoá đã được xây dựng nhiều công trình công cộng; tiêu biểu như các công trình đường vào bản Ón, trị giá 12,7 tỷ đồng; hệ thống cấp điện bản Yên Hợp- Mò O Ồ Ồ, trị giá 2,6 tỷ đồng, trạm y tế trị giá hơn 1,3 tỷ đồng, hàng trăm ngôi nhà ở... Vậy vì sao cái nghèo, cái đói vẫn hằn sâu trong đời sống người dân?

Những hạt thóc đầu tiên do người Rục làm ra
Những hạt thóc đầu tiên do người Rục làm ra

Thực tế, lý do chính yếu vẫn là vấn đề nhận thức của đồng bào. Khi được hướng dẫn bài bản với một nhận thức được mở mang, người Rục cũng biết chăm lo lao động như ai, mà gia đình ông Trần Trung Trực - Trưởng bản Yên Hợp là một điển hình rõ nét nhất...

Nhà ông Trực là một trong những hộ có kinh tế khá nhất bản Yên Hợp. Đây cũng là gia đình duy nhất chúng tôi thấy có thóc lúa trong nhà. Những 3 bao tải lớn, chứ không phải vài kg. Không có gì là lạ khi biết ông Trực chính là người Rục đầu tiên trồng được lúa nước với sự giúp đỡ hết mức có thể của bộ đội biên phòng Đồn 585. Ruộng lúc nước đầu tiên ở Thượng Hoá, mà có lẽ cũng là người Rục đầu tiên trong lịch sử biết trồng lúc nước. Lại cũng không có gì ngạc nhiên khi biết Trưởng bản Trần Trung Trực từng có gần 5 năm đi bộ đội, nghe nói đơn vị mãi tận trên mạn ngược tỉnh Bắc Giang nên cũng được trang bị chút ít kiến thức về nông học. Đó là một thuận lợi. Nhưng khó khăn thì nhiều vô kể. Nào là tư duy của người Rục còn chưa biết đến trồng lúa nước; tâm lý sợ việc; diện tích để trồng cấy không có; giống, vốn, kỹ thuật chăm bón, phân gio... gần như là số không. Chính vì vậy, trưởng bản Trực làm lúa nước có kết quả, công đầu phải kể đến hai anh Phạm Xuân Linh và Phạm Bá Tuyên, cán bộ đội vận động quần chúng của đồn 585…

Bố con trưởng bản Trần Trung Trực bên ruộng lúa nước đầu tiên ở Thượng Hóa
Bố con trưởng bản Trần Trung Trực bên ruộng lúa nước đầu tiên ở Thượng Hóa

Chúng tôi lại lội bộ vào ruộng lúa nước của gia đình ông Trực nằm giấu mình trong hẻm núi, không biết bao xa nhưng đi từ đồn Biên phòng vào cũng mất gần 30 phút. Có nhìn tận mắt mới hình dung hết được cái vất vả của các cán bộ chiến sĩ đồn 585 thời gian đầu giúp ông Trực “khai hoang vỡ đất”, từ việc phát hoang gần 800m2 đất làm lúa, làm hệ thống dẫn nước, đào ao trữ nước đến việc ủ giống, gieo mạ, bón phân....

Nói không ai tin nhưng chính ông Trực kể ngày xuống đồng, bộ đội biên phòng xắn quần áo lội ruộng, gieo mạ còn đồng bào thì đứng xem, chỉ trỏ bàn tán mà không ai biết bộ đội đang làm cái gì. Cứ thế, mạ xanh lên rồi trổ đòng đòng. Bà con đi rừng ngang qua ruộng lúa của ông Trực lại không ngớt bàn tán cái ông này trồng gì không biết. Cho đến khi thu hoạch, toàn bộ số thóc 2,5 tạ nằm trong bao nhà trưởng bản Trực thì một số người mới tìm đến rụt rè đề nghị bộ đội làm giúp cái hạt thóc. Có ai biết đâu để có được hạt thóc đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn 585 đã phải ủng hộ mỗi người một ngày lương cộng với hàng trăm công lao động. Đồn trưởng Phạm Xuân Diệu chia sẻ: “Thế đã là tốt lắm rồi anh ạ, bởi thay đổi được tư duy của đồng bào không hề đơn giản. Chúng tôi chỉ có cách vận động theo kiểu mưa dầm thấm lâu cộng với trực tiếp làm mẫu cho bà con xem. Từ xem, đến tin và làm theo lại là một khoảng thời gian rất dài nữa”.

Nói gì đi chăng nữa, bước đột phá lúa nước mang tên Trần Trung Trực cũng đã mở ra hướng đi cho đồng bào Rục nơi đây. Nhất là khi các cấp chính quyền và lực lượng biên phòng luôn song hành cùng đồng bào trên bước đường hòa nhập và phát triển. Rõ ràng, việc giúp cho đồng bào có được kỹ năng sinh tồn, hòa nhập với cuộc sống tốt hơn cái cách tổ chức đoàn đi cứu đói như lâu nay vẫn làm.

Ruộng lúa nước của ông Trực đang kỳ gieo hạt thứ hai, lúa đã lên xanh mơn mởn. Ông hồ hởi khoe vừa cùng 2 con trai nạo được cái vũng cạnh đó thành ao, thả được ít cá giống; lại nuôi thêm được đàn gà với 2 con lợn. Tôi đùa: “Thế này bác đã có một cơ ngơi theo mô hình vườn – ao - chuồng rồi đấy thôi”. Ông có vẻ không hiểu lắm câu nói đùa “văn hoa” của tôi, nhưng cũng rất phấn khởi: “Phải thế chứ. Tôi còn làm giàu. Làm cho con cái, cho bà con hiểu người Rục cũng có thể tự tay thoát nghèo được chứ không phải chỉ có trông chờ vào Đảng và Chính phủ. Các nhà báo uống nước đi. Chè xanh đấy. Giống cây xin của các anh bộ đội bên đồn. Tôi pha theo kiểu miền Bắc học được cái hồi đi lính, ngon chứ?”.

Thành công bước đầu của việc đưa cây lúa nước đã mở ra một hướng mới cho công tác bảo tồn, ổn định và phát triển bền vững trong vùng đồng bào Rục. Trước mắt, một công trình thủy lợi trị giá khoảng 20 tỷ đồng sẽ được đầu tư xây dựng tại khu vực suối Rục-Làn hứa hẹn sẽ cung cấp đủ nước tưới cho 10ha ruộng lúa một vụ. Đáng mừng hơn nữa là theo chúng tôi được biết hiện tại đã có hơn chục hộ dân ở bản Ón đăng ký được làm lúa nước với bộ đội biên phòng, cho thấy đã có chuyển biến tốt trong suy nghĩ của đồng bào.

Giữa cái nắng tháng bảy gay gắt ở Đông dãy Trường Sơn, bát nước chè tươi hôm đó mới mát và ngọt làm sao...

Mai Thành Chung

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ