Đa số các bệnh viện hiện nay đều có chung tình trạng quá tải, nhất là vào những thời điểm dịch bùng phát bệnh nhân còn phải nằm chung giường, thậm chí phải nằm ở gầm giường. Tuy vậy, giá tiền giường liên tục tăng và nhiều nơi tăng cao hơn cả tiền thuốc và tiền khám, chữa bệnh.
Hiện có không ít cơ sở khám, chữa bệnh giá dịch vụ y tế cao “ngất ngưỡng” trong khi chất lượng dịch vụ thì không tăng tương xứng, thậm chí “giậm chân” tại chỗ.
Nghịch lý hơn ở chỗ, nhiều bệnh viện công lập được nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí trụ sở... nhưng lại thu tiền cả tiền sử dụng cơ sở vật chất gộp chung vào giá dịch vụ y tế, nhất là tiền giường, tiền sử dụng thang máy... khá cao. Theo thống kê tiền giường ở một số bệnh viện thậm chí lên đến hàng triệu đồng/đêm, bằng với giá khách sạn hạng sang.
Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ y tế, cơ sở y tế muốn nâng giá dịch vụ y tế thì phải đáp ứng định mức, tiêu chuẩn, nhất là giường bệnh, giá khám bệnh, chăm sóc người bệnh... Tuy nhiên, trên thực nhiều cơ sở y tế dù chưa đáp ứng yêu cầu về định mức vẫn tăng giá dịch vụ y tế, thậm chí có nơi... “kịch” trần cho phép.
Do đó, có thể khẳng định rằng định mức giá giường bệnh quá cao so với tổng giá dịch vụ y tế, thuốc men là bất hợp lý. Đây là nghịch lý cần sớm khắc phục, chấn chỉnh triệt để không nên kéo dài sẽ gây ra các hậu quả tiêu cực khác.
Điều này vừa góp phần bảo vệ quyền lợi cho người bệnh, đồng thời hạn chế tình trạng cố tình trục lợi quỹ bảo hiểm y tế vì phải gánh chịu những chi phí không hợp lý. Đây là nguyên nhân làm bội chi quỹ bảo hiểm y tế và có thể dẫn đến vỡ quỹ trong tương lai gần.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm rà soát, thống kê và kiên quyết từ chối thanh toán dịch vụ y tế mà cơ sở y tế không đáp ứng tiêu chuẩn, định mức theo quy định. Bên cạnh đó, cần hạch toán, bỏ những khoản thu không hợp lý, đó là các khoản mà cơ sở y tế không phải bỏ tiền đầu tư. Tuyệt đối không nên để có thêm tình trạng BOT trong lĩnh vực y tế.