Nhức nhối trục lợi bảo hiểm y tế

GD&TĐ - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa công bố danh sách những trường hợp có số lần khám bệnh tăng bất thường chỉ trong một thời gian ngắn, có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm y tế (BHYT). 

Nhức nhối trục lợi bảo hiểm y tế

Điều này không những gây thất thoát Quỹ BHYT, mà còn gia tăng chi phí điều trị, gây phiền hà và gia tăng gánh nặng kinh tế lên vai người bệnh.

Lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật tràn lan

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, một trong các hình thức trục lợi BHYT đáng lo ngại nhất là chiêu thức bác sĩ chỉ định rất nhiều xét nghiệm cho bệnh nhân.

Đáng nói, một số chỉ số sinh hóa máu được chỉ định như những xét nghiệm cơ bản ngay khi vào viện. Có trường hợp được chỉ định làm lại chỉ trong một thời gian ngắn, dù kết quả mỗi lần xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Không ít bệnh nhân phải dở khóc dở cười vì những chỉ định của bác sĩ, như trường hợp bệnh nhân D.T.N (35 tuổi, ở Hà Nội) bị hắt hơi, sổ mũi nhưng được bác sĩ khám ở một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội chỉ định nội soi tai mũi họng và “khuyến mại” thêm siêu âm ổ bụng...

Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội - cho rằng: “Đó là những cách thức trục lợi BHYT thường thấy ở nhiều bệnh viện”.

Ông Hòa cho biết thêm, thực tế qua kiểm tra tại một số bệnh viện trên cả nước đều thấy xảy ra tình trạng chỉ định sử dụng các dịch vụ kỹ thuật một cách bất hợp lý và cách thức chỉ định dịch vụ lại có sự chồng chéo, gây lãng phí…

Cụ thể, một bệnh nhân bị cảm cúm với các triệu chứng đau đầu nhưng có thể được chỉ định đi chụp CT, nội soi tai mũi họng (vì ngạt mũi), hoặc chụp X-quang (vì nhức xương)…

Ngoài ra, một số cơ sở y tế còn trục lợi bằng kiểu nâng tầm quan trọng của bệnh, như điều trị răng sâu nhưng khi thu phí lại ghi điều trị... tủy răng nhằm hưởng chi trả cao từ cơ quan BHXH.

Theo cơ quan BHXH, hiện nhiều bệnh viện lợi dụng bệnh nhân để trục lợi quỹ BHYT. Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) - cho biết:

Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT diễn ra dưới nhiều hình thức như chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh; tăng chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú để thanh toán tiền giường; cắt giảm bớt định mức vật tư theo cơ cấu giá.

Đặc biệt là hình thức liên danh, liên kết, cho, tặng, mượn, lắp đặt máy móc, trang thiết bị theo hình thức xã hội hóa không đúng quy định…

Thống kê BHXH Việt Nam cho thấy có khoảng 2.320 máy được lắp đặt dưới hình thức này, trong đó chủ yếu là các máy xét nghiệm, chi phí được cung cấp từ các trang thiết bị này lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Khống chế rút ruột BHYT

Theo ông Phạm Lương Sơn, một nguyên nhân quan trọng khiến người dân vẫn chưa mặn mà với BHYT là do chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT vẫn chưa đạt như kỳ vọng, một số cơ sở khám, chữa bệnh có tình trạng nơi khám, chữa bệnh BHYT thì để chật chội, quá tải, nơi khám, chữa bệnh dịch vụ thì xây dựng rộng rãi, tiện nghi.

Điều này tạo ra tâm lý không tốt của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, làm cho chi phí của người dân có thẻ BHYT vẫn còn cao.

Trước tình trạng trục lợi Quỹ BHYT, ông Phạm Lương Sơn cho biết cơ quan này đã yêu cầu BHXH các tỉnh trao đổi trực tiếp với các cá nhân này. Tất cả các cá nhân đều thừa nhận có biểu hiện trục lợi và hứa không tái diễn.

Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng để ngăn chặn triệt để tình trạng trục lợi BHYT, về lâu dài cần có những giải pháp tổng thể. Theo đó, khi hệ thống giám định BHYT điện tử phát hiện người có hành vi trục lợi thì phải kịp thời xử phạt, thu hồi chi phí, đồng thời thông tin về địa phương, cơ quan, đơn vị để răn đe.

Được biết BHXH Việt Nam đang đề nghị Bộ Y tế xây dựng “rào chắn” đối với việc trục lợi Quỹ BHYT. Theo đó, cần quy định rõ một loại bệnh khi nào cần chụp X-quang, các dấu hiệu chỉ điểm lâm sàng và triệu chứng… mới làm nội soi, siêu âm. Trên cơ sở đó, cơ quan bảo hiểm có căn cứ để kết luận có dấu hiệu lạm dụng kỹ thuật hay không.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần ban hành các phác đồ chuẩn để cơ sở khám chữa bệnh thực hiện, đồng thời làm căn cứ để BHXH giám định, đánh giá tính hợp lý của chỉ định điều trị bệnh tại các cơ sở; ban hành các quy định nhằm hạn chế chỉ định chẩn đoán và điều trị không cần thiết từ các máy xã hội hóa; từng bước đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phí dịch vụ bằng phương thức chi trả theo chẩn đoán (ca bệnh) và theo định suất...

Theo BHXH Việt Nam, trên hệ thống giám định toàn quốc thời gian qua phát hiện 208 trường hợp khám chữa bệnh diện BHYT với tần suất 15 lần/tháng.                                                                                                                                                                                        Bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ (2 - 3 lần/tuần) hay điều trị bệnh mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường 1 lần/tháng), có đến 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng, chủ yếu ở các bệnh viện quận/huyện...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ