Thầy Ngô Huy Tâm - Chủ nhiệm Chương trình quốc tế, Trường PTLC Phenikaa (Hà Nội) - cho rằng: Khi nói đến các kỳ thi chuẩn hóa như IELTS, thay vì coi nó là đích đến, hãy coi đó là công cụ tham chiếu để đánh giá năng lực bản thân, từ đó có hướng cải thiện, cá nhân hóa việc học của mình.
Luyện sớm tiềm ẩn nhiều bất cập
- Ngày càng nhiều cơ sở giáo dục, cả phổ thông và đại học dùng IELTS là phương thức tuyển sinh. Ông nghĩ sao về xu hướng này?
- Trước hết, cần khẳng định kỳ thi IELTS là thang đo để đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh học thuật khá ở 4 kỹ năng: Nghe, nói, đọc và viết. Trước đây, IELTS vốn chỉ phục vụ nhóm đối tượng nhỏ như di cư, nhập cư, du học, làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên theo thời gian, điểm IELTS được quy chiếu trực tiếp ra điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm cộng khi xét tuyển vào các trường THPT và đại học, nên việc học và thi IELTS đã, đang ngày càng trở nên phổ biến với học sinh, phụ huynh.
Việc đưa IELTS như một phương thức tuyển sinh đầu vào góp phần thúc đẩy sự quan tâm, đầu tư nhiều hơn của phụ huynh, học sinh với môn Tiếng Anh. Kỳ thi chuẩn hóa quốc tế có uy tín này sẽ đánh giá được chính xác hơn năng lực ngoại ngữ của nhiều học sinh, đặc biệt ở hai kỹ năng nghe - nói, vốn chưa được đưa vào các kỳ thi tiếng Anh lớn trong trường phổ thông của Việt Nam.
Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này vào tuyển sinh có thể có một số bất cập. Bởi lẽ, chi phí thi IELTS khá cao, do đó một số học sinh có năng lực nhưng không đủ điều kiện tài chính, hoặc học sinh muốn đăng ký thi lại để cải thiện điểm số, có thể sẽ gặp khó khăn. Điều này vô hình trung góp phần vào sự thiếu công bằng giữa các học sinh.
Thầy Ngô Huy Tâm (giữa) trong hội thảo về kiến tạo thế hệ mới với tư duy toàn cầu. Ảnh: NVCC |
- Với những lợi thế khi có điểm IELTS, phụ huynh sẵn sàng đầu tư cho con luyện thi chứng chỉ này từ lúc mới học tiểu học, đầu THCS. Việc này liệu có nên hay không?
- IELTS là thang đo năng lực ngôn ngữ hàn lâm, với nội dung ngữ liệu vượt ngoài phát triển tư duy nhận thức của trẻ nhỏ. Do đó, việc phụ huynh cho con luyện thi IELTS từ khi còn tiểu học sẽ tiềm ẩn nhiều bất cập hơn lợi ích, cụ thể như sau:
Nội dung và kiến thức chưa phù hợp: Kỳ thi IELTS được thiết kế để đánh giá trình độ thông thạo ngôn ngữ trong bối cảnh học thuật và nghề nghiệp. Trong khi đó, hầu hết học sinh tiểu học, THCS chưa có sự tiếp xúc hay sử dụng ngôn ngữ học thuật, hàn lâm, vốn là trọng tâm chính của bài thi IELTS. Điều này có thể khiến các em gặp khó khăn trong việc đọc - hiểu yêu cầu trong bài thi vốn vượt quá khả năng, từ đó có thể dẫn đến tâm lý mệt mỏi, chán nản, mất dần động lực học.
Điểm IELTS cao không đồng nghĩa với việc sử dụng ngôn ngữ thuần thục: Do cấu trúc của bài thi IELTS đã được định sẵn, khi luyện thi IELTS, người học thường sẽ làm quen, ghi nhớ các kỹ thuật làm bài kiểm tra, các “mẹo” cụ thể. Mặc dù điều này có thể giúp các em đạt điểm cao, nhưng lợi bất cập hại, khi mà việc học “tủ” có thể khiến học sinh không thực sự hiểu sâu về các tầng lớp của ngôn ngữ, đặc biệt là dụng ngữ.
Xét cho cùng, IELTS là một kỳ thi đo năng lực ngôn ngữ trong môi trường học thuật, do vậy nó chỉ đo được lát cắt một chiều nào đó. Vì thế, vẫn có nhiều trường hợp học sinh có điểm tổng IELTS cao nhưng gặp khó khăn giao tiếp tự nhiên, thuần thục, hay không thể nói - viết có cảm xúc và có sức thuyết phục.
Đặc biệt hơn, trong thời đại công nghệ hiện nay, khi các công cụ về ngôn ngữ như AI phát triển mạnh mẽ và có thể hỗ trợ người dùng một cách hiệu quả, tối ưu, thì học sinh lại càng cần có sự hiểu biết về ngôn ngữ, để có thể làm chủ được công nghệ, nâng cao hiệu suất công việc, thay vì chỉ đơn thuần luyện đề, làm bài thi.
Tạo ra áp lực không cần thiết cho trẻ: Việc luyện thi IELTS khi còn nhỏ có thể tạo ra áp lực và căng thẳng không cần thiết cho học sinh. Ở lứa tuổi tiểu học và đầu THCS, học sinh nên chủ yếu tập trung vào việc xây dựng nền tảng vững chắc về các kỹ năng tiếng Anh, quan trọng hơn là tạo được hứng thú, niềm vui trong học tập. Quá chú trọng vào việc luyện thi khi còn nhỏ có thể dẫn đến sự mệt mỏi về tâm lý, làm mất đi động lực, niềm vui trong học tập.
Chi phí cơ hội: Luyện thi IELTS có thể tiêu tốn một lượng thời gian và năng lượng đáng kể của học sinh. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện các môn học, hoạt động quan trọng khác cần thiết cho sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần của các em. Ở lứa tuổi này, điều cốt yếu là các em được phát triển một cách cân bằng giữa học tập và trải nghiệm.
Thầy Ngô Huy Tâm và học sinh Trường PTLC Phenikaa trong một hoạt động giáo dục. Ảnh: NVCC |
Cần hướng đến giáo dục toàn diện
- Có ý kiến lo lắng việc ưu tiên với chứng chỉ IELTS sẽ khiến học sinh và gia đình quá chạy theo môn học này mà giảm nhẹ quan tâm với môn khoa học cơ bản, trong khi tiếng Anh chỉ là môn công cụ. Thầy có lời khuyên gì với cha mẹ học sinh?
- Trước hết, tôi muốn sự phân định về vai trò của ngôn ngữ trong giáo dục với hai khái niệm liên quan đến ngôn ngữ:
BICS (Basic interpersonal communication skills), dịch là kỹ năng giao tiếp cơ bản giữa các cá nhân. Nhóm kỹ năng này con người tự hình thành trong quá trình trưởng thành, phát triển.
CALP (Cognitive Academic Language Proficiency), dịch là năng lực ngôn ngữ tư duy hàn lâm/học thuật. Không có năng lực CALP, học sinh rất khó học các môn ở cấp trung học, chưa cần nói đến cấp đại học.
Điểm IELTS chỉ phản ánh năng lực tiếng Anh học thuật của học sinh, và không đồng nghĩa với việc các em học tốt các môn học hàn lâm khác. Để sử dụng được thành thạo tiếng Anh, thì BICS cần nhiều nhất vài năm, còn CALP có thể cần ít nhất đến 5 tới 10 năm để thụ đắc “đủ” đáp ứng nhu cầu học tập.
Vai trò của ngôn ngữ trong giáo dục không phân chia cụ thể độ tuổi, càng không ám chỉ sự ưu việt của nhóm kỹ năng hay năng lực nào trong tương quan với nhau. Điều cần nói, đó là các thang đo năng lực ngoại ngữ, như IELTS, có thiên hướng đo về năng lực CALP ở kỹ năng đọc viết và BICS ở kỹ năng nghe nói. Ở hệ quy chiếu như tôi trình bày, IELTS sẽ không phù hợp nếu áp dụng ôn luyện cho lứa tuổi tiểu học, và thậm chí là các lớp thấp của trung học.
IELTS là kỳ thi đánh giá năng lực ngôn ngữ, không liên quan đến các kỹ năng, năng lực khác. Đây là điều không phải bàn cãi. Nhưng nhìn một bức tranh rộng hơn, năng lực ngôn ngữ được sử dụng như một công cụ thì cần phải đào tạo năng lực CALP học sinh mới có thể tiếp cận, trao đổi, giao lưu với nguồn tri thức Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí của thế giới.
Các nhà nghiên cứu đầu ngành có thể không cần BICS ở cấp độ cao, vì họ chỉ cần có năng lực CALP cao là có thể nghiên cứu. Nhưng nếu đào tạo trẻ nhỏ thì ta cần hướng đến giáo dục toàn diện, cả BICS và CALP đều quan trọng và đều giúp các em có nhiều cơ hội để thành công trong thế giới tương lai.
Do đó, tôi có một vài lời khuyên với các bậc phụ huynh học sinh như sau:
Thứ nhất, đặt ra mục tiêu học tập rõ ràng: Phụ huynh định rõ mục tiêu học tập của trẻ và hiểu tầm quan trọng của việc học cả các môn khoa học cũng như tiếng Anh, ưu tiên và phân bổ thời gian cho từng môn học để đảm bảo sự cân đối và toàn diện trong quá trình học tập.
Thứ hai, khuyến khích sự đa dạng trong học tập: Phụ huynh nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học, giúp các con phát triển sự tò mò, tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề. Đồng thời, tạo điều kiện để con phát triển và ứng dụng tiếng Anh trong các ngữ cảnh thực tế, như qua việc đọc sách, xem phim, hoặc giao tiếp với người nước ngoài.
Thứ ba, đảm bảo sự cân bằng và hài hòa: Từ mục tiêu đã đặt ra, phụ huynh cần đảm bảo rằng con có đủ thời gian và tài nguyên để phát triển cả kỹ năng tiếng Anh và môn khoa học cơ bản. Hỗ trợ con trong việc xây dựng lịch học linh hoạt, tận dụng cơ hội học tập cả ở trường lớp, tại nhà cũng như ở các bối cảnh khác.
Tìm hiểu các chương trình học phù hợp: Phụ huynh quan tâm đến phát triển cả kỹ năng tiếng Anh và các môn khoa học cơ bản có thể tìm hiểu về các chương trình, khóa học về khoa học được giảng dạy bằng tiếng Anh, các chương trình học quốc tế hoặc các hoạt động ngoại khóa...
Tựu trung lại, học sinh ở độ tuổi tiểu học và đầu THCS cần được học tập và rèn luyện một cách cân bằng, toàn diện. Khi xét đến tiếng Anh, điều quan trọng là nâng cao năng lực tiếng Anh tổng thể của học sinh, “luyện thi” chỉ là một trong rất nhiều phương pháp. Giáo viên, phụ huynh có thể khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh phát triển cả kỹ năng tiếng Anh và sự hiểu biết về khoa học cơ bản để trở thành một người học toàn diện, thành công trong tương lai.
Thầy Ngô Huy Tâm là chuyên gia trong các chuyên đề “Con cái của chúng ta” trên sóng Cafe Sáng VTV3 – Đài Truyền hình Việt Nam. Ảnh: NVCC |
Làm gì để học tốt ngoại ngữ?
- Vậy với học sinh, thầy có lưu ý gì để các con có thể học tốt ngoại ngữ nói chung, học tốt để thi đạt IETLS điểm cao nói riêng?
- Đầu tiên, học sinh cần xác định mục tiêu: Hãy nhìn xa hơn mục đích thi cử và nhận thức rằng học tiếng Anh có thể mở ra cánh cửa cho việc khám phá thế giới, học tập, nghiên cứu các môn học khác bằng tiếng Anh. Điều này sẽ giúp các con có động lực và tầm nhìn rõ ràng trong quá trình học.
Luyện tập đều đặn cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Các con cần đảm bảo cân đối việc luyện tập, phát triển tất cả các kỹ năng này. Hãy tạo lịch trình học tập rõ ràng và đảm bảo dành thời gian cho mỗi kỹ năng một cách đều đặn.
Luyện tập có ý nghĩa (meaningful practice): Thay vì chỉ làm các bài tập ngữ pháp, luyện đề thi, các con hãy tìm cách luyện tập tiếng Anh có ý nghĩa và thực tế. Hãy đặt mình vào các tình huống thực tế, thực hành sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh đó, tìm kiếm các nguồn tài liệu, sách, phim, podcast… để có thể cải thiện vốn tiếng Anh BICS. Nếu có điều kiện, các con nên tham gia vào các cuộc trò chuyện, giao tiếp với người bản ngữ, hoặc tham gia vào các dự án bằng tiếng Anh…
Bên cạnh việc học đơn thuần, các con hãy phát triển năng lực tiếng Anh qua việc đọc - học các môn học, các chủ đề hàn lâm khác như Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý… bằng tiếng Anh, từ đó nâng cao được năng lực CALP.
Tận dụng sức mạnh thời đại và công cụ hỗ trợ: Các con hãy sử dụng công nghệ, trợ lý ảo, ứng dụng di động và các công cụ học trực tuyến, công nghệ AI để tăng cường quá trình học tiếng Anh. Trong bối cảnh hiện nay, tận dụng công nghệ là một trong những cách thức vô cùng hữu hiệu để các con tự mình nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng việc học ngoại ngữ là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự kiên nhẫn, nỗ lực. Khi nói đến các kỳ thi chuẩn hóa như IELTS, thay vì coi nó là đích đến, hãy coi đó là công cụ tham chiếu để đánh giá năng lực của bản thân, từ đó có hướng cải thiện, cá nhân hóa việc học của mình. Việc xây dựng nền tảng tiếng Anh vững chắc, phát triển kỹ năng ngôn ngữ sẽ giúp các con tự tin và đạt được thành công trong nhiều tình huống sử dụng tiếng Anh, mà những kỳ thi như IELTS là một trong số đó.
- Trân trọng cảm ơn thầy!
Thầy Ngô Huy Tâm tốt nghiệp Học viện Ngoại giao và chuyên ngành về thiết kế chương trình giáo dục Curriculum and Instruction tại ĐH Houston Baptist; Chứng chỉ chiến lược giảng dạy cao học Harvard; học viên đầu tiên của chương trình Lãnh đạo giáo dục mới với sự hợp tác của Trường Giáo dục sau ĐH Harvard (HGSE) và Trường Kinh doanh Harvard (HBS)... Trước khi đầu quân cho Phenikaa School, thầy Ngô Huy Tâm từng là giảng viên tiếng Anh của Học viện Ngoại giao; CEO Cleverlearn tại Nghệ An; tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp về giáo dục...