Truyền thông Đức mới đây đưa tin Văn phòng liên bang Đức về vấn đề nhập cư và người tị nạn (BAMF) vừa đề xuất dự luật cho phép kiểm tra điện thoại của người tị nạn. Hành động này nhằm thiết lập hệ thống danh tính, thông tin cần thiết để chính quyền liên bang dễ dàng theo dõi, ngăn chặn hành vi làm giả giấy tờ với động cơ xấu, gây tổn hại an ninh nước Đức.
Đức sẽ kiểm tra điện thoại của người tị nạn nhằm nắm rõ danh tính. Ảnh: DW.
Đại diện Bộ Nội vụ Đức từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết cho đến khi dự luật trên chính thức được thông qua. Theo luật hiện hành ở Đức, bất cứ ai có dấu hiệu hoặc bị tình nghi phạm tội đều bị kiểm tra thiết bị liên lạc cá nhân, trong đó có điện thoại di động. Tuy nhiên, lần này BAMF muốn có luật cụ thể với đối tượng người tị nạn, tạo thuận tiện hơn cho việc triển khai thực hiện.
Dự luật trên là động thái mới nhất của BAMF trong nỗ lực ngăn chặn người tị nạn giả mạo danh tính. Tuần trước, BAMF kêu gọi tất cả người tị nạn đang sống ở Đức phải tiến hành thủ tục lấy dấu vân tay. Hiện có 430.000 hồ sơ xin tị nạn vào Đức nhưng chưa được giải quyết.
Chính quyền liên bang Đức yêu cầu lấy dấu vân tay người tị nạn. Ảnh: DPA.
Việc kiểm soát danh tính người tị nạn không chỉ hạn chế nguy cơ tấn công khủng bố mà còn giảm thiểu số vụ lừa dối hồ sơ nhằm trục lợi bất hợp pháp. Nhiều người tị nạn trốn tránh đăng ký danh tính vì bản thân họ sợ đây sẽ là căn cứ để chính quyền Đức trục xuất mình.
Đầu tháng này, một người xin tị nạn 25 tuổi (người Sudan, tị nạn ở Hannover) nhận án treo 21 tháng, lao động công kích 200 giờ vì đã đăng ký giả hồ sơ với 7 danh tính tại 7 thành phố khác nhau của Đức nhằm tranh thủ các khoản phúc lợi.