(GD&TĐ) - Làng đồ gỗ mỹ nghệ La Xuyên (Ý Yên, Nam Định) đã nhiều năm nay nức tiếng cả nước với nghề chạm khắc các sản phẩm thủ công trong và ngoài nước. Có điều, ít người biết rằng, để phát triển thương hiệu chạm khắc gỗ La Xuyên có sự góp sức không nhỏ của các xã lân cận với vai trò là vệ tinh.Chính nghề này đã dệt nên một diện mạo nông thôn mới sung túc.
Bản nhạc nền của nghề
Việc đục, đẽo là khâu quan trọng đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mỷ để tạo nên tính nghệ thuật cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ |
Đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của xã Yên Mỹ, đâu đâu cũng nghe tiếng đục cạch cạch, tiếng cười nói râm ran vọng ra như bản nhạc nền của nghề. Từ trong nhà ra mái hiên, từ ngoài sân đến ven đường làng ngõ xóm đều được người dân tận dụng làm nơi sản xuất. Bên trên kệ nâng, những cái đục lưỡi sắt, sắc mỏng dưới sự điều khiển của người thợ lành nghề đang tạo hồn cho từng mảnh gỗ thô ráp. Đục là thao tác tạo hình khối, là bước cơ bản tạo nên hình hài sản phẩm tuyệt mỹ từ gỗ. Và phần việc này đòi hỏi cao độ sự khéo léo, tỷ mỷ. Đặc biệt là công đoạn này phần lớn do thanh niên và phụ nữ đảm nhận.
Các sản phẩm có bàn tay của người làm nghề Yên Mỹ được phân phối không những trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, và một số nước Đông Âu. Người dân có sẵn kinh nghiệm nghề mộc của cha ông truyền lại nên học và làm nghề không phải quá khó. Người làm nghề chủ yếu học trực tiếp từ các nghệ nhân làm nghề sừng sỏ ở La Xuyên. Phương pháp truyền và học nghề là quan sát và thực hành trực tiếp trên gỗ nên khi ra nghề, đều là những người vững về tay nghề.
Tiếp chuyện chúng tôi, anh Bùi Ngọc Hiếu, tay vẫn mềm mại phác thảo mẫu ra giấy cho biết: Từ những khúc gỗ tự nhiên, muốn biến thành sản phẩm có hồn, có vẻ là điều không hề dễ. Con mắt quan sát và óc tư duy hình khối quyết định đến sự thành công, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cho sản phẩm. Để tạo ra sản phẩm bước đầu, người làm nghề cần trải qua các công đoạn: phác thảo hình, vỡ cho ra hình vẻ (gọi là đục thô), gọt cho mềm và cuối cùng là quật cho mịn. Người làm nghề cứng chỉ cần dùng con mắt để phác thảo hình khối lên bản gỗ là vỡ được. Phác thảo có đúng, chuẩn, công đoạn vỡ mới dễ dàng và bớt vất vả.
Những người phụ nữ làm nghề đòi hỏi chân không yếu, tay không mềm nhưng luôn được giao trọng trách đảm nhiệm công đoạn gọt cho mềm sản phẩm. Bởi, đây là công đoạn cần sự tinh tế, mềm mại và yêu cầu những ngón nghề riêng của từng người. Dù ở công đoạn nào, người làm nghề quan trọng nhất cần phải có sự kiên trì, say mê với công việc.
Nghề đục không kén chọn giới tính nhưng cần phải có sức khỏe. Mắt không tinh, sức khỏe không tốt thì có lành nghề đến đâu người làm nghề cũng không thể nào làm ra một sản phẩm đạt chất lượng. Do vậy, phần lớn người làm nghề Yên Mỹ ở trong độ tuổi từ 18 đến 45. Ngoài độ tuổi này, dù có tâm nhưng mắt mờ chân chậm, người làm nghề chỉ có thể chuyển sang những công đoạn khác nhẹ nhàng hơn. Vì thế, người làm nghề Yên Mỹ vẫn đùa nhau đây là nghề “đục đẽo” tuổi thanh xuân.
Nghề đục không kén chọn giới tính nhưng phải có sức khỏe |
Áp lực từ suy thoái
Cách đây 15 năm, nghề đục ở Yên Mỹ xuất hiện khi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Diện tích ruộng trên mỗi đầu người rất thấp. Cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ có nghề đục, kinh tế xã Yên Mỹ đã dần phát triển. Người dân đã có của dành dụm để xây dựng kiến thiết, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng đầy đủ hơn.
Người làm nghề cho biết, giá thành sản phẩm bán trên thị trường dù kinh tế hưng thịnh hay suy thoái vẫn không thay đổi. Người làm nghề nhẩm tính ra ngay thu nhập mỗi tháng. Anh Bùi Văn Hiệp, người có thâm niên trong nghề cho biết, sau khi lập gia đình, hai vợ chồng anh cùng làm nghề. Chồng vỡ, vợ gọt, hai anh chị thu nhập từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng. Nhờ số tiền ấy, anh chị tích cóp vay mượn thêm từ gia đình đôi bên xây dựng được căn nhà mái bằng rộng rãi, khang trang. Đến Yên Mỹ hôm nay, bạn sẽ cảm nhận được không gian làng quê ấm cúng và cũng khá đầy đủ, hiện đại.
Hiện nay, do tình hình kinh tế suy thoái, khả năng kiếm việc làm khó khăn, xu hướng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương đang trở thành một trào lưu. Lao động đi làm ăn xa trở về quê hương làm nghề ngày càng đông. Chính vì vậy, vài năm gần đây, người làm nghề cứ làm 2 ngày lại nghỉ 2 đến 3 ngày chờ việc vì không có hàng để làm. Đây cũng là một áp lực không nhỏ đối với những người thợ làng nghề La Xuyên.
Ðã từ lâu, các làng nghề luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương và bảo đảm đời sống cho người lao động. Theo nghiên cứu của các ngành chức năng, mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp. Thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450 nghìn đồng/tháng đến 4 triệu đồng/tháng (tùy theo từng loại ngành nghề), gấp 1,5 đến 4 lần so với lao động thuần nông. |
Minh Thứ