Sputnik thông tin, quân đội Đức sẽ rời khỏi căn cứ không quân tại Niger, nơi được sử dụng làm trung tâm vận tải quân sự, vào ngày 31 tháng 8 tới đây.
Lý do được đưa ra là các bên không gia hạn thỏa thuận liên quan đến căn cứ không quân này.
Truyền thông Đức trích dẫn một tài liệu của Bộ Quốc phòng nước này trình lên Quốc hội cho biết, các cuộc đàm phán với chính quyền mới của Niger đã từ chối cấp cho binh lính Đức quyền miễn trừ truy tố.
Đức dự kiến sẽ rút quân khỏi quốc gia này vào cuối tháng 8.
Quân đội Đức đã sử dụng căn cứ ở thủ đô Niamey của Niger từ năm 2013 làm trung tâm tiếp tế cho lực lượng vũ trang của nước này ở quốc gia láng giềng Mali, nơi đóng quân trong khuôn khổ phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Chính quyền Niger lên nắm quyền sau cuộc đảo chính quân sự vào tháng 7 năm 2023.
Kể từ đó, chính quyền mới đã chấm dứt các thỏa thuận quân sự với Pháp và Mỹ, dẫn đến việc quân đội hai quốc gia này buộc rút khỏi Niger.
Thay vào đó, Niger tìm đến sự hỗ trợ của Nga. Đài truyền hình nhà nước Niger RTN hồi tháng 4 năm nay cho biết, các chuyên gia quân sự Nga đã đến Niger để huấn luyện chiến đấu và triển khai hệ thống phòng không tại nước này.
Việc các chuyên gia Nga đến Niger hỗ trợ kỹ thuật được triển khai sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Abdourahmane Tchiani vào cuối tháng 3.
Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở khu vực Sahel, nhấn mạnh các vấn đề an ninh và hoạt động chống khủng bố. Các nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường đối thoại chính trị song phương và đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Akinyinka Akinyoade, nhà phân tích chính trị và nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi Leiden ở Hà Lan nhận định: "Về mặt lý thuyết, sự ra đi hoàn toàn của Pháp đã tạo ra một khoảng trống trong trật tự và quan hệ quốc tế của Niger bên ngoài lục địa châu Phi. Loại khoảng trống này đơn giản là không được phép tồn tại."
Theo ông Akinyoade, không có gì ngạc nhiên khi Nga đồng ý giúp đỡ Niamey trong bối cảnh ảnh hưởng của Moscow ở Sahel ngày càng gia tăng.
"Gần đây, Nga đã hỗ trợ chính phủ Mali và Burkina Faso, trong bối cảnh chính trị, quân sự và kinh tế gần giống nhau", chuyên gia này cho biết. "Do đó, trong tình hình mới nổi ở Niger, việc Nga can thiệp là điều tự nhiên."