Đưa sinh viên đi thực tập ở nước ngoài: Giải quyết mục tiêu kép

GD&TĐ - Cùng với xu hướng quốc tế hóa đại học, trong hợp tác quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học đã bắt đầu chú trọng đến nội dung tiếp nhận, trao đổi SV để từ đó mang lại tiềm năng nghề nghiệp. Nhiều SV có cơ hội đi thực tập ở nước ngoài với chi phí rất tượng trưng, có điều kiện nhanh chóng thích ứng khi tham gia thị trường lao động quốc tế.

Trong quá trình SV thực tập ở nước ngoài, các trường ĐH phải cử giảng viên theo dõi, cập nhật thường xuyên
Trong quá trình SV thực tập ở nước ngoài, các trường ĐH phải cử giảng viên theo dõi, cập nhật thường xuyên

SV được nhiều giá trị cộng thêm

Sau hơn 5 năm kí kết hợp tác với Trường Đại học Chaopraya (thuộc Tập đoàn Thai Identity Sugar, Thái Lan), Trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật – ĐH Đà Nẵng đã đưa khoảng 100 SV sang thực tập tại các nhà máy điện, nhà máy cơ khí, nhà máy sản xuất ethanol, nhà máy phân bón thuộc tập đoàn này; Đồng thời, trường cũng đã tiếp nhận và giới thiệu gần 20 SV của Đại học Chaopraya sang thực tập tại các doanh nghiệp đối tác của nhà trường ở Việt Nam. Là một trong những SV được chọn đi thực tập tại Tập đoàn KTIS (Thái Lan) và xuất sắc được nhận học bổng của Trường Đại học Chaopraya, cựu SV Nguyễn Thị Như Quỳnh (lớp 14SH1, Khoa CNHH – ĐH Đà Nẵng) đang theo học liên thông lên bậc ĐH tại Đại học Chaopraya. Như Quỳnh cho biết: “Trong thời gian thực tập, em và các bạn được làm việc như nhân viên chính thức của nhà máy, được tham gia vận hành, sửa chữa và bảo quản các trang thiết bị, tìm hiểu văn hóa doanh nghiệp… SV thực tập còn được phụ cấp chi phí sinh hoạt hàng tháng từ Tập đoàn KTIS, được hỗ trợ toàn bộ về chỗ ở, phương tiện đi lại. Nhưng quan trọng hơn cả, chúng em được rèn luyện ý thức kỷ luật trong môi trường làm việc thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy, quy định của nhà máy, nhất là quy định về an toàn lao động mà nhà máy đã yêu cầu”.

Sau đợt thực tập tại Trường ĐH

Rajamangala ở Sakon Nakhon của Thái Lan, Phan Song Sương – cựu SV Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng thi đỗ trong kỳ thi tuyển dụng vào Hệ thống giáo dục Sky – Line (Đà Nẵng). Sương nằm trong nhóm thực tập tiếng Anh và giảng dạy, trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Anh cho SV lớp chuyên ngữ tiếng Anh và giao tiếp. Lần đầu tiên trải nghiệm làm việc trong một môi trường hoàn toàn sử dụng bằng tiếng Anh, Sương cho biết, phản xạ của mình đã tốt hơn rất nhiều. “Em đã học được cách điều chỉnh tốc độ dạy để phù hợp với từng đối tượng học, cũng học được cách tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học một cách linh hoạt trong môi trường đa văn hóa”. Phan Song Sương cũng thừa nhận, kỳ thực tập tại Thái Lan đã tạo cho em và các bạn “nhiều giá trị cộng thêm” trong hồ sơ ứng tuyển.

Hấp dẫn thị trường lao động Nhật Bản

Trong lễ ra mắt Trung tâm Nhật Bản của ĐH Đà Nẵng vào cuối tháng vừa qua với sự tham gia của nhiều đại diện doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Công ty cổ phần Bridge đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác triển khai chương trình đào tạo nhân lực, giảng dạy tiếng Nhật và văn hóa Nhật Bản, kỹ năng làm việc cho SV trong môi trường doanh nghiệp Nhật Bản, cung cấp thông tin tuyển dụng và cơ hội việc làm cho SV tốt nghiệp.

Đưa SV sang Nhật Bản thực tập là mục tiêu hướng đến của nhiều cơ sở giáo dục đại học trong hợp tác đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho SV sau khi ra trường. Như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, từ năm 2014 đã bắt đầu ký kết hợp tác với Công ty Esuhai để triển khai chương trình thực tập sinh cho SV nhà trường. TS Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Từ năm 2017, nhà trường đã đưa thêm môn tiếng Nhật vào chương trình đào tạo cao đẳng với thời lượng 7 tín chỉ. Dù số lượng không nhiều nhưng đây là nền tảng ban đầu cho việc học tiếng Nhật của SV. Trường cũng phối hợp với các đơn vị đối tác tổ chức các buổi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để SV nhà trường tiếp cận được với những câu chuyện việc thật trong quá trình thực tập tại Nhật Bản nhằm giúp SV chuẩn bị tốt nhất kỹ năng nghề nghiệp, tâm lý cũng như ngôn ngữ, các kỹ năng mềm như văn hóa…”.

Bắt đầu từ năm 2017, Trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng) triển khai việc đưa SV sang thực tập tại các doanh nghiệp đối tác của Nhật Bản. Năm 2018, đã có 186 SV sang thực tập và làm việc tại Nhật được hưởng mức lương 1.500 USD/tháng và 2.200 - 2.500 USD/tháng đối với SV tốt nghiệp đi làm. Để có những nhóm SV sang Nhật Bản thực tập và được tuyển dụng ngay sau đợt thực tập, trường ĐH Đông Á đã có 3 năm trước đó cùng với SV chuẩn bị kỹ càng từ kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, đến tư tưởng...

Ông Lương Minh Sâm – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á lý giải về sức hút của thị trường lao động Nhật Bản đối với lao động trẻ, nhất là SV trước hết có lẽ từ mức lương các doanh nghiệp Nhật chi trả cho lao động trẻ khá cao. Ngay như SV thực tập, vừa học vừa làm năm đầu sang Nhật cũng đã được chi trả trung bình 1.500 USD/tháng, tương đương trên 30 triệu đồng/tháng. “Các doanh nghiệp Nhật có những chính sách hỗ trợ trong đào tạo chuyên môn, chi phí đi lại, ăn ở khá hấp dẫn. Thị trường làm việc Nhật không xa lạ, không còn “mạo hiểm” với SV Việt bởi họ đã lấy được niềm tin từ những câu chuyện trải nghiệm thực tế của nhiều lao động đi trước.

Gần như đại diện BGH của các cơ sở giáo dục đại học đều thống nhất rằng, rào cản lớn nhất trong việc đưa SV sang thực tập ở nước ngoài vẫn là ngôn ngữ, tiếp đó là những khó khăn trong khác biệt văn hóa, lối sống. Chính vì vậy, theo kinh nghiệm của TS Đào Thị Thanh Phượng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, các trường cũng phải thực hiện kỹ việc sàng lọc, tuyển chọn SV để vừa đảm bảo chất lượng của kỳ thực tập, vừa giữ uy tín với đối tác để có thể hợp tác lâu dài. Nhà trường, SV và doanh nghiệp đối tác cũng phải xác định mục đích của đợt thực tập là thực tập nghề nghiệp, khác với hình thức xuất khẩu lao động hoặc tu nghiệp. Ông Lương Minh Sâm cũng cho rằng, các trường cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn những đối tác uy tín, các chế độ phúc lợi, mức lương cao, điều kiện ưu đãi nơi ăn ở, sinh hoạt tốt để có thể gửi gắm SV và phải theo dõi trong suốt quá trình SV thực tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ