Đưa nhạc cụ dân tộc vào trường mầm non hướng học sinh về nguồn cội

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Kon Tum đã mời nghệ nhân về hướng dẫn cho giáo viên mầm non ứng dụng nhạc cụ vào dạy học.

Trường Mầm non Vàng Anh bố trí góc địa phương có các nhạc cụ dân tộc, như cồng chiêng, cây đàn bầu, đàn T’rưng...
Trường Mầm non Vàng Anh bố trí góc địa phương có các nhạc cụ dân tộc, như cồng chiêng, cây đàn bầu, đàn T’rưng...

Những cách làm sáng tạo

Những năm qua, mong muốn trẻ mầm non hướng về cội nguồn, phát huy cái hay, đẹp trong nghệ thuật âm nhạc dân tộc, nhiều trường mầm non tại Kon Tum đã có cách làm sáng tạo giúp các em hiểu biết, yêu hơn giai điệu truyền thống.

Theo đó, để âm nhạc dân tộc đến gần hơn với học sinh, Trường Mầm non Vàng Anh (xã Kroong, thành phố Kon Tum) - học sinh chủ yếu là người dân tộc Ba Na - đã mời nghệ nhân, người già trong làng đến biểu diễn. Những hoạt động này được học sinh yêu thích, song do điều kiện tổ chức chưa nhiều nên các em không nhớ lâu và chưa phân biệt rõ các loại nhạc cụ.

Giúp học sinh ghi nhớ, gìn giữ các loại nhạc cụ truyền thống, nhà trường và giáo viên đã sáng tạo, bố trí góc địa phương. Góc này ngoài các trang phục truyền thống còn nổi bật lên bộ cồng chiêng, cây đàn bầu, T’rưng…

Cô Đoàn Thị Kim Oanh - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, điểm cốt lõi của ý tưởng đưa nhạc cụ dân tộc vào trường mầm non là giúp các em thấy thân thuộc, gần gũi. Điều này sẽ thu hút học sinh đến lớp và yêu hơn văn hóa truyền thống. Mỗi ngày đến trường, các em đều nhìn thấy hình ảnh quen thuộc của dân tộc mình. Hàng tuần giáo viên cũng dành thời gian để giới thiệu cho trẻ biết tên, miêu tả đơn giản về cấu tạo của nhạc cụ.

Năm học 2023 - 2024, Trường Mầm non Vàng Anh có 332 trẻ, trong đó hơn 200 em người dân tộc thiểu số. Vừa qua, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng nhạc cụ dân tộc, do đó bước vào năm học mới nhà trường dự định cho học sinh làm quen cồng chiêng và đàn T’rưng - đây là hai loại nhạc cụ gần gũi, thân thuộc với trẻ em ở thôn, làng. Để trẻ lắng nghe, cảm âm tốt hơn, Trường Mầm non Vàng Anh dự định nhờ thêm sự hỗ trợ của già làng, nghệ nhân am hiểu nhạc cụ dân tộc.

“Ở độ tuổi mầm non học sinh rất dễ tiếp thu và ghi nhớ âm điệu các loại nhạc cụ dân tộc. Việc định hướng này sẽ giúp gia đình phát hiện khả năng của con em mình và có thể phát triển năng khiếu cho tương lai”, cô Oanh tâm sự.

Là người con của dân tộc Hà Lăng, cô giáo Y Vi (Trường Mầm non xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) từng được nghe những giai điệu du dương của tiếng đàn T’rưng, Ting ning và cồng chiêng… Thế nhưng, cô Vi chưa từng sử dụng những loại nhạc cụ dân tộc truyền thống.

Không muốn học trò và bản thân quên đi những giai điệu dân tộc, cô Y Vi tham gia lớp bồi dưỡng nhạc cụ dân tộc do Sở GD&ĐT tổ chức nhằm học tập, trau dồi kiến thức để truyền dạy lại cho học trò trong năm học mới. Cùng với nhiều giáo viên khác, cô Vi làm quen với cồng chiêng, đàn T’rưng, song loan…

“Trước kia tôi chỉ tìm hiểu sơ qua các loại nhạc cụ dân tộc. Giờ được tận tay cầm, học và biểu diễn thấy hơi lạ lẫm nhưng rất vui. Qua mấy buổi học, được nghệ nhân hướng dẫn chi tiết tôi đã đánh được theo nhịp điệu, tiết tấu. Bước vào năm học tôi sẽ cho học trò làm quen với những loại nhạc cụ này để các em hiểu và trân trọng văn hóa truyền thống”, cô Y Vi chia sẻ.

Thầy Lù Văn Tú là học viên nam duy nhất tham gia học, tập luyện nhạc cụ dân tộc.

Thầy Lù Văn Tú là học viên nam duy nhất tham gia học, tập luyện nhạc cụ dân tộc.

Yêu hơn văn hóa truyền thống

Là học viên nam duy nhất của lớp bồi dưỡng, thầy Lù Văn Tú – dân tộc Thái, cán bộ Giáo dục Mầm non – Phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô gặp không ít khó khăn. Được hỗ trợ, thầy Tú quen dần và có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu kĩ hơn về nhiều loại nhạc cụ dân tộc, như: Cồng chiêng, đàn T’rưng, phách…

“May mắn tôi được nghệ nhân hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết để đánh một vài tiết tấu cơ bản. Sau những ngày học, khi trở về địa phương tôi sẽ hỗ trợ, tập huấn lại cho giáo viên các trường mầm non. Hy vọng trong quá trình dạy học giáo viên sẽ áp dụng thuận lợi và giúp trẻ nhanh tiếp thu kiến thức, phát triển năng lực”, thầy Tú tâm sự.

Ông Trần Kim Trọng Nghĩa - giảng viên Trường Cao đẳng Kon Tum - cho hay, để giáo viên không bỡ ngỡ khi làm quen và đưa nhạc cụ vào trường mầm non, Sở GD&ĐT cùng một số giảng viên, nghệ nhân tổ chức lớp bồi dưỡng nhạc cụ dân tộc.

Những loại nhạc cụ gần gũi với giáo viên, học sinh tại địa phương, như: Cồng chiêng, đàn T’rưng, đàn đá, phách, song loan… Trong quá trình bồi dưỡng, lớp học đã gặp một số khó khăn khi nhạc cụ còn hạn chế so với số lượng học viên. Tuy nhiên, ai nấy đều cố gắng, nỗ lực và phân chia nhóm để mọi người đều có thể tập luyện.

Trong các buổi học thầy, cô giáo sẽ được tìm hiểu về vai trò, ý nghĩa của âm nhạc trong trường mầm non; tâm sinh lý của trẻ để lựa chọn nhạc cụ phù hợp với lứa tuổi; ứng dụng các loại nhạc cụ vào thực tế để trẻ mầm non được trải nghiệm và thấy yêu hơn văn hóa truyền thống dân tộc. “Bên cạnh lý thuyết, những học viên là giáo viên mầm non sẽ được nghệ nhân hướng dẫn cụ thể, trải nghiệm đàn, tập hát và đệm những bài đơn giản, phù hợp với cấp mầm non”, ông Trọng Nghĩa nói.

Bà Huỳnh Thị Thu Vân, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Tiểu học, Sở GD&ĐT Kon Tum, cho hay, thông qua việc hướng dẫn giáo viên mầm non sử dụng nhạc cụ dân tộc, đơn vị mong muốn nâng cao nhận thức của thầy, cô về tầm quan trọng giáo dục âm nhạc đối với trẻ. Bên cạnh đó sẽ đưa nhạc cụ dân tộc vào sử dụng trong các hoạt động của nhà trường. Ở lứa tuổi mầm non thì chủ yếu là tạo điều kiện cho các em làm quen, lắng nghe giai điệu chứ chưa thể sử dụng hoặc biểu diễn thành thạo.

Sở GD&ĐT Kon Tum muốn hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên lựa chọn nội dung, hình thức trong việc tổ chức sân chơi âm nhạc cho trẻ mầm non. Cùng đó giáo viên có thể khai thác, tận dụng các loại nhạc cụ dân tộc tại địa phương để giáo dục trẻ mầm non gìn giữ bản sắc văn hóa. Đây là điều kiện, cơ hội để học sinh cảm nhận được nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đồng thời, tạo hứng thú học tập và nâng cao hiệu quả giáo dục trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ